Đó là những lời nhận xét, sự biết ơn mà học trò dành cho PGS-TS Phạm Thu Nga - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Anh Hoàng Văn Nông- nghiên cứu sinh thạc sỹ tại ĐH Dresden, Đức


PGS-TS Phạm Thu Nga trong ấn tượng của tôi là người luôn cẩn thận, tỷ mỉ trong cả nghiên cứu và cuộc sống. Lần đầu tiên gặp cô Thu Nga để trao đổi bài giảng, tôi đã rất bất ngờ khi cô sử dụng thành thạo các ứng dụng OTT như Viber, Skype để trao đổi công việc với sinh viên. Đặc biệt, cô hay sử dụng các biểu tượng cảm xúc kèm theo tin nhắn.

Ngay trong ngày đầu làm nghiên cứu khoa học với cô Thu Nga, tôi được cô giao cho dịch 2 bài báo khoa học liên quan đến hướng nghiên cứu của cô. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ là cần cố gắng dịch nhanh và sát nghĩa nhất có thể nên đã hoàn thành trong 1 tuần với sự trợ giúp của công cụ Google dịch. Khi làm xong, tôi mới nhận ra các từ chuyên ngành là trở ngại lớn nhất khi dịch bài báo khoa học và Google dịch không thể diễn tả chính xác về chúng.

Chính vì vậy, tôi đã quyết tâm học tiếng Anh, tự khám phá các từ chuyên ngành để hiểu sâu vấn đề. Sau này, tôi mới hiểu dụng ý của cô, để tiếp cận vấn đề thì điều đầu tiên là phải học, phải biết mình đang làm gì, sẽ phải làm gì. Để dịch một bài báo khoa học, việc quan trọng là tìm ra các “key word” (từ khóa), hiểu rõ nó mới nắm được vấn đề của cả bài viết.

PGS-TS Vũ Thị Hồng Hạnh - Trưởng khoa Vật lý, ĐH Sư phạm, ĐH Thái Nguyên


Cô Nga là người có sự nhạy cảm khoa học rất tốt nên thường bắt nhịp các nghiên cứu mới rất nhanh, có định hướng nghiên cứu rõ ràng cho học viên. Vì thế, các nghiên cứu của nhóm cô thường rất thời sự và có tính ứng dụng cao. Nhờ có sự hướng dẫn của cô, từ đề tài thạc sỹ, tôi đã phát triển nghiên cứu thành luận án tiến sỹ và được hội đồng đánh giá cao. Sau khi bảo vệ, tôi triển khai các nghiên cứu về vật liệu nano bán dẫn (chấm lượng tử) tại khoa Vật lý - ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) và đã có nhiều bài báo công bố quốc tế, thực hiện thành công các đề tài cấp bộ, cấp trường.

Với cô Nga, tôi không chỉ có sự biết ơn của một người học trò mà còn như một người mẹ. Có những hôm trời lạnh, tôi từ Thái Nguyên xuống Hà Nội làm thí nghiệm mà không mang theo áo ấm, cô đã tặng khăn quàng, mua áo ấm cho tôi. Có những đợt khu trọ mất nước giữa mùa hè, cô đề nghị cả nhóm “cứ cho quần áo bẩn vào túi để cô mang về nhà giặt cho”. Học trò của cô có đặc điểm chung là thường ở tỉnh xa, hoàn cảnh khó khăn. Vì thế cô Nga trong phòng lab là người thầy, ra khỏi lab là người mẹ, lúc nào cũng tận tụy chăm sóc những đứa con.