Nhiều năm qua, những dự án táo bạo nhưng đầy rủi ro của một vài quốc gia châu Á, nhất là Trung Quốc, đã và đang gây sức ép lớn lên hệ sinh thái của khu vực Himalaya, đem tới mối họa khôn lường (về mặt an nguy) và vượt xa biên giới của châu lục.
Là vùng núi cao nhất thế giới, Đại Hy Mã Lạp Sơn (Great Himalaya Massif) có mối liên hệ mật thiết đối với tương lai của châu Á. Đây đồng thời cũng là nơi khởi nguồn của nhiều hệ thống sông chính trên lục địa vốn khan hiếm nước này, trong đó có sông Dương Tử, sông Ấn, sông Mekong, sông Nộ (Salween, tên mới là Thanlwin) và sông Hằng … Với độ cao gia tăng đáng kể, từ dưới 500 m lên tới hơn 8000 m, Himalaya chính là nhà của vô số hệ sinh thái đa dạng, từ bãi bồi cỏ mọc, rừng lá rộng cận nhiệt đới, cho đến rừng lá kim và đồng cỏ núi cao. Với địa hình trải dài từ Miễn Điện cho đến lưu vực sông dưới chân dãy Hindu-Kush ở Trung Á, có thể nói Himalaya chiếm một vai trò trung tâm trong việc định hình chu kỳ thủy văn lẫn đặc điểm thời tiết và khí hậu châu Á, trong đó có sự khởi phát của gió mậu dịch (thường xuất hiện vào mùa hè) hàn năm. Ngoài ra, khoảng 18.000 sông băng trên Himalaya cũng đang tích trữ một lượng nước ngọt khổng lồ, vào mùa đông đóng vai trò như một bồn tản nhiệt lớn thứ nhì thế giới – chỉ sau Nam Cực, và do đó giúp điều tiết khí hậu toàn cầu. Trong khi vào mùa hè, nơi đây lại biến thành một nguồn nhiệt lớn, hút gió mùa từ các đại dương thổi vào sâu bên trong lục địa.
Tuy nhiên, Himalaya cũng đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ hiện tượng băng tan (với tốc độ ngày càng nhanh), tình trạng khí hậu bất ổn và nguy cơ tổn thất đa dạng sinh học. Như 5 con sông lớn ở trên, hiện đang nằm trong top 10 hệ thống sông bị đe dọa nghiêm trọng nhất. Từ việc xây đập ngăn nước trên quy mô lớn cho đến khai thác tài nguyên thiên nhiên bừa bãi, rõ ràng chính các hoạt động của con người mới là nguyên nhân chủ chốt gây ra những xáo trộn – đe dọa tàn phá hệ sinh thái Himalaya. Mặc dù tất cả các quốc gia đều cùng liên đới ở một mức độ nào đó và phải có chung trách nhiệm, nhưng chắc chắn không một nước nào đã gây hại nhiều như Trung Quốc.
Do không chịu sự ràng buộc bởi những phong trào đấu tranh từ khu vực dân sự – điều thường thấy ở các nước dân chủ, chẳng hạn Ấn Độ, Trung Quốc đã mặc sức tiến hành những dự án xây dựng tham vọng (nhưng hầu hết đều rất thiếu minh bạch), nhằm khuất phục thiên nhiên phải theo ý chí của họ, và để khẳng định sức mạnh của một đại cường vừa mới trỗi dậy. Trong số này, có thể kể đến một dự án hạ tầng liên sông, liên lưu vực và lớn chưa từng có trên thế giới, để phục vụ lưu chuyển nước với công suất thiết kế hơn 10 tỷ mét khối thông qua một hệ thống kênh và sông đào có chiều dài lên tới gần 16.000 km. Chính những nỗ lực nắn dòng chảy tự nhiên đã khiến lượng nước chảy vào khoảng 1/5 số sông của Trung Quốc đang ngày càng ít đi, mà thay vào đó là đổi dòng sang các hồ chứa – gây suy thoái hệ sinh thái ven sông và làm biến mất khoảng 350 hồ lớn. Nhưng nguy hại hơn là chính quyền Trung Quốc đang có dấu hiệu chuyển hướng các dự án như vậy ra bên ngoài, đặc biệt là tại khu vực cao nguyên Tây Tạng – vốn chiếm gần 3/4 lượng băng của Himalaya – đem đến một mối đe dọa môi trường trên phạm vi quốc tế.
Nhưng không chỉ xây đập, Trung Quốc cũng đang biến Tây Tạng thành nơi để tiến hành các cuộc thử nghiệm địa kỹ thuật, như làm mưa nhân tạo ở khu vực phía Bắc và Tây Bắc khô cằn – hoạt động đòi hỏi phải hút ẩm từ các vùng khác, do đó có thể ảnh hưởng đến lượng gió mùa của cả châu Á. Đáng ngại hơn, những thí nghiệm như vậy chỉ là một phần mở rộng của chương trình điều khiển thời tiết do quân đội Trung Quốc khởi xướng. Chưa hết, như để chứng minh cho tên gọi Tây Tạng trong tiếng Hán (chỉ vùng đất cất giấu kho báu phía Tây), Trung Quốc đang cho tăng cường đào bới tài nguyên khoáng sản ở nơi này, bất chấp mọi hậu quả. Hiện tại, các mỏ khai thác đồng đang làm ô nhiễm vùng nước thiêng liêng đối với người Tây Tạng – nơi được gọi là Pemako (Vùng đất ẩn giấu), có con sông Brahmaputra (nằm ở độ cao lớn nhất thế giới) lượn quanh, uốn khúc trước khi chảy vào địa phận Ấn Độ. Hay mùa thu năm ngoái, nước tại lưu vực sông Siang – huyết mạch chính của Brahmaputra, từng một thời rất nguyên sơ – bỗng chuyển sang màu xám đục khi chảy vào Ấn Độ, mà khả năng cao là do hoạt động khai thác quặng và xây đập tại thượng nguyền. Và để trấn an, chính quyền Trung Quốc đã công bố kết luận rằng một trận động đất xảy ra ở khu vực phía Tây Nam Tây Tạng vào giữa tháng 11/2017 có lẽ đã khiến nước sông chuyển sang màu đục. Nhưng cho dù như vậy, thì từ lâu, trước khi có trận động đất, nước ở đây cũng đã không còn an toàn để có thể uống.
Và bất chấp mọi cảnh báo, Trung Quốc vẫn không chịu dừng lại, thậm chí còn háo hức tăng cường khai thác khoáng sản quý (như vàng và bạc) trên quy mô, tại khu vực tranh chấp thuộc phía Đông Himalaya mà họ đã chiếm đóng của Ấn Độ sau cuộc đụng độ quân sự vào năm 1959. Trong khi đó, ngành công nghiệp nước uống đóng chai của Trung Quốc (lớn nhất thế giới) cũng đang hút kiệt trữ lượng của các sông băng – vốn đã rất khan hiếm – của Himalaya, đặc biệt tại khu vực phía Đông, nơi băng tuyết đang tan chảy với một tốc độ chóng mặt. Vì vậy, không quá ngạc nhiên khi các chức năng của hệ sinh thái nơi này đang bị suy yếu trầm trọng, bên cạnh những tổn thất về mặt đa dạng sinh học. Chưa hết, những báo cáo khoa học cũng cho thấy, tình trạng phá rừng đang diễn ra tràn lan trên khắp Himalaya, góp phần làm tuyệt chủng nhiều loài động – thực vật nơi đây.
Cả cao nguyên Tây Tạng lẫn một phần của Himalaya đang nóng lên với nhịp độ nhanh gấp 3 lần mức trung bình của thế giới, cho nên phạm vi tác động của những biến đổi môi trường sẽ vượt xa khu vực châu Á, cũng bởi vai trò quan trọng của nơi này đối với sự lưu thông khí quyển ở Bắc Bán cầu (trợ giúp luồng không khí ấm áp di chuyển từ xích đạo về cực) và giúp duy trì tính đa dạng của các vùng khí hậu trên đường đi. Điều này đồng nghĩa với, những tổn thương của hệ sinh thái Himalaya có thể sẽ ảnh hưởng tới cả kiểu khí hậu của châu Âu và Bắc Mỹ.
Trước tình trạng môi trường nguy cấp mà Himalaya đang phải đối mặt, các quốc gia liên quan, bao gồm cả Trung Quốc lẫn các quốc gia trong vùng hạ lưu sông Mekong và Nam Á cần phải đạt được sự đồng thuận và hợp tác chặt chẽ. Tuy nhiên, để đạt được điều này, có lẽ toàn bộ cộng đồng quốc tế phải sớm gây áp lực để kiềm chế các hoạt động thiếu kiểm soát của Trung Quốc – mối đe dọa lớn nhất từ trước đến nay đối với nhân loại.