Phân tích mới của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) cho thấy, việc thực hiện cách ly trong đợt bùng phát dịch COVID-19 giúp hai thành phố lớn nhất Việt Nam giảm nhẹ mức ô nhiễm NO2, nhưng ô nhiễm bụi mịn thậm chí còn gia tăng.

Ngày 8/5, Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) có trụ sở tại Phần Lan công bố phân tích tác động của việc phong toả do COVID-19 đến chất lượng không khí ở Đông Nam Á.

Ở các trung tâm đô thị lớn như Kuala Lumpur, Manila và Bangkok, nồng độ NO2 độc hại - sản sinh từ quá trình đốt cháy nhiệt độ cao và là một trong những chất gây ô nhiễm không khí nổi bật nhất - đã giảm so với cùng kỳ năm 2019, khi hoạt động vận tải và sản xuất bị co lại.

Trong đó, ở Malaysia, ngày 18/3, Chính phủ ban hành Lệnh kiểm soát 14 ngày (MCO), hạn chế rất nhiều hoạt động kinh tế và xã hội; và bắt đầu từ ngày 1/4, người dân chỉ được mua thức ăn, nhu yếu phẩm và thuốc men trong bán kính 10 km từ nơi cư trú. Kết quả là, Malaysia chứng kiến sự thay đổi mạnh nhất: nồng độ NO2 ở thủ đô Kuala Lumpur đã giảm khoảng 60%.

Ở Philippines, Chính phủ công bố cách ly cộng đồng tăng cường (ECQ) đối với đảo chính Luzon từ ngày 15/3; dẫn đến việc đi lại giữa các tỉnh cũng như hoạt động kinh doanh và công nghiệp tạm thời bị hạn chế. Do sự chậm lại trong hoạt động vận tải và nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và kinh doanh giảm khoảng 40%, mức độ NO2 tại vùng thủ đô Metro Manila đã giảm 45%.

Còn ở Indonesia - nơi có mức độ ô nhiễm không khí nguy hiểm nhất trong khu vực - ngày 30/3, Chính phủ đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, theo đó chính quyền khu vực sẽ có thể áp đặt các biện pháp hạn chế xã hội chặt chẽ hơn, như đóng cửa trường học, nơi làm việc và hạn chế các cuộc tụ họp tôn giáo. Trong thời gian các biện pháp này được thực hiện, nồng độ NO2 ở Jakarta đã giảm khoảng 40%. Tuy nhiên, nồng độ PM2.5 vẫn không thay đổi, góp phần khẳng định các nghiên cứu trước đây rằng ô nhiễm không khí ở thành phố này chủ yếu bị ảnh hưởng bởi các chất ô nhiễm từ các khu vực lân cận, nhất là các nhà máy nhiệt điện than.

Trung tâm Hà Nội vắng vẻ trong những ngày cách ly, tuy nhiên phân tích của Trung tâm CREA cho thấy mức độ ô nhiễm không khí thực tế vẫn không suy giảm. Ảnh: qdnd.vn.

Ở Việt Nam cũng vậy, mặc dù nồng độ NO2 giảm, nhưng ở các thành phố như Hà Nội và TPHCM, nồng độ PM2.5 thậm chí tăng lên khi phát thải từ điện than và công nghiệp ở các khu vực xung quanh thành phố tăng. Mức PM2.5 trung bình của Hà Nội trong giai đoạn từ ngày 16/2 - 1/5 đã tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái, còn ở TPHCM tăng 32%. Lượng khí thải NO2 ở Hà Nội cũng chỉ giảm 10% kể từ giữa tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái - mức giảm khiêm tốn nhờ hạn chế giao thông.

Nồng độ NO2 tại Hà Nội từ ngày 13/2 đến ngày 5/5/2020 (trái) và năm 2019 (phải).

Tác động hạn chế của giảm phát thải giao thông

Giải thích cho tình trạng ô nhiễm không biến chuyển, theo CREA, dữ liệu vệ tinh cho thấy ở miền bắc Việt Nam các nhà máy điện và cụm công nghiệp ở phía đông và nam Hà Nội là nguồn phát thải lớn hơn nhiều so với chính Hà Nội, và ô nhiễm không khí Hà Nội phần lớn cũng bắt nguồn từ bên ngoài thành phố. Và trong khi thành phố hạn chế giao thông do cách ly, các phép đo vệ tinh cho thấy khí thải gia tăng đáng kể từ các khu vực điện than và công nghiệp ở tỉnh Quảng Ninh, và từ các khu công nghiệp ở Ninh Bình phía nam Hà Nội, các nguồn ô nhiễm không khí lớn ở miền bắc Việt Nam.

"Giảm phát thải giao thông có tác động rất hạn chế đến mức NO2, và không có ảnh hưởng gì đến PM2.5," phân tích của CREA kết luận về tình hình ở Việt Nam, tương tự như ở Malaysia và Indonesia.

Ô nhiễm không khí ở nhiều nước Đông Nam Á thường vượt quá 5 lần giới hạn của WHO trước đại dịch, và trở thành nguy cơ môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người, góp phần gây ra bệnh hô hấp và tim mạch mãn tính và các bệnh khác, chưa kể khoảng 799.000 ca tử vong trong khu vực hàng năm.

"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy ô nhiễm không khí ở đô thị được tích lũy từ nhiều nguồn khác nhau - từ phương tiện và hoạt động giao thông, các hoạt động công nghiệp cho đến các nhà máy điện than gây ô nhiễm cao. Nói một cách đơn giản, kiểm soát mức độ ô nhiễm từ tất cả các nguồn này sẽ giúp hạn chế ô nhiễm, có nghĩa rằng phổi sẽ khỏe mạnh hơn và tạo ra ít áp lực hơn cho các dịch vụ y tế vào thời điểm quan trọng này,” theo Isabella Suarez, nhà phân tích tại Trung tâm CREA.

Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) là một tổ chức nghiên cứu độc lập, tập trung vào việc phát hiện các xu hướng, nguyên nhân và tác động đối với sức khỏe, cũng như các giải pháp để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí.

CREA được thành lập vào tháng 12/2019 tại Helsinki và có nhân viên ở một số nước châu Á và châu Âu.

Website: https://energyandcleanair.org/

Nguồn:

Media Climate Net, CREA