Ngày 8/6, các nhà khảo cổ học Argentina thông báo phát hiện một mặt nạ người bằng đồng hình chữ nhật có niên đại 3.000 năm trước tại dãy núi Andes, đặt ra nghi ngờ về lý thuyết cho rằng Peru là điểm khởi đầu của nghề luyện kim thời kỳ tiền Columbus tại Nam Mỹ.
Mặt trước (bên trái) và mặt sau (bên phải) của chiếc mặt nạ. (Nguồn: dailymail.co.uk).
Đây là vật dụng bằng đồng cổ nhất do con người tạo ra được tìm thấy tại khu vực này. Tuy nhiên, mối quan tâm lớn nhất của các nhà nghiên cứu khảo cổ là chiếc mặt nạ cổ lại được phát hiện tại thung lũng Cajon, nằm ở dãy núi Andes phía Tây Bắc Argentina.
Chiếc mặt nạ trên được dùng trong một lễ tang 3.000 năm trước, ở thời kỳ khi con người từ bỏ cuộc sống du mục săn bắt và hái lượm, bắt đầu định cư lâu dài với công việc trồng trọt và chăn nuôi.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Buenos Aires nhận định phát hiện này chứng minh thung lũng Cajon và khu vực xung quanh đã từng là một trung tâm chế tác các đồ vật bằng đồng quan trọng.
Mặt nạ cổ dài 18cm, rộng 15cm, được làm thủ công, gò từ giữa ra ngoài với các lỗ ở vị trí của mắt, mũi, miệng và những lỗ nhỏ hơn ở bên rìa dùng để buộc giữ khuôn mặt.
Nước mưa làm phát lộ chiếc mặt nạ cùng với 14 bộ hài cốt người cổ tập trung trong một ngôi mộ gần tỉnh La Quebrada, phía Tây Bắc Argentina.
Gần đó, các nhà khoa học cũng phát hiện khu vực chôn cất thứ hai nhưng chỉ có một bộ hài cốt trẻ em 12 tuổi có niên đại 3.000 năm trước.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng phát hiện mỏ quặng đồng cách thung lũng Cajon, nơi tìm thấy mặt nạ cổ gần 70km. Phát hiện cho thấy chiếc mặt nạ được làm tại đây và có nhiều khả năng nghề luyện kim đã bắt đầu tại Argentina, không phải ở Peru như nghiên cứu trước đây chỉ ra.
Trước đó, nhiều hiện vật bằng đồng có niên đại khoảng 1.000 năm được tìm thấy tại dãy núi Andes của Peru. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ vẫn chưa xác định được các vật dụng này được sản xuất tại đây hay được mang đến Peru qua hoạt động thông thương.
Theo Vietnamplus