Công suất năng lượng tái tạo đã đạt mức kỷ lục và việc tiêu thụ than toàn cầu có thể đã lên đến đỉnh. Nhưng phát thải CO2 của thế giới từ nhiên liệu hóa thạch vẫn tăng trong năm 2018, xu hướng tăng này có thể khiến các mục tiêu nóng lên toàn cầu gặp khó khăn.
Theo ước tính mới từ Dự án Carbon Toàn cầu, một sáng kiến do nhà khoa học Rob Jackson của Đại học Stanford đứng đầu, phát thải nhiên liệu hóa thạch toàn cầu vẫn trên đà tăng lên trong năm thứ hai liên tiếp, chủ yếu do việc sử dụng năng lượng ngày càng tăng.
Những ước tính được đưa ra một tuần trước khi các nhà đàm phán quốc tế tập trung tại thành phố khai thác than Katowice (Ba Lan) để thống nhất các quy tắc cho việc thực hiện thỏa thuận khí hậu Paris. Theo thỏa thuận năm 2015, hàng trăm quốc gia cam kết sẽ cắt giảm lượng khí thải carbon và giữ cho sự nóng lên toàn cầu "dưới mức" 2oC so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Ông Jackson, giáo sư ngành Khoa học hệ thống mặt đất tại Trường Khoa học Trái đất, Năng lượng & Môi trường của ĐH Stanford cho biết: “Chúng tôi đã nghĩ, có lẽ là đã hy vọng, rằng lượng phát thải đạt đỉnh vài năm trước. Tuy nhiên, sau hai năm con số lại tăng trở lại, suy nghĩ đó chỉ là mơ ước."
Báo cáo "Tăng trưởng năng lượng toàn cầu đang vượt quá khả năng khử carbon" của Dự án khí Carbon Toàn cầu đã xuất hiện trên tạp chí bình duyệt Environmental Research Letters ngày 5/12 và đồng thời, những dữ liệu chi tiết của báo cáo cũng được công bố trên tạp chí Earth System Science Data.
Nhóm nghiên cứu ước tính rằng lượng khí thải CO2 toàn cầu từ nguồn nhiên liệu hóa thạch (hiện đang chiến khoảng 90% tổng lượng phát thải từ các hoạt động của con người) sẽ đạt mức cao kỷ lục hơn 37 tỷ tấn trong năm 2018, tăng 2,7% so với năm 2017. Mức tăng này cũng cao hơn so với mức tăng 1,6% ở năm 2017. Bên cạnh đó, lượng phát thải từ các nguồn không phải hóa thạch như phá rừng dự kiến sẽ tạo thêm gần 4,5 tỷ tấn khí CO2 cho năm 2018.
"Nhu cầu năng lượng toàn cầu đang vượt xa sự tăng trưởng mạnh mẽ của năng lượng tái tạo và hiệu suất năng lượng”, ông Jackson, một nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Viện Môi trường Woods và Viện Năng lượng Precourt của ĐH Stanford, nhận xét. “Thời gian đang trôi qua rất nhanh, trong khi chúng ta vật lộn để kiềm chế mức tăng nhiệt độ trái đất không quá 2oC.”
Ô tô, than đá và thời tiết lạnh
Tại Hoa Kỳ, sau một thập kỷ sụt giảm, lượng phát thải khí CO2 được dự báo sẽ tăng 2,5% trong năm 2018. Tác nhân cho sự gia tăng này bao gồm thời tiết bất thường (mùa đông lạnh giá ở các bang phía Đông và mùa hè ấm áp ở nhiều vùng trên cả nước khiến nhu cầu sử dụng năng lượng để sưởi ấm và làm mát theo mùa tăng cao) và việc tiêu thụ dầu mỏ ngày càng tăng do giá xăng dầu giảm.
Ông Jackson giải thích: "Chúng ta dùng những chiếc xe lớn để di chuyển nhiều hơn, sự chuyển đổi này đang vượt quá khả năng cải tiến hiệu suất phương tiện sử dụng nhiên liệu của chúng ta”. Nhìn chung, việc sử dụng xăng dầu của Mỹ đang trên đà tăng trưởng hơn 1% trong năm 2018 so với năm 2017.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch than đá đã không còn tăng nữa. Nghiên cứu cho thấy mức tiêu thụ than đá ở Canada và Hoa Kỳ đã giảm 40% kể từ năm 2005, và chỉ riêng trong năm 2018, Hoa Kỳ dự kiến sẽ giảm công suất điện than ở mức kỷ lục là 15GW.
Ông Jackson nói: "Các tác nhân thị trường và những nỗ lực làm sạch không khí đang thúc đẩy nhiều quốc gia theo hướng sử dụng khí đốt tự nhiên, năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Điều này không chỉ làm giảm lượng khí thải CO2 mà còn bảo vệ được nhiều sinh mạng bị đe dọa do ô nhiễm không khí."
Tuy nhiên nghiên cứu cho thấy trên toàn thế giới, năng lượng tái tạo đang đóng vai trò bổ sung thêm cho các nguồn năng lượng sẵn có, đặc biệt là khí tự nhiên, hơn là trở thành nguồn thay thế cho nhiên liệu hóa thạch. Ông Jackson nói: "Như thế chưa đủ để năng lượng tái tạo phát triển. Điều cần phải làm là loại bỏ các nhiên liệu hóa thạch. Cho đến nay, chúng ta đã bắt đầu làm được với than đá, nhưng vẫn còn dầu mỏ và khí tự nhiên."
Các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo rằng, việc tăng sử dụng than ở những khu vực đông dân chưa được tiếp cận với nguồn điện ổn định cuối cùng lại có thể vượt cả lượng than cắt giảm mạnh ở những nơi khác. Chẳng hạn, lượng phát thải của Ấn Độ được dự đoán sẽ tăng 6% trong năm 2018 khi nước này đang chạy đua xây dựng các nhà máy điện mới phục vụ cả nhu cầu công nghiệp và tiêu dùng. Ông Jackson nói: "Họ đang nhanh chóng xây mọi thứ - điện gió, điện mặt trời, hạt nhân và cả than đá"
Tấn công vào tất cả các trụ cột
Nhu cầu năng lượng đang tăng trên toàn thế giới. "Đây là lần đầu tiên trong một thập kỷ mà nền kinh tế tất cả các quốc gia cùng tăng trưởng.” Jackson nói.
Theo nghiên cứu, sự thay đổi lớn nhất về lượng khí thải carbon trong năm 2018 so với năm 2017 là việc Trung Quốc tăng mạnh cả về tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải. Sau bốn năm ổn định lượng phát thải dưới áp lực cải thiện chất lượng không khí, quốc gia này giờ lại nhấn chân ga tăng tốc.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã làm tăng nhu cầu sắt, thép, nhôm và xi măng sản xuất tại Trung Quốc. Trong khi đó, sự suy giảm gần đây của bản thân nền kinh tế Trung Quốc buộc quốc gia này chuyển hướng tiếp cận sang phát triển năng lượng. Ông Jackson chỉ ra, "Trung Quốc đang bắt đầu khởi động lại các dự án than đá đã bị hoãn". Do đó, lượng khí thải của quốc gia này dự kiến sẽ tăng 5% trong năm 2018, so với mức tăng khoảng 3,5% của năm 2017.
Các con số ước tính của năm nay đánh dấu sự trở lại của mô hình cũ, trong đó tăng trưởng kinh tế và phát thải khí thải ít nhiều đồng điệu với nhau.
Tuy vậy, lịch sử gần đây từng cho thấy hai lĩnh vực trên có thể tách rời. Từ năm 2014 đến năm 2016, lượng phát thải được giữ ở mức khá ổn định mặc dù vẫn có tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, điều này phần lớn nhờ vào việc giảm sử dụng than ở Trung Quốc và Mỹ, cùng những động thái cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng và mở rộng năng lượng tái tạo trên toàn thế giới.
Theo nhà khoa học khí hậu Corinne Le Quéré thuộc ĐH East Anglia, tác giả chính của bài báo của nhóm nghiên cứu trên Earth System Science Data thì, "Không có gì nghi ngờ về việc chúng ta có thể tăng trưởng kinh tế mà vẫn giảm phát thải.” Trong thập kỷ qua, ít nhất 19 quốc gia, bao gồm Đan Mạch, Thụy Sĩ và Hoa Kỳ, đã giảm lượng phát thải CO2 từ các nguồn hóa thạch trong khi nền kinh tế của họ vẫn tăng trưởng.
Trong năm 2019, để ngăn chặn suy thoái kinh tế toàn cầu, các nhà nghiên cứu dự đoán lượng khí thải CO2 sẽ tăng cao hơn bất chấp sự cấp bách của việc phải đảo ngược tiến trình. Theo ông Jackson, "Chúng ta cần lượng phát thải được duy trì ổn định và [mức tăng] nhanh chóng giảm về 0.”