Các nhà khoa học thuộc Đại học Witwatersrand, Johannesburg, Nam Phi đã phát hiện ra rằng, loài bò sát có tên Euchambersia - sống cách đây 260 triệu năm, có kích thước tương đương một con chó - là loài vật đầu tiên biết sử dụng chất độc.

Euchambersia là tên gọi chỉ một nhóm sinh vật gồm động vật có vú và bò sát giống động vật có vú. Người ta đã phát hiện ra 2 hóa thạch của loài này vào năm 1932 và 1966.

Euchambersia được cho là đã sống ở khu vực Karoo, gần Colesberg, Nam Phi hiện nay và chúng đã sống rất tốt cho tới khi có sự xuất hiện của khủng long.

Nếu như rắn phóng chất độc trực tiếp vào kẻ thù thông qua những rãnh trên chiếc , chất độc của Euchambersia được đưa trực tiếp vào mồm chúng và chất độc được truyền vào con mồi thông qua vết cắn.

Hình ảnh tái hiện Euchambersia theo tưởng tượng của họa sĩ.
Hình ảnh tái hiện Euchambersia theo tưởng tượng của họa sĩ.

Tiến sĩ Julien Benoit, một nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu khảo cổ Bernard Price thuộc Đại học Witwatersrand đồng thời là người đứng đầu nghiên cứu này cho biết: “Đây là bằng chứng đầu tiên về một loài động vật có xương sống mang nọc độc có thời gian sống cách chúng ta lâu nhất. Điều ngạc nhiên là nó không thuộc loài mà chúng tôi nghĩ. Rắn được coi là loài có vết cắn mang nhiều độc tố, nhưng những bằng chứng khảo cổ cho thấy nó xuất hiện cách đây 167 triệu năm. Như vậy, Euchambersia đã tiến hóa có độc sớm hơn 100 triệu năm so với thời điểm đầu tiên xuất hiện rắn ”.

Phân tích, chụp chiếu hóa thạch, các nhà khoa học nhận thấy cấu trúc giải phẫu của xương sọ loài này rất thích hợp để sử dụng nọc độc: loài này có 2 chiếc răng cửa và một cặp răng nanh lớn. Tất cả đều có đỉnh nhọn, giúp cho việc tiêm nọc độc vào người con mồi.

“Một khu vực tròn, sâu, rộng chứa tuyến chất độc tìm thấy ở hàm trên và được nối với răng nanh và miệng bằng một hệ thống rãnh xương và mạch máu” – tiến sĩ Benoit cho hay.

Các nhà khoa học cho rằng Euchambersia có thể đã phát triển tuyến nọc độc để phục vụ mục đích săn bắt.