Các nhà khoa học đã đưa ra kết luận cá mập khổng lồ megalodon tuyệt chủng vì kén ăn sau khi phân tích chiếc răng hóa thạch có tuổi đời 7 triệu năm của loài này.

Cá mập khổng lồ Megalodon sống khoảng từ 23 triệu năm tới 2,6 triệu năm trước. Khi trưởng thành chúng có thể đạt chiều dài tới 18m. Loài này thường dùng chiếc răng khổng lồ của mình (có thể dài tới 18cm) để ăn thịt những loài sinh vật có vú nhỏ hơn, sống ở biển. Sự biến mất của chúng đã làm đau đầu không ít các nhà khoa học.

Trưởng nhóm nghiên cứu, ông Alberto Collareta, Đại học Pisa, Italy cho biết: "Sự biến mất của loài cá mập khổng lồ có răng cuối cùng có thể bắt nguồn từ sự suy giảm và thậm chí là biến mất của một vài loài cá voi tấm sừng kích thước vừa và nhỏ và được thay thế bằng những loài cá voi tấm sừng khổng lồ hiện đại”.

Răng hóa thạch của loài cá mập Megalodon.
Răng hóa thạch của loài cá mập Megalodon.

Để đưa ra kết luận này, Collareta và các đồng nghiệp đã phân tích dấu vết xước và vết thương để lại trên răng hóa thạch 7 triệu năm tuổi - tìm thấy ở khu vực hóa thạch Piso, Aguada de Lomas, Peru - trong đó tiết lộ một thực đơn ăn uống bao gồm cá mập lùn đã tuyệt chủng và hải cẩu. Họ cũng tìm thấy dấu vết của loài cá voi tấm sừng có tên Piscobalaena nana và một loài hải cầu tiền sử có tên Piscophoca pacifica. 2 loại cá tiền sử này có chiều dài khoảng 5m, bằng 1/3 cá mập megalodon.

Các nhà khoa học cho rằng nguồn cung thức ăn của megalodon bị biến mất do sự thay đổi khí hậu. Hàng triệu năm trước, Trái đất trở nên lạnh lẽo, băng được hình thành ở hai cực khiến số lượng hải cẩu suy giảm nhanh chóng. Sự thay đổi thời tiết này khiến cá mập lùn phải di chuyển ra đại dương mở - một môi trường sống không phù hợp với chúng. Bên cạnh đó, sự thay đổi khí hậu khiến kích thước nhiều loài cá voi trở nên lớn hơn, khiến magadolon không đủ sức ăn thịt.