Nhờ vậy, ông đã có buổi trò chuyện hết sức thú vị về biển và những suy nghĩ thẳng thắn của một nhà khoa học về môi trường biển Việt Nam hiện nay.
Thưa ông, những ngày đầu làm việc ở một viện biển đã có tuổi đời gần trăm năm (viện Hải dương học Nha Trang thành lập năm 1922), bước chân vào lĩnh vực nghiên cứu chính của ông là thuỷ sinh vật học. Điều gì đã khiến cho ông lựa chọn lĩnh vực này và theo đuổi đam mê nghiên cứu biển cho đến giờ?
Tôi không được quyền chọn. Tốt nghiệp đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1980, sau đó tôi được cử vào Nam công tác tại viện Hải dương học Nha Trang từ năm 1981. Những năm ấy, nói thật, lúc nào tôi cũng thấy “sao mà mình khổ thế”. Nhưng cũng không thể khổ rồi than mà làm nên chuyện gì, cho nên tôi đành phải thích nghi bằng cách tự tạo niềm vui cho mình.
Đi biển phải có sức khoẻ và sự kiên nhẫn. Mỗi chuyến đi như vậy dài đằng đẵng với tuổi trẻ là một thử thách rất lớn. Ai nói đi biển mà không say, chưa từng buồn là nói dối. Kể cả ngư dân. Nhưng từ khi gắn bó đời mình với biển, tôi bị mê hoặc. Một trong những “người bạn” mang lại cho tôi cảm giác hạnh phúc nhất mà tôi biết ở cuộc đời này, chính là biển. Mỗi lúc gặp những chuyện không hay ở đời, tôi tự nghiệm thấy nếu ai biết cách lặn 10, 15 phút xuống biển thì sẽ thấy không có gì tuyệt vời bằng, nơi đó cực kỳ hạnh phúc, cực kỳ đẹp đẽ, cực kỳ hoà bình. Đó chính là thế giới rất riêng của người làm việc với biển mỗi ngày. Có người hỏi sao chúng tôi làm nghiên cứu biển mà thấy ít đi tắm biển. Nói thật, một ngày bọn tôi đi biển bằng người ta tắm biển một năm.
PGS.TS Võ Sĩ Tuấn - Viện trưởng Viện Hải Dương học TP Nha Trang
Thưa ông, hiện tại, lĩnh vực nào của viện đang mạnh nhất trong việc bảo tồn môi trường?
Vấn đề thứ nhất là bảo tồn đa dạng sinh học môi trường: viện Hải dương học trong nhiều năm vừa rồi đóng góp rất nhiều trong việc bảo tồn thiên nhiên biển. Viện tham gia đề xuất xây dựng cù lao Chàm, vườn quốc gia Núi Chúa, Côn Đảo, khu bảo tồn Phú Quốc... Có những khu bảo tồn rất sớm như vịnh Nha Trang từ năm 2000, và khu mới đây như năm 2010 mới ra đời ở Phú Quốc. Tại đây, chúng tôi đánh giá định kỳ về thay đổi đa dạng sinh học, vừa tiến hành vừa đào tạo các nhân viên của khu bảo tồn biển về quan trắc, những diễn biến của hệ sinh thái và biến đổi môi trường.
Chúng tôi cũng đang thực hiện việc phục hồi các hệ sinh thái. Ở Khánh Hoà, chúng tôi đã xây dựng một số mô hình rừng ngập mặn có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp. Điển hình là phục hồi rừng ngập mặn gần như là nhân tạo ở nhà máy đường Khánh Hoà. Phục hồi rạn san hô Lý Sơn, ở Côn Đảo.
Ngoài ra, chúng tôi còn xây dựng các mô hình bảo tồn đa dạng sinh học cho các địa phương. Như đầm Nha Phu ở Khánh Hoà, chúng tôi đánh giá các hoạt động khai thác như thế nào? Đa dạng sinh học là vùng gì? Tài nguyên gồm cái gì? Tác động ra sao? Rồi sau đó quy hoạch đến những vùng nào bảo tồn nguồn giống, vùng nào có thể kết hợp nuôi trồng với rừng ngập mặn… Hiện tại Khánh Hoà đã sử dụng kết quả này để ứng dụng trong thực tiễn về việc bảo tồn đa dạng vùng sinh học.
Ngoài ra, liên quan đến đa dạng sinh học, chúng tôi cũng đang giúp xây dựng bộ dữ liệu các mô hình bảo tồn đa dạng sinh học cho các địa phương trong khuôn khổ của tổ chức uỷ ban Liên chính phủ hải dương học Thái Bình Dương (UNESCO).
Vấn đề thứ hai là quan trắc môi trường: viện có hai trạm quan trắc cố định: trạm quan trắc ở Cầu Đá và hai là ở Cần Giờ; và đồng thời viện được bộ Tài nguyên và môi trường giao cho quản lý năm trạm quan trắc định kỳ, từ Khánh Hoà đến Rạch Giá. Viện còn tiến hành các hoạt động quan trắc khác như quan trắc môi trường của tỉnh Khánh Hoà, quan trắc hệ sinh thái của các rạn san hô trong mạng lưới giám sát toàn cầu, giúp cho chúng ta nhìn nhận được xu thế biến đổi của môi trường cũng như của các hệ sinh thái, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp phát triển và đồng thời ngăn ngừa các hoạt động có hại đối với tài nguyên môi trường.
Viện cũng đóng góp và tham gia giải quyết các sự cố môi trường: viện đã tham gia rất tích cực vào việc đánh giá thiệt hại môi trường, như sự cố Formosa, chúng tôi góp phần đánh giá hiện trạng của sự cố, cũng như đề xuất biện pháp giảm thiểu ô nhiễm. Trong những năm gần đây, viện tham gia tìm nguyên nhân hiện tượng tảo nở hoa ở vịnh Vân Phong, tôm hùm lồng chết ở Sông Cầu – Phú Yên… cung cấp các cứ liệu khoa học giúp cho các nhà quản lý có những chính sách phù hợp khắc phục sự cố. Ngay đối với sự cố Vĩnh Tân, chúng tôi đánh giá hiện trạng của khu vực dự kiến nhận chìm, cũng như việc thiết lập hiện tượng quan trắc nếu việc đấy diễn ra.
Riêng về truyền thông về môi trường biển, chúng tôi cũng đã tiếp tục phát triển bảo tàng biển tại viện, giúp cho hàng triệu khách du lịch đã tìm hiểu về tài nguyên thiên nhiên. Viện tổ chức thường xuyên các chuyên để tìm hiểu môi trường cho sinh viên và học sinh, kể cả các cháu mầm non cũng được tham gia và tìm hiểu, khám phá.
Những ứng dụng khoa học công nghệ nào của viện biển đang mang tính đời sống cao như môi trường biển (luôn là đề tài nóng), phát triển, nuôi trồng và phát sinh các sinh vật thuỷ hải sản ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân?
Thế mạnh của viện là nghiên cứu cơ bản. Nhiều người lại nghĩ, kiến thức cơ bản lại không liên quan đến cuộc sống. Nhưng nếu như không có kiến thức cơ bản về sinh học thì không thể quy hoạch được khu bảo tồn biển. Hay với sự cố Formosa, nếu không có những kiến thức cơ bản động lực, dòng chảy… thì không thể trả lời được nguyên nhân nào, điều gì đã xảy ra. Những kiến thức cơ bản có thể một thời gian dài không dùng đến, nhưng khi có sự cố hay vấn đề xảy ra thì chính nhờ điều đó mà anh có thể tìm ra nguyên nhân, để trả lời những vấn đề rất cụ thể trong đời sống này.
Những hoạt động mang tính chất trực tiếp nhìn thấy rõ, như năm vừa rồi viện có nhóm đề tài là nghiên cứu về vùng dòng rip (rip current: dòng chảy rút, xoáy nước) gây nguy hiểm và giúp cho người tắm biển phòng tránh được. Chúng tôi đã làm chương trình này ở Nha Trang, Quy Nhơn và sắp tới là ở Quảng Nam và Vũng Tàu. Tại đây chúng tôi cảnh báo cho dân biết những vùng nào có dòng chảy này để tránh không tắm biển khu vực đó. Một trong những ứng dụng mà chúng tôi đã làm rất rõ là cung cấp thông tin về độc tố sinh vật biển. Chúng tôi cung cấp nhiều tài liệu cho các địa phương và các cơ quan truyền thông để tuyên truyền về các sinh vật biển nguy hại gây chết người. Trong năm nay, chúng tôi sẽ khánh thành phòng thí nghiệm và trưng bày các sinh vật có độc tố biển và an toàn thực phẩm biển.
Ngoài ra, hiện chúng tôi đã nghiên cứu, cho sinh sản và nuôi thương phẩm các loại cá cảnh, đặc biệt là cá Nemo chuyển giống từ Trường Sa về. Tuy số lượng không lớn, nhưng sản phẩm rất giá trị. Mỗi lứa chúng tôi cung cấp chỉ khoảng mấy nghìn con cho thị trường xuất khẩu, đặc biệt là sang Pháp.
Chúng tôi xác định, khi đẩy mạnh việc sinh sản các giống cá biển, sẽ góp phần giảm việc khai thác tự nhiên, bảo vệ môi trường biển. Ngoài ra, chúng tôi cũng tham gia cung cấp dữ liệu cơ bản và thiết yếu cho việc thiết kế các cảng, các công trình ven biển.
Lĩnh vực phát triển công nghệ
Trong những năm gần đây viện cũng đã nhận đầu tư rất nhiều vào công nghệ như thế nào, thưa ông?
Thực ra, những năm gần đây, đúng là Nhà nước đã quan tâm nhiều hơn trong việc cung cấp thiết bị công nghệ và đầu tư cơ sở hạ tầng. Một trong những công trình cụ thể mà chúng tôi có được gần đây nhất là xây dựng phòng thí nghiệm về độc tố và an toàn thực phẩm biển. Cũng có những dự án của Nhà nước để chúng tôi tiến hành nghiên cứu cơ bản về vùng Biển Đông. Tuy nhiên, lĩnh vực biển ngốn rất nhiều tiền, trong đó là các phương tiện khảo sát như phải đầu tư vào các tàu thuyền, mà chúng tôi thì hiện tại vẫn thuê tàu của các cơ quan khác để thực hiện.
Nói đến các trang thiết bị, chúng tôi cũng được đầu tư tương đối đầy đủ, nhưng chưa phải là tốt nhất. Nhưng chúng tôi không than vãn gì về việc này. Tôi nghĩ rằng, cứ có việc mà chịu làm thì sẽ có máy. Chứ không có việc mà xin máy về cất làm gì. Quan trọng là hiện tại chúng ta cần có trang thiết bị nghiên cứu về Biển Đông. Phải làm sao có sự hiện diện của các nhà khoa học Việt Nam trên biển càng nhiều càng tốt.
Đặc biệt là ở các khu vực Hoàng Sa và Trường Sa. Đó mới là điều mà chúng ta cần quan tâm đầu tư. Hiện nay, viện không có trạm nghiên cứu ở ngoài đó. Đài Loan có trạm nghiên cứu ở đảo Đông Sa, Indonesia cũng có trạm ở các đảo. Riêng Việt Nam, để duy trì một trạm như vậy hoàn toàn không đơn giản. Cách đây mấy năm, viện có đặt ra vấn đề này, nhưng có lẽ trong điều kiện hiện nay không dễ gì thiết lập. Nhưng hiện nay chúng ta cũng có hệ thống trạm khí tượng thuỷ văn, có lịch sử từ năm 1940, đang hoạt động ở Trường Sa, ở đảo Song Tử, cũng có thể cung cấp số liệu để viện sử dụng từ những trạm này cho việc nghiên cứu Biển Đông.
Các ứng dụng công nghệ mới cho việc tạo giống và chủ động các sản phẩm nông – lâm – ngư nghiệp, giúp cho bà con miền biển có cơ hội để nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao chất lượng cuộc sống như thế nào, thưa ông?
Chúng tôi vẫn chủ yếu tập trung làm cá cảnh, rong nho. Cá cảnh chỉ có thể làm với doanh nghiệp, vì đầu tư rất lớn. Nhưng điều quan trọng hiện nay chính là tri thức của đội ngũ ngư dân của mình. Chúng tôi nghĩ làm sao để đào tạo kiến thức về biển và luật biển cho ngư dân. Ngay cả việc hiện đại hoá cũng phụ thuộc rất nhiều vào tri thức của nhà tàu, của các thuyền trưởng. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng khai thác quá mức, khai thác huỷ diệt vẫn đang là vấn nạn của chúng ta.
Nếu Nhà nước có chính sách triệt để về đào tạo kiến thức cho ngư dân sẽ giúp cho các vấn đề khác của biển, đặc biệt là môi trường biển, an toàn an ninh trên biển… Có nền tảng thì mới có nguồn nhân lực biển thật sự. Chúng ta hô hào ra biển, nhưng không có nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, và thậm chí là tài giỏi thì sẽ rất khó để… giữ biển. Tôi có cảm giác chúng ta hô hào là chính, xong thì thôi. Chẳng ai còn quan tâm cả.
Phải ghi nhận một điều là làm nghề này rất vất vả, trong khi xã hội cần phát triển. Tôi nghĩ cần phải có những chính sách, những thay đổi trong cách suy nghĩ, cách làm việc. Ngay các trường đào tạo nguồn nhân lực biển đâu có bao nhiêu. Hiện tại, duy nhất trường ĐH Hàng hải ở Hải Phòng là đào tạo đúng ngành nghề. Còn các trường khác chủ yếu đào tạo nuôi trồng thuỷ sản. Điều này cho thấy đó cũng là lý do chính mà chúng ta đang đi sai đường: đem tư duy nông nghiệp của ta tiến ra biển, mạnh ai lấy làm… Biển không thể thế được. Biển là phải có bài bản, hệ thống, đồng bộ.
Xin ông nói thêm về công nghệ 4.0 đối với nghề biển này?
Nói đến 4.0, bọn tôi không biết làm gì cả. Dù công nghệ phát triển thế nào thì các nhà khoa học như chúng tôi vẫn phải lặn xuống biển. Ở các nước phát triển họ đã có tàu ngầm… còn thì mình quá tầm với về mặt kỹ thuật.
Chúng tôi chỉ quan tâm đến việc làm khoa học hiện nay, để nó có ý nghĩa, không chỉ là mỗi việc ứng dụng thực tiễn đâu mà đòi hỏi hai phía, các nhà khoa học đòi hỏi tư duy theo hướng: hoạt động khoa học đóng góp được gì cho nhân loại và xã hội. Trong đó, có cả hoạt động ứng dụng phát triển xã hội. Bám vào sách vở chỉ có thất bại.
Theo ông, những bạn trẻ muốn theo nghề này cần có những phẩm chất gì?
Tôi cũng được nhiều nơi thỉnh giảng, tiếp xúc nhiều sinh viên, nhưng thú thật là các bạn ấy ốm yếu, nông cạn và thiếu kiến thức căn bản trầm trọng. Mà để làm việc trên biển, yếu tố đầu tiên phải có sức khoẻ. Yếu tố thứ hai là ham học hỏi, đọc sách và có tâm hồn… lãng mạn một chút. Và thứ ba, kiến thức cơ bản rất quan trọng. Các bạn cần phải ý thức rất rõ việc luôn tích luỹ kiến thức cơ bản như tôi đã nói từ đầu. Hiện nay vẫn có nhiều bạn trẻ hai ba bằng, nhưng nghề chính đi làm thì lại… không biết gì. |