Các nhà khoa học Việt Nam vừa tham gia phát hiện hai loài mới là Cóc mắt cao bằng và Thạch sùng ngón mường phăng.
Cóc mắt cao bằng ở tỉnh Cao Bằng, Việt Nam. Ảnh: Phạm Thế Cường Các nhà khoa học của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Đại học Sư phạm Hà Nội và Vườn thú Cologne (CHLB Đức) vừa công bố loài Cóc mắt cao bằng có tên khoa học là Megophrys caobangensis trên tạp chí Zootaxa vào tháng 1/2020.
Các mẫu chuẩn của loài ếch này được thu thập ở Vườn Quốc gia Phia Oắc - Phia Đén thuộc tỉnh Cao Bằng.
Loài mới có đặc điểm nhận dạng chính như sau: Kích cỡ cơ thể nhỏ (con đực khoảng 35-39 mm), màng nhĩ rõ, không có răng lá mía, lưỡi tròn ở phía sau, con đực có một túi kêu lớn, vùng da trên lưng và bên sườn có các nốt sần nhỏ, lưng có gờ da hình chữ X sẫm màu, gờ da lưng-sườn rõ.
Loài mới khác biệt với các loài trong giống Cóc mắt cả về đặc điểm hình thái và sai khác di truyền khi so sánh trình tự gen ty thể.
Đây cũng là loài mới thứ sáu thuộc giống Cóc mắt được mô tả ở Việt Nam trong 5 năm trở lại đây. Hầu hết các loài mới của nhóm ếch nhái này được phát hiện ở hệ sinh thái rừng thường xanh trên núi cao của Việt Nam như dãy núi Hoàng Liên, khu vực Tây Nguyên và vùng giáp biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Thạch sùng ngón mường phăng ở tỉnh Viên Chăn, Lào. Ảnh: S. Sitthivong Trước đó, nhóm các nhà khoa học của Đại học Quốc gia Lào, Đại học Lâm nghiệp, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Đại học Quốc gia Hà Nội và Vườn thú Cologne (CHLB Đức) vừa công bố một loài mới có tên là Thạch sùng ngón mường phăng, Cyrtodactylus muangfuangensis, trên tạp chí Zootaxa vào tháng 11/2019, với bộ mẫu chuẩn được thu ở tỉnh Viên Chăn, Lào.
Loài này có đặc điểm nhận dạng chính như sau: Chiều dài đầu và thân khoảng 84 mm, mặt trên có sọc ngang ở cổ và 5 sọc ngang thân, có 15 hoặc 16 hàng nốt sần ở giữa cơ thể, 31-37 hàng vảy bụng, con đực có 6 lỗ trước huyệt và 15 lỗ đùi, các vảy dưới đuôi phình rộng.
Phát hiện về loài mới đã nâng tổng số loài Thạch sùng ngón ở Lào lên 23 loài. Trong 5 năm trở lại đây, có gần 20 loài mới thuộc nhóm bò sát này được phát hiện ở Lào, chủ yếu là ở rừng thường xanh trên núi đá vôi ở miền Bắc và miền Trung Lào. Khám phá mới về đa dạng sinh học đã khẳng định giá trị bảo tồn đặc biệt của hệ sinh thái núi đá vôi ở Lào nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung.
Nguyễn Quảng Trường, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật