Qua chiết xuất rễ củ, các nhà khoa học đã tìm thấy các chất có khả năng chống ung thư, kháng viêm, bảo vệ dạ dày, chống dị ứng và khối u, kháng nấm v.v.

Vi phẫu rễ cấu tạo chi tiết Bạch chỉ nam. Ảnh: CESTI
Vi phẫu rễ cấu tạo chi tiết Bạch chỉ nam. Ảnh: CESTI

Bạch chỉ nam (Millettia pulchra Kurz) là cây loài thuộc họ đậu, mọc hoang ở nhiều tỉnh phía Bắc và số ít ở phía Nam nước ta. Từ lâu, rễ củ Bạch chỉ nam đã được lưu truyền trong dân gian như một vị thuốc trị cảm mạo, sốt nóng, không thoát mồ hôi, ngạt mũi, sợ gió, chân tay nhức mỏi, viêm da dị ứng sơn hoặc đậu mùa. Một số nghiên cứu trước đây cho thấy Bạch chỉ nam chứa nhiều hoạt chất flavonoid, phenol, sterol và đặc biệt là các isoflavonoid có tác dụng kháng viêm, khuẩn, nấm, ung thư và chống oxy hóa. Tuy nhiên, hiện nay các nghiên cứu về thành phần hoá học và tác dụng dược lý của Bạch chỉ nam ở Việt Nam còn hạn chế.

Với mong muốn nâng cao hiệu quả sử dụng Bạch chỉ nam trong điều trị bệnh, TS. Mã Chí Thành và các cộng sự tại Đại học Y Dược TPHCM đã tiến hành đề tài nghiên cứu thành phần hoá học, phân lập các hợp chất, thử tác dụng sinh học của dược liệu này.

Theo thông tin từ Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN (Sở KH&CN TPHCM), nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập nguyên liệu cho nghiên cứu; khảo sát, mô tả các đặc điểm hình thái và thành phần hóa học; phân tách cao toàn phần và cao phân đoạn; phân lập các chất tinh khiết từ các cao phân đoạn; xác định cấu trúc các hợp chất phân lập được.

Cụ thể, nguyên liệu dùng cho khảo sát là rễ củ phơi khô (được xay thành bột mịn) của cây Bạch chỉ nam thu hái tại vùng núi An Giang. Ban đầu, 25 g bột rễ củ Bạch chỉ nam được chiết kiệt lần lượt với ba dung môi có độ phân cực tăng dần: ether ethylic, ethanol và nước. Các dịch chiết được cô thu hồi dung môi thành các dịch chiết đậm đặc dùng để xác định nhóm hoạt chất có trong dược liệu. Cô dịch chiết dưới áp suất giảm thu được cao chiết toàn phần, sau đó chiết phân bố lỏng-lỏng với các dung môi: n-hexan, ethyl acetate, n-butanol. Các phân đoạn được tiến hành sắc ký, kết tinh phân đoạn, lọc rửa tủa nhiều lần với các dung môi khác nhau thu được các hợp chất tinh khiết. Cuối cùng, nhóm nghiên cứu xác định cấu trúc của các hợp chất phân lập bằng phương pháp phổ MS, NMR và kết hợp so sánh với các tài liệu tham khảo.

Kết quả, khảo sát sơ bộ thành phần hóa thực vật cho thấy rễ Bạch chỉ nam có sự hiện diện của nhóm hợp chất flavonoid, coumarin, chất khử, polyuronid và các acid hữu cơ, flavonoid là thành phần chủ yếu trong dược liệu này.

Về hóa học, nhóm nghiên cứu đã tinh chế, thu được 17 hợp chất tinh khiết, trong đó karanjin được biết đến có khả năng chống ung thư; fujikinetin kháng viêm, bảo vệ dạ dày; maackiain chống dị ứng và khối u; acid 4-O-methyl-karanjic kháng nấm; acid 5-methoxy-2,2-dimethyl-2Hchromene-6-carboxylic kháng viêm và virus; pseudobaptigenin kháng viêm; genistein và daidzein ngừa ung thư vú.

Nhìn chung, nghiên cứu đã giúp bổ sung tư liệu về đặc điểm thực vật và thành phần hóa học của loài Bạch chỉ nam thu hái tại vùng núi An Giang. Từ đây, các nhà khoa học sẽ có cơ sở xây dựng phương pháp chiết xuất và phân lập các chất trong rễ củ Bạch chỉ nam, làm tiền đề cho những nghiên cứu sâu hơn về loài này.