Khi ví những nhà khoa học làm nghề khảo cổ như mình với công nhân địa chất luôn phải lặn lội chốn núi đồi, “đào sâu cuốc bẫm”, PGS-TS Hà Văn Khẩn đang nói về trải nghiệm của chính ông trong mấy chục năm tìm dấu lịch sử trong lòng đất.

Lưỡi tầm sét định mệnh

Căn hộ nhỏ của PGS Hà Văn Khẩn - nguyên Phó Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Đại học (ĐH) Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội - trong khu tập thể giáo viên ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (Hà Nội) khá tuềnh toàng, cũ kỹ, gần như không có vật dụng gì giá trị lớn.

Ông chủ nhỏ nhẹ giãi bày: “Tôi không có máy tính, không có email, tài sản chính đến giờ chỉ là sách và sách”. Rồi để khoe một số của báu khác, ông mở chiếc tủ màu cánh gián kiểu cổ của thập niên 90 thế kỷ trước - mặt gỗ bóng lên có lẽ vì được lau chùi thường xuyên, ông lần giở chiếc túi đựng bảo vật, trân trọng đặt từng thứ lên bàn.

“Đây chính là lưỡi tầm sét - thứ đã vận vào tôi từ nhỏ và đã thay đổi cuộc đời tôi” - ông nói khi giơ lên một vật bằng đá cổ dài khoảng 10cm.

PGS-TS Hà Văn Khẩn. Ảnh: Đoàn Dung
PGS-TS Hà Văn Khẩn. Ảnh: Đoàn Dung

Chậm rãi, ông bắt đầu câu chuyện: “Quê tôi ở vùng trung du Phú Thọ nên trong mỗi trận mưa to, đất đá thường bị xói lở dữ lắm. Hồi lớp 4, trong một buổi đi học về, tôi nhặt được cái rìu đá bằng hai ngón tay. Thấy lạ và tò mò vì mọi người bảo đấy là lưỡi tầm sét nên tôi nhặt lên xem, xem xong ném đi. Chiếc rìu đá đó cứ như điềm báo trước về nghề khảo cổ mà tôi theo đuổi cả cuộc đời và sau này, hai ước muốn làm bác sỹ và kỹ sư cơ giới hóa nông nghiệp của tôi đều không thành hiện thực”.

Học xong cấp 3, ông Khẩn được chọn đi học nước ngoài nhưng không được chọn ngành, cũng không biết trước sẽ học trường gì, ngành gì. “Tôi học chuyên ngành khảo cổ 2 năm ở Liên Xô, khi về nước vì không muốn học tiếp ngành này nữa nên xin sang trường khác nhưng không được chấp nhận. Vậy là bất đắc dĩ học tiếp khảo cổ - một nghề rất mới khi đó. Ở quê tôi, mọi người không ai biết đến nghề này, nhiều người còn trêu rằng đây là nghề đào mồ cuốc mả” - ông kể.

Cũng như nhiều bạn bè thuộc hế hệ sinh viên chuyên ngành khảo cổ học đầu tiên của ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội), PGS Hà Văn Khẩn được thụ hưởng những tinh anh của “thế hệ khai khoa” như các học giả Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo... được gây mầm và bồi dưỡng bởi “tứ trụ” của ngành lịch sử là Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng. Cùng với học thuật, ông cũng tiếp nhận từ những người thầy niềm đam mê, tâm huyết với nghề này.


Người "khai sơn phá thạch"

Một học trò gần gũi của ông - TS Đặng Hồng Sơn, Phó Trưởng khoa Lịch sử, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - cho biết, cuộc đời làm khoa học của PGS Khẩn gắn với những chuyến đi điền dã, các cuộc khai quật di chỉ khảo cổ ở nhiều vùng trong nước và quốc tế, từ Bulgaria (nơi ông làm nghiên cứu sinh tiến sỹ) về Việt Nam, từ Gò Bông, Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun ở vùng bình nguyên Bắc Bộ, hệ thống di tích văn hóa Đông Sơn đến các cảng thị Phố Hiến, Vân Đồn, Hội An... “Nhưng sớm nhất và thâm canh nhiều hơn cả đối với thầy Khẩn là văn hóa Phùng Nguyên và di tích Xóm Rền trên đất tổ quê ông” - TS Sơn nói.

Năm 1969, ông Khẩn cùng GS Hà Văn Tấn dẫn theo một nhóm sinh viên về khai quật xóm Rền (xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh, Phú Thọ). Họ tìm thấy ở đây rất nhiều hiện vật bằng đá và gốm, cho thấy đây là một di chỉ cư trú của cư dân thuộc văn hóa Phùng Nguyên - khoảng 4.000 năm trước. TS Sơn đánh giá: “PGS Khẩn được coi là một trong những người khai sơn phá thạch, mở lối đắp đường cho quá trình nghiên cứu văn hóa Phùng Nguyên - giai đoạn văn hóa đầu tiên của thời đại kim khí ở miền Bắc Việt Nam”.

Còn PGS Khẩn tâm sự, thành quả khoa học liên quan đến xóm Rền “là tình cảm của tôi với quê hương, là trách nhiệm của một nhà khảo cổ đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị một di tích quan trọng bậc nhất của văn hóa Phùng Nguyên”.

Nói về nghề của mình, ông Khẩn hài hước: “Nhà khảo cổ không khác gì công nhân địa chất vì cũng phải đào đất, leo núi, toàn phải đi những nơi địa hình trắc trở”. Mỗi chuyến đi thường kéo dài 15-20 ngày, hành lý lỉnh kỉnh nào gạo, nào chăn, chiếu, soong, chảo bằng gang rất nặng. Ngoài ra, mỗi người được cấp một ít muối và vài lạng mỡ mỗi tháng, mang đi không đủ ăn, thiếu lại phải xin dân.

“Tôi nhớ có lần đi từ Thái Nguyên về Hà Nội rồi lại ngược lên Phú Thọ. Tàu xe thời chiến khó khăn, phải ngồi nhờ toa chở than, xuống đến nơi ai nấy mặt mũi đen nhẻm rất buồn cười. Năm 1971, khi xảy ra trận lụt khiến 13 tỉnh đồng bằng sông Hồng bị vỡ đê lớn, tôi với GS Hà Văn Tấn và một bạn trẻ nữa đi điều tra điền dã các di tích khảo cổ ở Phú Thọ. Đường lầy lội, bánh xe đạp bám đầy bùn, nhiều lúc chúng tôi phải xuống xe bới đất mới nhấc được bánh lên đi tiếp. Đạp cả buổi, ai nấy đều đói rã nhưng không tìm được hàng quán. Tối đó chúng tôi ở nhà hai cụ già; anh bạn trẻ ra ngoài xin cấp gạo đến nửa đêm chưa về, hai cụ thương quá nên cho nắm sắn sấy. Đang giã sắn thì anh bạn kia mang mấy cân gạo cứu đói của xã về, khi đó mới nấu cơm ăn” - ông kể và bảo, ôn lại chuyện cũ cho vui, chứ những vất vả ấy thấm vào đâu so với các chiến sỹ bộ đội.

Cũng bởi tinh thần coi gian khổ là chuyện đương nhiên ấy mà hình ảnh PGS Hà Văn Khẩn trong lòng các thế hệ học trò như TS Sơn là một thầy giáo già ở tuổi xưa nay hiếm vẫn dẫn cán bộ trẻ đi thực tập khai quật, cầm dụng cụ hướng dẫn từng cô cậu học trò mới tập tễnh vào nghề cách sửa vách, nạo mặt bằng để thấy được dấu vết di tích. “Đó là hình ảnh khó phai mờ trong tâm trí chúng tôi mỗi khi nghĩ đến thầy” - TS Sơn nói.