Trong một khu rừng ven biển Nam Trung Bộ, một sinh vật dài khoảng 60 cm nằm trên cành cây. Đôi mắt màu vàng của nó lia ra xung quanh, còn lưỡi của nó thè ra từ giữa hai mép có đường viên màu xanh lam.

s
Một con rắn lục mép xanh tại VQG Núi Chúa (Ninh Thuận). Ảnh: A.M. Bragin và cộng sự (2024)

Trong một chuyến thực địa tại một số khu rừng ven biển vào năm 2023 để khảo sát động vật hoang dã, các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài đã phát hiện khoảng một tá rắn lục với đôi mắt vàng nổi bật. Ban đầu, họ xác định đây là một loài đã biết, nhưng khi kiểm tra kỹ hơn, họ nhận thấy đây là một loài mới với nhiều điểm độc đáo và đặt tên nó là Trimeresurus cyanolabris, hay còn gọi là rắn lục mép xanh lam. Trong tiếng Latin, “cyaneus” có nghĩa là “xanh lam” và “labrum” có nghĩa là “mép”.

TS. Lê Xuân Đắc (Phòng Sinh thái cạn, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga), nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Tân (Đại học Duy Tân) cùng các đồng nghiệp trong nước và quốc tế đã công bố loài mới trong bài báo “A new species of green pitviper of the Trimeresurus macrops complex (Reptilia: Serpentes: Viperidae) from South Central Coastal Region of Vietnam” trên Zooxata.

Nhìn chung, con rắn có thân màu "xanh lá cây sáng" chuyển dần sang xanh vàng ở hai bên và bụng. Đuôi có màu "đỏ gạch xỉn". Đúng như tên gọi, con rắn có một mảng xanh lam dọc theo mép, đường viền hàm và cổ họng. Nghiên cứu cho biết rắn lục mép xanh sống ở các khu rừng ven biển và hoạt động mạnh nhất vào lúc chạng vạng hoặc khi trời đã tối. Vào ban ngày, chúng thường nằm trên cành cây thấp, "trong hốc cây", bụi cây, trên những tảng đá gần sông, và trên mặt đất.

Tờ Miami Herald cho biết thêm rắn lục mép xanhdài hơn 60cm, dài nhất được ghi nhận đến nay là 63,8 cm; thân "dẹt"; đầu "hình tam giác" có mõm "phẳng" và đôi mắt "lớn", "vàng sáng".

Phân tích DNA cho thấy loài mới có ít nhất 6% sự khác biệt về mặt di truyền so với các loài rắn lục khác có họ hàng.

Cũng theo nghiên cứu cho biết loài mới này "ăn ếch nhỏ và thằn lằn nhỏ". Giống như các loài rắn lục khác, nó có thể có nọc độc, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chưa tiến hành nghiên cứu nọc độc của nó.

Đến hiện tại, các nhà khoa học đã ghi nhận loài mới tại vùng thấp phía Nam từ Phú Yên tới Ninh Thuận (VQG Núi Chúa). Phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực nói trên như một điểm nóng về mức độ đa dạng và đặc hữu của động vật bò sát.