Nhiều lô hàng thuỷ sản xuất khẩu bị trả về do dư lượng kháng sinh lớn chỉ là một trong các tác hại của tình trạng lạm dụng kháng sinh (KS), bên cạnh sự gia tăng bệnh dịch do kháng thuốc, môi trường bị ảnh hưởng. Sự lên ngôi của các CPSH thời gian qua góp phần giải quyết nạn này. Tuy nhiên, do nhiễu thông tin từ các công ty bán CPSH, nhiều nông dân dùng không đúng chỉ dẫn của các nhà khoa học, dẫn đến thất bại.
Các mô hình không kháng sinh
Tập đoàn Thủy sản Việt - Úc đang áp dụng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính theo công nghệ Israel trên quy mô 50ha ở huyện Hòa Bình, Bạc Liêu. Phó Tổng giám đốc Nguyễn Huỳnh Long cho biết, mô hình này hoàn toàn không sử dụng KS, chỉ dùng CPSH.
Nhờ đó, sản phẩm thu hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm, không vướng rào cản kỹ thuật khi xuất khẩu sang những thị trường khó tính. Cùng với việc kiểm soát chặt các thông số môi trường bằng công nghệ cao, mô hình hạn chế tối đa rủi ro, cho năng suất 120-240 tấn/ha/năm (3 vụ), cao hơn chục lần so với nuôi tôm thâm canh.
Thu hoạch tôm từ mô hình siêu thâm canh sử dụng chế phẩm sinh học của Tập đoàn Thủy sản Việt - Úc. Ảnh: NV
Cũng tại Bạc Liêu, tại Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trúc Anh nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh trong nhà kính, sử dụng hoàn toàn CPSH. Áp dụng mật độ nuôi cao (từ 200-250 con/m2), mỗi vụ 2,5-3 tháng cho năng suất 60-70 tấn/ha, lợi nhuận ước tính 17 tỷ đồng/ha.
ThS Lê Anh Xuân - Giám đốc công ty - cho biết Trúc Anh cũng mới ứng dụng công nghệ Biofloc trong nuôi tôm. Biofloc là hỗn hợp vi sinh vật, tảo, vi khuẩn và các hạt vật chất hữu cơ… vừa giúp duy trì trì tỷ lệ cácbon/nitơ hợp lý để vi sinh vật hữu ích phát triển, thúc đẩy phân hủy các hợp chất nitơ trong ao nên không cần thay nước suốt quá trình nuôi, giảm tối đa nguy cơ nhiễm bệnh, vừa là thức ăn cho thuỷ sản.
Sau hơn 2 tháng nuôi tôm theo công nghệ này, công ty thu hoạch 11 tấn tôm trên diện tích 4.000m2, không sử dụng hoá chất nào từ khi thả nuôi đến lúc thu hoạch.
Còn Công ty TNHH sản xuất - thương mại - dịch vụ 555 lại dùng CPSH sát khuẩn ao nuôi ngay từ đầu và định kỳ. Giám đốc Nguyễn Quốc Nam cho biết, các ao vốn có khá nhiều vi sinh vật. Thay vì thả vi sinh xuống ao, công ty cung cấp dinh dưỡng để vi sinh vật hiếu khí có sẵn phát triển, xử lý khí độc trong ao. Có 7/8 ao nuôi của công ty ở Cà Mau cho hiệu quả cao khi thực hiện mô hình này.
CPSH có thay hoàn toàn kháng sinh?
TS Nguyễn Tấn Sỹ - Phó Viện trưởng Viện Nuôi trồng thủy sản, Đại học Nha Trang - cho biết, trong nuôi tôm thương phẩm hay sản xuất tôm giống đều có thể sử dụng CPSH thay thế hoàn toàn KS. Hiện hầu hết các công ty sản xuất tôm giống uy tín không dùng KS trong suốt quy trình.
“Phần lớn cơ sở nuôi tôm thương phẩm dùng CPSH để cải tạo ao nuôi, xử lý đáy ao, xử lý nước trước, trong và sau vụ nuôi, trộn vào thức ăn.Tuy nhiên, họ vẫn dùng KS với liều rất cao để phòng và trị bệnh” - ông Sỹ nói.
Thống kê hiệt hại kinh tế do lạm dụng kháng sinh trong thủy sản.
Tuy nhiên, không phải hộ nuôi nào dùng CPSH cũng gặt hái thành công. Nhiều bà con coi CPSH như thần dược biến môi trường bẩn thành sạch, giúp tôm không bệnh nên đổ xuống ao nuôi một cách vô tội vạ, không cần biết có phù hợp hay không.
Ông Nguyễn Quốc Nam nói: “Với việc sử dụng tuỳ tiện như vậy, tỷ lệ “thắng” chỉ khoảng 2-3% do ao đó may mắn không có vi bào tử trùng. Với những ao thất bại, tôm cá chết, bà con tin lời người bán thuốc là do môi trường ô nhiễm, khí độc, virus mà không biết nguyên nhân thực sự”.
ThS Nguyễn Văn Trọng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II - cho biết, tác dụng của CPSH tùy thuộc đặc điểm môi trường trong từng trường hợp. Khi môi trường đầy vi sinh vật có hại, nếu đưa CPSH vào, vi khuẩn có lợi bị tiêu diệt hết, tác dụng sẽ bằng không.
Còn trong môi trường bình thường, việc dùng CPSH để tăng vi khuẩn có lợi sẽ giảm nguy cơ dịch bệnh, qua đó giảm lượng KS phải dùng. “CPSH giúp giảm nguy cơ dịch bệnh, còn nếu đã có bệnh thì vẫn phải dùng KS” - ông Trọng nói. Vì vậy, muốn loại trừ kháng sinh, cần dùng CPSH đúng cách.
Ông Nguyễn Huỳnh Long cho rằng, muốn thay dần KS bằng CPSH, người nuôi tôm cần thêm các giải pháp hỗ trợ như làm nhà bao che để ổn định nhiệt độ, kiểm soát chặt nguồn giống, khống chế lượng thức ăn để không quá tải, gây ô nhiễm nước. “Để đến khi vi khuẩn phát triển mạnh thì KS hay CPSH cũng đều khó khống chế” - ông Long nói.
Còn theo ông Tấn Sỹ, để sử dụng CPSH hiệu quả, giảm tối đa việc dùng KS, cần tổ chức nhiều cuộc hội thảo, trong đó nhà khoa học giúp người nuôi hiểu rõ cơ sở khoa học, lợi ích, tác hại của việc sử dụng KS và CPSH cũng như cách dùng CPSH hợp lý.