PGS Nguyễn Bích Thu: “PGS Hạnh là tấm gương của đam mê, nghị lực”
Chị Hạnh là người rất khiêm nhường, rất ít nói về mình. Mọi người biết đến PGS Lê Thị Đức Hạnh chỉ qua kết quả công việc. Mặc dù không được đào tạo bài bản nhưng bằng sự nỗ lực, chị đã đến được đích, trong khi nhiều người dù được học đến nơi đến chốn lại không được như chị ấy.
Có một kỷ niệm thời còn làm việc ở Viện Văn học, đến bây giờ tôi vẫn nhớ rõ. Trong cuộc họp cuối năm đánh giá chuyên môn, một số người nhận xét rằng một số bài viết của chị Hạnh nặng về chất khảo cứu, ít chất nghiên cứu. Chị Hạnh rất buồn, tâm sự với tôi rằng trong quá trình làm việc, chị đã có nhiều bài báo được đăng, nhiều người khen, tại sao lại có người nhận xét không đúng với thực tế như vậy. Trái với suy nghĩ tiêu cực của nhiều người trong tình huống này, chị Hạnh tự nhủ với bản thân rằng vẫn sẽ tiếp tục viết, nghiên cứu và học hỏi thêm những người khác để khắc phục những điểm ấy.
Câu chuyện ấy là bài học cho cả thế hệ của tôi và sau tôi nữa. Trong quá trình nghiên cứu khoa học, khi chúng ta làm những việc rất khó, khi bị đánh giá tiêu cực, dù đúng hay không đúng, nếu chùn bước thì sẽ không tiến lên được. Từ thành công của PGS Đức Hạnh, các bạn trẻ có thể nhìn thấy tấm gương của một người đạt được thành quả mong muốn bằng nghị lực và sự say mê nghiên cứu của mình.
PGS-TS Nguyễn Thanh Tú - Tạp chí Văn nghệ quân đội: “Người như thế theo tôi là rất hiếm”
Khi tôi làm luận án tiến sỹ với đề tài “Tiếng cười trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan”, mặc dù PGS-TS Lê Thị Đức Hạnh không phải là giáo viên hướng dẫn mà là giáo viên phản biện nhưng cô đã góp ý rất chân thành, sửa cho tôi từng chữ một. Tiếp xúc và làm việc với PGS Đức Hạnh, tôi thấy cô là một người rất cởi mở trong khoa học.
Sở dĩ tôi nói thế vì ai cũng biết trong nghiên cứu, các nhà khoa học hầu như đều có “tư tưởng cực đoan”, trong khi đó cô Hạnh - chuyên gia số 1 về nhà văn Nguyễn Công Hoan - lại vẫn chấp nhận hướng nghiên cứu mới của tôi. Những người như thế theo tôi là rất hiếm.
Với tôi, PGS Hạnh không chỉ là người thầy mà còn như một người mẹ, người bà tận tâm. Ngay cả khi tôi đã có gia đình và có con, thi thoảng cô vẫn đến thăm và cho quà các cháu. Tôi vẫn thường xuyên trao đổi điện thoại với cô từ những việc nhỏ nhất, chẳng hạn như khi có bài đăng báo, và đều được cô động viên. Đó là điều rất quý và phải có tấm lòng bao dung, tràn ngập yêu thương mới được như vậy.