Hiệp hội Khảo cổ động vật có xương sống vừa tổ chức hội nghị tại Dallas, Mỹ từ ngày 14-17/10. Tại hội nghị, các kết quả phát hiện về loài khủng long tại ranh giới 2 bang Utah-Colorado, Mỹ đã được thông báo.

Cụ thể, từ năm 2009 đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện 8 loài động vật khác nhau, phần lớn trong số đó là loài mới.
Mô phỏng hình ảnh của loài thằn lằn bay lớn nhất kỷ Trias. Ảnh USA to lay
Mô phỏng hình ảnh của loài thằn lằn bay lớn nhất kỷ Trias. Ảnh USA to lay

Đặc biệt, họ tìm ra một loại thằn lằn bay có răng nanh khổng lồ. Theo các nhà khoa học, loài thằn lằn bay khổng lồ này có thể là loài lớn nhất tồn tại ở thời điểm cách đây 210 triệu năm. Đây là lần đầu tiên dấu vết của khủng long thuộc kỷ Trias (từ khoảng 200 đến 251 triệu năm trước) được phát hiện ở tây bắc Mỹ.
Để có được kết quả này, một sinh viên ngành khảo cổ đã phải sàng lọc khoảng gần 140kg đất đá ở khu di chỉ để tìm ra hóa thạch. Sau đó, chân dung của loài thằn lằn bay chưa được đặt tên được hé lộ. Con khủng long này có 2 răng nanh khổng lồ ở hàm dưới và 28 chiếc răng.
“Chúng có thể từng là động vật ăn thịt chúa tể bầu trời” - Giáo sư Brian Andres thuộc Đại học South Florida (Mỹ) nói.
Những chiếc răng vô cùng sắc nhọn cùng một hộp sọ chắc khỏe cho phép loài này ăn được cả những sinh vật nhỏ giống cá sấu.
Chúng chính là chủ nhân vùng sa mạc khoảng 210 triệu năm trước và loài khủng long này có mối quan hệ với loài thằn lằn bay dimorphodon được tìm thấy ở London, Anh.
“Đây là phát hiện quan trọng vì nó góp phần lấp đầy khoảng trống kiến thức trong các ghi chép về hóa thạch giữa các loài khủng long nhỏ xuất hiện sớm hơn và những loài khủng long khổng lồ xuất hiện sau” - ông Brian Andres nhận định.
Ngoài ra, tại di chỉ khảo cổ này còn tìm thấy một loài thằn lằn drepanosaur có hình thù kỳ dị, một vài loài sinh vật nhỏ bé có tên sphenosuchians với hình thù giống cá sấu và có giáp ở sau lưng cùng 2 loại khủng long ăn thịt khác.