Tại Trung Quốc, một số phương thuốc y học cổ truyền đang được truyền thông chính thống quảng bá là có khả năng làm giảm các triệu chứng COVID-19 và giảm nguy cơ tử vong, mặc dù còn thiếu bằng chứng về tính an toàn và hiệu quả các phương thuốc này.

Y học cổ truyền Trung Quốc được quảng bá như là một phương pháp điều trị COVID-19.

Theo Edzard Ernst - giáo sư về các loại thuốc bổ trợ tại Đại học Exeter và đã nghỉ hưu - việc sử dụng thuốc khi chưa được chứng minh đầy đủ hiệu quả là không chính đáng và nguy hiểm.

Từ tháng 3, trong số các phương pháp điều trị COVID-19 được Bộ Y tế Trung Quốc khuyến nghị có cả các phương thuốc y học cổ truyền, bao gồm thuốc bột, thuốc tiêm, thuốc sắc đến trà thảo dược.

Theo truyền thông chính thống, Cục Quản lý Y học Cổ truyền Trung Quốc cho biết ba công thức và ba loại thuốc đã được chứng minh điều trị hiệu quả đối với Covid-19.

China Daily thì đưa tin, trong các "thí nghiệm so sánh", nhóm người mắc COVID-19 dùng Jinhua Qinggan - loại thảo dược được phát triển để chống bệnh cúm H1N1 năm 2009 - đã hồi phục nhanh hơn so với nhóm không uống; nhưng tờ báo không cung cấp thông tin chi tiết. China Daily còn mô tả một nghiên cứu so sánh khác kết luận rằng tiêm Xuebijing - loại thuốc chiết xuất từ 5 thảo dược được cho là có khả năng giải độc máu - giúp giảm 88% tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân mắc COVID-19 nặng, khi kết hợp với các loại thuốc tiêu chuẩn.

Huang Luqi, người đứng đầu Viện Hàn lâm Khoa học Y học Trung Quốc tại Bắc Kinh và bản thân có thực hành y học cổ truyền, nói rằng, từ tháng 1, ông đã dẫn đầu thử nghiệm ba phương thuốc cổ truyền khác nhau để điều trị COVID-19, và nhận thấy chúng an toàn và hiệu quả. Trong đó, một thuốc nhằm điều trị các triệu chứng COVID-19, một thuốc giữ cho các trường hợp nhẹ không trở nên nghiêm trọng hoặc nguy kịch, và một thuốc để bệnh nhân âm tính với virus nhanh hơn - theo thông tin từ trang web thử nghiệm lâm sàng của Trung Quốc. Huang từ chối trả lời chi tiết, chỉ nói kết quả sẽ được công bố sớm.

Theo các nhà khoa học, mặc dù các thử nghiệm nói trên có các nhóm kiểm soát, nhưng các bác sĩ và bệnh nhân dường như vẫn biết ai là người đang được điều trị thử nghiệm. Trong khi các thử nghiệm mù đôi - tức cả nhà nghiên cứu và bệnh nhân đều không biết nhóm nào đang được điều trị - mới là tiêu chuẩn vàng để đánh giá hiệu quả. "Trừ khi có thể đưa ra được các bằng chứng, nếu không việc tuyên bố hiệu quả y học cổ truyền là vô đạo đức," theo Dan Larhammar, nhà sinh học tế bào tại Đại học Uppsala ở Thụy Điển.

Tại Trung Quốc, dường như không có chỗ cho những ý kiến chỉ trích các phương pháp y học cổ truyền phục vụ điều trị COVID-19. Cuối tháng 4 vừa qua, một bác sĩ ở tỉnh Hồ Bắc đã bị kỷ luật và giáng chức sau khi đăng lên mạng rằng khuyến nghị của Trung Quốc về các phương pháp điều trị COVID-19, đặc biệt là các biện pháp y học cổ truyền, không dựa trên cơ sở khoa học. Anh nói với trang tin Nature rằng không thể trả lời phỏng vấn về chủ đề này.

Hiện trên thế giới chưa có phương pháp điều trị nào được chứng minh là hiệu quả đối với Covid-19, mặc dù nhiều quốc gia đang thử nghiệm các loại thuốc mới và thuốc sẵn có. Cho đến nay, chỉ có một loại thuốc - remdesivir - cho thấy có tiềm năng tăng tốc độ phục hồi trong các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên.

Nguồn: