Các nhà khoa học đã tìm cách phát triển những loại mạch linh hoạt có thể cảm ứng, cảm nhận được áp lực, sức nóng… đồng thời truyền tải được tín hiệu của sự tiếp xúc lên não. Để những người khuyết tật dùng chân tay giả có thể cảm nhận được tương tác khi cầm vật gì đó.
Hy vọng mở ra cho người khuyết tật khi một nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Stanford (Mỹ) đã phát triển thành công một loại da nhân tạo có khả năng cảm nhận được khi chạm vào vật thể rồi gửi tín hiệu về hệ thống thần kinh của người.
Lớp da nhân tạo được tạo thành từ hai lớp da bằng nhựa dẻo có thể kéo dãn được gắn mạch bên trong và nối với nhau thông qua hệ thống ống nano carbon.
Các ống carbon có khả năng tạo ra những xung điện khi hai lớp da được nén lại gần nhau. Càng ấn mạnh, càng nhiều xung điện được tạo ra.
Tuy nhiên, chừng đó là không đủ vì còn thiếu một bước quan trọng là làm sao não có thể cảm nhận được những xung điện đó. Các nhà khoa học phải sử dụng kỹ thuật khá khó là di truyền quang học để truyền tải dữ liệu thu được tới não bộ người sử dụng. Nhờ đó, da nhân tạo mới cảm nhận được sự khác biệt về lực tác động.
Bước tiếp theo của công trình nghiên cứu này là giảm kích cỡ của các cảm ứng để chúng có thể sử dụng được trong những diện tích nhỏ hẹp.
Nếu thành công, mục tiêu của nhóm nghiên cứu sẽ là thử nghiệm da nhân tạo trên một cơ thể sống, rồi tạo ra tay chân giả và các thiết bị đeo tay có khả năng cảm nhận như da người.
Thùy Dương/Theo Engadget