Các nhà khoa học thuộc Đại học Limerick, Ireland đã tìm ra cách tạo điện từ nước mắt và nước bọt.
Sở dĩ các nhà khoa học có thể làm được việc này là nhờ một protein có tên lysozyme. Protein có trong nước mắt, nước bọt, sữa, lòng trắng trứng này giúp phá vỡ các tường tế bào của vi khuẩn, nhưng khi ở dạng tinh thể, nó có khả năng tạo điện nếu đặt nó dưới áp lực.
Bằng viện tác động lực lên các tinh thể lysozyme bị chèn ép bởi 2 tấm kính, nhóm nghiên cứu cho biết họ đo được một dạng năng lượng có tên áp điện. (Hiệu ứng áp điện là một hiện tượng vật lý được nhà khoáng vật học người Pháp phát hiện đầu tiên vào năm 1817. Hiện tượng xảy ra như sau: người ta tìm được một loại chất có tính chất hóa học gần giống gốm (ceramic) và có hiệu ứng thuận nghịch: khi áp vào nó một trường điện thì nó biến đổi hình dạng, và ngược lại khi dùng lực cơ học tác động vào nó thì nó tạo ra điện tích trên bề mặt xác định).
“Áp điện đã được sử dụng rộng rãi trong đời sống, tuy nhiên khả năng tạo ra điện từ một protein cụ thể nào đó thì lại chưa được nghiên cứu. Đây là một loại vật liệu sinh học, nó không độc nên có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực mới như làm lớp phủ chống vi khuẩn có khả năng dẫn điện cho các thiết bị cấy ghép trong y tế” – nhà vật lý Aimee Stapleton nói.
“Đây là một cách tiếp cận mới. Các nhà khoa học trước nay đã thử tìm hiểu về áp điện trong sinh học thông qua những cấu trúc phân cấp như mô, tế bào, polypeptides” – Tofail Syed – người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho hay.
Trong tương lai, phát hiện mới này có thể được ứng dụng trong những thiết bị cấy ghép có thể “nhả” ra thuốc trong cơ thể, được điều khiển bằng các cảm ứng có khả năng phát hiện lysozyme dưới da…
Hiền Thảo (theo SA)