Space One, một công ty Nhật Bản, đã chế tạo tên lửa với mục tiêu đưa vệ tinh lên quỹ đạo. Tuy nhiên, tên lửa phát nổ ngay sau phóng, cho thấy phóng tên lửa thương mại vẫn là một nhiệm vụ khó khăn về mặt kỹ thuật.

Tên lửa có tên Kairos dài 18 mét, là sản phẩm của Space One, trụ sở tại Tokyo, đã được phóng từ bệ phóng của công ty ở vùng Wakayama phía tây Nhật Bản vào ngày 13/3. Tên lửa còn mang theo một vệ tinh thử nghiệm nhỏ của chính phủ Nhật.

Theo đoạn phim được phát trực tiếp, vài giây sau khi phóng, tên lửa dùng nhiên liệu rắn phát nổ, tạo ra cột khói cuồn cuộn giữa miền núi hẻo lánh, các mảnh vụn cháy rơi xuống các sườn núi xung quanh.

Nguồn ảnh: AP

Hàng trăm người dân đã tập trung tại các khu vực có thể xem vụ phóng tên lửa, bao gồm cả bờ sông gần đó. Một người đàn ông trả lời phỏng vấn của đài truyền hình NHK nói rằng: “Tôi đã hy vọng rất nhiều vào điều này nên khi thấy tên lửa phát nổ, tôi thật sự thất vọng. Tôi muốn biết chuyện gì đã xảy ra”.

Thất bại khi phóng một hệ thống tên lửa là một điều bình thường, ví dụ SpaceX của Mỹ cũng đã thất bại nhiều lần trước khi đạt được thành công đầu tiên. Dù vậy, thất bại của Space One vẫn giáng một đòn mạnh vào nỗ lực của Nhật Bản trong việc thâm nhập thị trường phóng vệ tinh thương mại đầy tiềm năng.

Theo kế hoạch, Kairos sẽ đưa vệ tinh vào quỹ đạo sau khoảng 51 phút kể từ khi cất cánh. Space One đã phải hoãn việc phóng Kairos năm lần, gần đây nhất là trước ngày phóng năm ngày do thiếu linh kiện và các vấn đề khác.

Thị trưởng Katsumasa Tashima của thị trấn có 15.000 cư dân, nơi diễn ra vụ phóng, bày tỏ sự ngạc nhiên và thất vọng. Katsumasa Tashima nói: “Tôi thậm chí còn không tưởng tượng được một kết quả như thế này. Nhưng thị trấn vẫn sẽ hỗ trợ Space One và chúng tôi muốn được tiếp tục giúp đỡ công ty để có tên lửa đầu tiên phóng thành công”.

Space One được thành lập vào năm 2018 bởi một nhóm các doanh nghiệp công nghệ lớn của Nhật Bản, bao gồm Canon Electronics, IHI Aerospace, công ty xây dựng Shimizu và Ngân hàng Phát triển Nhật Bản thuộc sở hữu của chính phủ.

Tháng Bảy năm ngoái, một tên lửa khác của Nhật Bản, Epsilon S, do Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản JAXA phát triển, sử dụng nhiên liệu rắn, cũng đã phát nổ khoảng 50 giây sau khi đánh lửa.

Tuy nhiên, vào tháng trước, JAXA đã tổ chức thành công vụ phóng tên lửa hàng đầu mới, tên H3, sau nhiều năm trì hoãn và hai lần thử thất bại trước đó.

Đầu năm nay, tàu thăm dò không người lái của Nhật đã đáp thành công xuống Mặt trăng, giúp nước này trở thành quốc gia thứ năm đặt chân lên Mặt trăng.

Nguồn: