Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bùi Quang Minh, ông Giang là người góp phần khơi cảm hứng sáng tạo khoa học kỹ thuật cho nông dân Quảng Ninh.
Nhà sáng chế nông dân
Xưởng sản xuất kiêm nhà ở của ông Đinh Văn Giang nằm ngay sát ngã ba đường gần khu chợ dân sinh thị xã Quảng Yên. Ngôi nhà hai tầng đã cũ, tầng trên là nơi sinh hoạt của cả nhà, còn toàn bộ tầng dưới la liệt máy móc, vật liệu. Khoảng sân trước nhà được lợp tôn, quây tường làm xưởng sản xuất với khoảng 10 công nhân.
Giữa không gian chật chội đó, “nhà sáng chế nông dân” ăn vận tuềnh toàng, vừa huơ đôi tay lấm lem dầu mỡ hướng dẫn công nhân vừa phấn khởi khoe: “Sắp tới, tỉnh sẽ cấp cho tôi mảnh đất rộng khoảng 3.000-5.000m2 để làm nhà xưởng. Tôi sẽ xây dựng mô hình khép kín bao gồm xưởng sản xuất máy chế biến thức ăn chăn nuôi đa năng và dành ra một diện tích nhỏ nuôi lợn, gà, vịt... để trình diễn trực tiếp mô hình pha chế thức ăn chăn nuôi. Bà con có thể đến xưởng tìm hiểu trực tiếp mà không cần tham quan các hộ chăn nuôi như trước đây”.
Máy chế biến thức ăn chăn nuôi đa năng mà ông Giang nói tới được ông bắt tay vào nghiên cứu cách đây hơn 20 năm - từ năm 1995 - nhằm giải quyết khó khăn của chính gia đình mình trong việc nuôi lợn.
Ông Đinh Văn Giang (thứ hai từ phải qua) chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh. Ảnh. H. Bình
Ông kể: “Ngày đó, gia đình tôi nuôi mấy chục con lợn. Ban ngày tôi sửa chữa máy móc, tối đến băm bèo, thái cỏ voi, nấu cám cho lợn. Mỗi khi nhóm bếp, đốt rơm thì khói nghi ngút, nước mắt nước mũi chảy ròng ròng, mặt mũi đen nhẻm, gặp khi trời mưa, củi ướt, rơm ướt thì rất mệt. Một lần nhìn cái máy xay sinh tố, thấy nó xay nhuyễn mọi thứ, tôi chợt tự hỏi tại sao mình không áp dụng công nghệ này làm ra cái máy có thể xay nhuyễn bèo tây, thân ngô, thân chuối... kết hợp với tinh bột cho vật nuôi ăn nhỉ”.
Nghĩ là làm. Có được bao nhiêu vốn liếng, chàng trai trẻ Đinh Văn Giang năm ấy dành hết cho nghiên cứu, số còn lại để mua máy móc phục vụ công việc sửa chữa. Không có tiền mua máy xay sinh tố để bổ ra nghiên cứu, Đinh Văn Giang tự mày mò, vừa làm vừa quan sát, thử nghiệm. “Nhiều khi tôi cũng nản vì làm mãi không được, thử nghiệm mấy cái đều bị cháy, bố mẹ và gia đình can ngăn bởi tiền thì mất mà không có kết quả” - ông tâm sự. Nhưng với sự kiên trì, Đinh Văn Giang đã cho ra đời chiếc máy đầu tiên sau 5 năm.
“Lứa lợn ấy, gia đình tôi nuôi luôn 50 con. Nếu như trước đây nuôi 5-7 con cần nguyên một người chăm thì nay chỉ cần 5-6 phút chạy máy là tôi đã có đủ thức ăn cho 50 con. Lợn lớn nhanh, sau 5-6 tháng đã có thể xuất chuồng” - ông Giang nhớ lại.
Ông Đinh Thái Sơn - người cùng xóm với ông Đinh Văn Giang, một trong những người đầu tiên mua máy - cho biết: “Gia đình tôi chủ yếu sống bằng nghề chăn nuôi. Trước, mỗi lứa tôi nuôi khoảng 20-30 con lợn, rất vất vả. Từ khi có máy của ông Giang, đàn lợn nhà tôi tăng lên 50-60 con/lứa. Để nuôi chúng, tôi chỉ cần bỏ ra 3 giờ vớt bèo cộng với 3 giờ xay và ủ là đủ thức ăn trong 10 ngày. Thời gian rảnh còn lại, tôi có thể làm các việc khác”.
Đến nay, ông Giang đã sản xuất được 5.000 sản phẩm với 24 kích cỡ khác nhau, phù hợp với tất cả các mô hình nuôi từ hộ gia đình đến các trang trại lớn.
Khơi cảm hứng sáng tạo cho nông dân
Nói về “nhà sáng chế nông dân” Đinh Văn Giang, ông Bùi Quang Minh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ninh - hồ hởi kể: “Tại cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh năm 2010, tôi rất ấn tượng với hình ảnh vợ chồng anh Giang bế đứa con nhỏ lên sở hỏi cách viết hồ sơ. Anh cứ loay hoay không biết phải làm như thế nào. Vậy mà đến nay, Giang đã có thể đứng trước bà con thuyết trình về sản phẩm của mình một cách thành thạo. Tôi rất thích điều này - người dân có thể làm chủ, tự đứng ra giới thiệu sản phẩm của mình”.
Ông Minh cũng bày tỏ: “Có thể coi anh Giang là người đầu tiên tham gia hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh và đoạt giải với tư cách một nông dân. Từ trước đến nay, nông dân cứ nghe tới sáng tạo khoa học kỹ thuật là sợ và nghĩ sân chơi này không dành cho họ. Nhưng sau khi sản phẩm của anh Giang được giới thiệu, cuộc thi Nông dân sáng tạo của tỉnh đã thu hút hơn 200 hồ sơ tham gia. Điều đó cho thấy, người dân đã mạnh dạn, tích cực tham gia giới thiệu sản phẩm của họ đến mọi người hơn. Những sáng chế của anh Giang đã góp phần thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo của toàn tỉnh”.
Kể về kỷ niệm đó, ông Giang không khỏi bồi hồi: “Đó là lần đầu tiên tôi đi thi. Rất run vì cuộc thi năm ấy chỉ có mình tôi là nhà sáng chế nông dân. Tôi được giải khuyến khích, đó là động lực để tôi đi sâu vào nghiên cứu, sáng chế nhiều hơn”.
Từ đó đến nay, ông Giang không ngừng tìm tòi chế tạo nhiều loại máy khác nhau. Trong mắt những người dân ở Sông Khoai, Đinh Văn Giang là một nhà sáng chế đầy tâm huyết mặc dù không được đào tạo. Họ rất quan tâm theo dõi thành quả sáng tạo của ông.
Ông Đinh Thái Sơn khoe: “Mới đây, ông Giang vừa sản xuất ra máy xay chả cá, chả thịt có thể xay liền một lúc 40-50kg, chất lượng chả không thua gì loại máy chỉ xay được mỗi lần 1kg”. Còn nhà sáng chế nông dân cho biết, mục tiêu sắp tới của ông là thiết kế được một chiếc máy gặt đập liên hoàn phù hợp với loại ruộng trũng, đầm lầy ở địa phương.
Ông Đinh Văn Giang sinh năm 1968, sống tại xóm 11, xã Sông Khoai, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh. Sản phẩm máy chế biến thức ăn chăn nuôi đa năng của ông đã giành giải khuyến khích cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Ninh, giải khuyến khích giải thưởng Sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam (Vifotec) năm 2011 và giải ba cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông của Hội Nông dân Việt Nam năm 2012. |