Luôn suy tư việc đưa nghiên cứu cơ bản ra ứng dụng, TS Nguyễn Văn Duy cho rằng trong điều kiện eo hẹp của Việt Nam nên bắt đầu từ việc thay thế dần những sản phẩm đơn giản, chi phí thấp vẫn đang phải nhập từ nước ngoài. Ông và nhóm của mình cũng đang làm như vậy.
TS Nguyễn Văn Duy là Phó phòng Phát triển và Ứng dụng cảm biến nano, Viện Đào tạo quốc tế về khoa học vật liệu (ITims). Nhóm nghiên cứu của ông được coi là nhóm mạnh trong nước về công bố quốc tế với trung bình 15 công trình được công bố quốc tế mỗi năm, thường chiếm vị trí dẫn đầu về giá trị khoa học.
Tiến sỹ thế kỷ 21 đi xe đạp
Gặp TS Nguyễn Văn Duy, ít ai nghĩ chàng thư sinh có nụ cười tươi rói như cậu sinh viên vô tư lự này lại là một nhà khoa học đã ở lứa tuổi U40. Tiếp phóng viên trong căn phòng đầy máy móc thí nghiệm, TS Duy cũng vui vẻ thừa nhận, ông rất hay bị nhầm là sinh viên.
Sự trẻ trung của nhà khoa học thể hiện cả trong cách ông nói về niềm đam mê từ nhỏ của mình đối với vật lý: “Tôi thích thiên văn từ vẻ đẹp của bầu trời, của vũ trụ nhưng hồi còn bé chỉ biết sự quyến rũ của nó qua những quyển sách, những thước phim tài liệu, phim khoa học viễn tưởng về các hành tinh”.
Và như một điều tất nhiên, hết bậc phổ thông Duy chọn khoa Vật lý kỹ thuật - Đại học Bách khoa Hà Nội như một cách để thỏa mãn nhu cầu khám phá vật lý. Ra trường, phải đứng trước sự lựa chọn giữa đi làm để kinh tế gia đình đỡ khó khăn hay tiếp tục nghiên cứu, Duy đã quyết định đi theo con đường thứ hai, ngược với hướng của đa số bạn bè.
Kết thúc chương trình nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc, Nguyễn Văn Duy một lần nữa đứng trước sự lựa chọn khá “đau đầu”: Về nước hay ở lại đón nhận cơ hội làm việc ở môi trường nghiên cứu lý tưởng mà bất cứ nhà khoa học nào cũng khao khát?
Duy chọn trở về vì tin rằng Nhà nước ngày càng coi trọng vai trò của khoa học công nghệ và đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực này - điển hình là các đề tài Nafosted của Bộ KH&CN nhằm phát triển năng lực nghiên cứu của giới khoa học trẻ, nâng chất lượng nghiên cứu và số nghiên cứu khoa học được công bố quốc tế. “Anh Nguyễn Văn Hiếu (Viện trưởng Viện ITims, Trưởng phòng Phòng Phát triển và Ứng dụng cảm biến nano - PV) khi đó là trưởng nhóm nghiên cứu có viết thư cho tôi bảo về nước làm việc, xin đề tài nghiên cứu. Có nhiều yếu tố để đưa ra quyết định trở về nước, nhưng quan trọng nhất là cơ sở ở nhà đáp ứng được cuộc sống của mình” - Duy tâm sự.
Hằng ngày, TS Duy đến viện bằng xe đạp, y như thời sinh viên. Đáp lại câu đùa “tiến sỹ thế kỷ 21 đi xe đạp”, ông giải thích: “Người thân trong gia đình cũng bảo giúp tôi có xe máy đi nhưng tôi không thích. Đạp xe giúp mình thanh thản và đôi khi cuộc sống cũng cần chậm lại một chút để mình suy ngẫm”. Nhân chuyện xe đạp, Duy cũng cho biết ông là con người không thích bề nổi, không thích đến các buổi lễ tuyên dương thành tích. Ngoài việc nghiên cứu, ông chỉ ham các sự kiện hay hội thảo khoa học, nơi “dân làm khoa học” có thể trao đổi, học hỏi, cập nhật thông tin từ nhau.
Nói về người đồng nghiệp của mình, GS-TS Nguyễn Văn Hiếu cho biết: “TS Nguyễn Văn Duy vừa giỏi vừa chịu khó. Duy dành nhiều thời gian để nghiên cứu - gần như cả ngày trong phòng thí nghiệm. Rất ít TS được như Duy khi ân cần hướng dẫn, trực tiếp làm các thí nghiệm cùng nghiên cứu sinh”. Giải thích điều này, TS Duy cho biết khi làm việc cùng các bạn trẻ, ông cũng học hỏi được từ họ.
Tìm cách thương mại hóa kết quả nghiên cứu
Là một người chuyên nghiên cứu cơ bản, TS Nguyễn Văn Duy ấp ủ nhiều dự định để đưa nghiên cứu cơ bản ra ứng dụng, tuy biết rõ điều này không hề dễ dàng: “Trước đây, nhóm loay hoay không biết làm thế nào, khi nghiên cứu vật liệu chỉ tập trung vào tính chất mà chưa tìm được cách hướng sản phẩm vào ứng dụng nhiều hơn”.
Hiện Duy và các cộng sự tập trung vào việc tìm cách đưa những vật liệu mình đang nghiên cứu có thể thương mại hóa thành sản phẩm, sản xuất ra số lượng lớn. Muốn vậy thì phải tính toán được tính chất ổn định của thiết bị, nghĩa là phải qua rất nhiều khâu nghiên cứu. Họ đã có nhiều công trình được công bố, đã thử làm những linh kiện, thiết bị như thiết bị cảm biến đo khí LPG bảo đảm an toàn cho quá trình sử dụng bếp gas.
“Trước mắt, chúng tôi muốn chứng minh nghiên cứu cơ bản của mình có khả năng ứng dụng thì phải làm ra được những sản phẩm thử nghiệm như thế này” - nhà khoa học trẻ cho biết. Nhóm cũng hợp tác, liên kết với một số doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sản phẩm của mình.
“Chúng tôi đang tiến hành những bước đầu tiên để có thể hợp tác với PV Gas của Petrogas để đưa vào ứng dụng thiết bị cảm biến khí cảnh báo rò rỉ khí gas, nhằm thay thế các sản phẩm nhập ngoại”.
Một công trình khác của nhóm cũng được đánh giá cao là nghiên cứu về hiệu ứng tự đốt nóng của dây nano SnO2. Thay vì dùng dây vi nhiệt khiến cảm biến đòi hỏi công suất điện khá cao, có thể sử dụng hiệu ứng tự đốt nóng của dây nano với công suất cực thấp (cỡ micro watt). Nghiên cứu này có thể ứng dụng tích hợp cảm biến trong các thiết bị di động hoặc giúp các thiết bị hoạt động cả năm chỉ với nguồn điện là pin sạc thông thường.
TS Duy cho biết, con đường từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng thực tiễn cần rất nhiều thời gian, thường phải qua 2-4 đề tài, mỗi đề tài khoảng 2 năm; và đã là nghiên cứu thì luôn có khả năng thất bại. Vì thế, việc đưa nghiên cứu cơ bản thành nghiên cứu ứng dụng cần phải có đầu tư dài hơi, trong khi điều kiện kinh tế của nước ta chưa phát triển.
Ông đưa ví dụ: Ở các nước phát triển như Nhật Bản hay Hàn Quốc, giá trị khoa học trong sản phẩm khoa học rất cao, rất dễ nhìn ra giá trị thương mại mà sản phẩm sẽ mang lại vì hàm lượng đổi mới sáng tạo rất lớn. Còn ở Việt Nam, các sản phẩm đưa ra thị trường chủ yếu vẫn dừng lại ở sản phẩm tiêu dùng.
TS Duy cho rằng, hiểu điều kiện của nước mình, việc chọn hướng nghiên cứu cũng cần phù hợp: “Chúng ra nên đầu tư những sản phẩm đơn giản, ít chi phí hơn để dần thay thế những sản phẩm có chi phí thấp nhập từ nước ngoài trước đã”.
Nhà nghiên cứu trẻ tin rằng, “nếu có lộ trình, quản lý tốt, giới khoa học Việt Nam hoàn toàn có thể thay thế và tiếp quản được những công nghệ mà doanh nghiệp nước ngoài đang mang vào Việt Nam để gia công. Bởi các du học sinh của Việt Nam ở nước ngoài - khi đặt trong điều kiện môi trường làm việc như họ - đã thu được kết quả tốt như họ”.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Duy sinh năm 1980, hiện là Phó phòng Phát triển và Ứng dụng cảm biến nano, Viện ITims, với hướng nghiên cứu chính là vật liệu ôxít kim loại ứng dụng cho cảm biến khí, linh kiện điện tử micro và nano. Nguyễn Văn Duy được Bộ KH&CN lựa chọn là một trong 70 nhà khoa học trẻ tiêu biểu tham dự buổi gặp mặt Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 11/9/2015.
|