Các nhà thiên văn học vừa phát hiện một “siêu hố đen” lớn gấp 17 tỷ lần Mặt Trời.


Hình ảnh mô phỏng "siêu hố đen" ở trung tâm thiên hà NGC 1600. Ảnh: NBC
Hình ảnh mô phỏng "siêu hố đen" ở trung tâm thiên hà NGC 1600. Ảnh: NBC

Hố đen này được tìm thấy tạo thiên hà NGC 1600, thuộc chòm sao Eridanus - cách Trái Đất 200 triệu năm ánh sáng. Thời điểm tìm thấy hố đen mới, các nhà thiên văn học rất ngạc nhiên bởi NGC 1600 thuộc nhóm thiên hà quy mô trung bình, trong khi những “siêu hố đen” trước đây có xu hướng phát triển ở các cụm thiên hà dày đặc và quy mô khủng hơn.

Vì vậy, với phát hiện lần này, các nhà nghiên cứu phải thay đổi quan điểm về nơi hố đen khổng lồ cư trú và bao nhiêu hố đen có thể tồn tại trong cùng thiên hà, một nhà nghiên cứu cho hay.

“Hố đen mới tìm thấy này lớn hơn rất nhiều so với kích thước của thiên hà như những tính toán trước đây của chúng tôi”, Chung-Pei Ma, một trong những nhà thiên văn học phát hiện hố đen mới tại Đại học California tại Berkeley (tiểu bang California, Mỹ), nói.

Ma tiết lộ, nhóm nghiên cứu của cô tìm ra “siêu hố đen” mới hoàn toàn tình cờ. Khi đang quan sát quang phổ ánh sáng từ trung tâm thiên hà NGC1600, họ nhận thấy điểm bất thường.

“Nó giống như nhìn vào một cơn bão đi từ rất xa. Chúng ta không thể đoán được cơn bão này lớn như thế nào. Chúng tôi tự hỏi, hố đen này là gì?”, Ma nhận xét.

Nghi ngờ phát hiện được hố đen khổng lồ, các thành viên trong nhóm nghiên cứu đến phía Bắc của Đài quan sát Gemini ở Hawaii (Mỹ) để thăm dò khối lượng của hố đen mới. Đồng thời, các nhà khoa học tìm theo dữ liệu từ Kính viễn vọng không gian Hubble của NASA trên web.

“Các ngôi sao bị hút quá nhanh. Điều này chỉ có thể giải thích với một hố đen có khối lượng gấp 17 tỷ lần Mặt Trời ở trung tâm”, Ma kết luận.

Tuy nhiên, đây chưa phải là hố đen "khủng" nhất được tìm thấy. Hồi đầu tháng 2, NASA công bố bức hình chụp từ Hubble “siêu hố đen vũ trụ” đã ngừng hoạt động lớn gấp 21 tỷ lần Mặt Trời tại thiên hà NGC 4889.