Được sự hỗ trợ kinh phí của Sở KH&CN TPHCM, HTX Thuận Yến (xã An Thới Đông, Cần Giờ) đã đầu tư kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh hai giai đoạn trong hồ tròn lót bạt HDPE. Mô hình này giúp tôm có tỉ lệ sống trên 80% và cho năng suất cao hơn cách nuôi ao truyền thống từ 30 – 40%.
Rủi ro từ ao nuôi truyền thống
Huyện ven biển Cần Giờ của TPHCM hiện có 4.800 ha diện tích tôm thẻ chân trắng với sản lượng 1.110 tấn/năm. Thời gian qua, TPHCM đã có nhiều chính sách và chương trình phát triển thủy sản trên địa bàn và tôm thẻ chân trắng vẫn được xem là một đối tượng chủ lực. Ngoài cách nuôi kết hợp rừng sinh thái, nuôi ruộng, quảng canh cải tiến, thâm canh, bán thâm canh..., nghề nuôi tôm tại Cần Giờ hiện nay vẫn đang sử dụng quy trình nuôi tôm truyền thống trong ao đất hoặc ao đất lót bạt với nhiều rủi ro do tác động từ môi trường bên ngoài vào ao nuôi.
Để hạn chế những nhược điểm của cách nuôi tôm truyền thống, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao thuộc Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM đã triển khai nhiệm vụ khoa học “nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh hai giai đoạn trong hồ tròn lót bạt HDPE” tại HTX Thuận Yến.
Nhiệm vụ nằm trong Chương trình Hỗ trợ kinh phí chuyển giao ứng dụng tiến bộ KH&CN trong nông nghiệp của Sở KH&CN TPHCM, mức hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng/dự án.
ThS Nguyễn Thị Loan, Chủ nhiệm nhiệm vụ, cho biết, nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh hai giai đoạn trong hồ tròn lót bạt HDPE khắc phục được những hạn chế so với phương pháp nuôi truyền thống như không sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi; thời gian nuôi mỗi giai đoạn ngắn nên hạn chế được rủi ro; dễ dàng trong việc vệ sinh, thay nước hồ nuôi. Ngoài ra, do hồ có dạng hình tròn, nước và thức ăn lưu thông đều, không tạo góc chết. Bên cạnh đó, việc sử dụng nhà màng đã hạn chế những tác động bất lợi từ môi trường bên ngoài vào hồ nuôi. Nước thải của hồ nuôi được xử lý tuần hoàn tại chỗ; chất thải được thu gom và tái chế làm phân bón cho cây trồng.
Không lo dịch bệnh, thời tiết
Hệ thống nuôi tôm theo quy trình này gồm hai hồ lắng thô (cấp 1 và cấp 2) lấy nước từ biển, thông qua ống lọc có gắn túi lọc (2 lớp) dùng để trữ nước và làm sạch tự nhiên. Sau đó, nước được chuyển qua hồ lắng tinh, tiếp tục được xử lý qua 2 túi lọc. Hồ lắng tinh được lót bạt ở đáy, có độ sâu từ 2 đến 3 mét. Tại đây, sau khi kiểm tra các chỉ tiêu môi trường (pH, kiềm, Mg, Ca, NH3, NO2), khuẩn Vibrio gây hại, nước mới được cấp cho hồ nuôi thương phẩm. Hồ nuôi được thiết kế dạng hình tròn, nổi trên mặt đất và lót bạt HDPE với diện tích 500 m2, có mái che bằng lưới xung quanh để giảm bớt ánh sáng cũng như giữ nhiệt độ nước không tăng quá cao trong những ngày nắng nóng. Trước khi chuyển đến hồ nuôi, tôm phải được ương từ hồ ương trong thời gian 1 tháng. Hồ ương diện tích 100m2 cũng được thiết kế dạng hình tròn, nổi trên mặt đất và lót bạt HDPE.
Ngoài ra, hệ thống còn bao gồm các mương cấp nước được bố trí gần nguồn nước và hồ lắng thô, có vị trí lắp đặt máy bơm thuận lợi cho việc cấp nước vào hồ lắng thô. Mương xả nước được bố trí gần hồ nuôi vào hồ ương. Các chất thải từ hệ thống siphon (thiết bị hút chất thải dưới đáy ao) được đưa về hồ chứa chất thải và xử lý theo quy định trước khi thải ra môi trường.
Bà Nguyễn Thị Nhiệm, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Thuận Yến, cho biết, năm 2019, mô hình đã nuôi thử nghiệm khá thành công với 2 hồ nuôi tôm, mỗi hồ diện tích 500m2. Tôm nuôi phát triển tốt, tỷ lệ sống trên 80%. Sau gần 3 tháng ương và nuôi có thể thu hoạch tôm với sản lượng 6 tấn/1000m2/vụ. Năng suất này cao hơn ở ao nuôi đất truyền thống từ 30 – 40% (trên cùng diện tích nuôi). Sản phẩm sau thu hoạch có độ đồng đều cao, tôm có kích thước lớn 30 con/kg, đạt yêu cầu của thị trường tiêu thụ.
Theo bà Nhiệm, ở mô hình này, người nuôi tôm sẽ giảm thiểu rủi ro dịch bệnh vì quản lý được các chỉ tiêu môi trường, hạn chế những ảnh hưởng xấu của thời tiết. Ngoài ra, nếu nuôi liên tục, có thể nuôi được 4 - 5 vụ/năm. Trong khi đó, nuôi trong ao đất truyền thống thường chỉ 3 vụ/năm.
Tuy nhiên, kinh phí đầu tư cơ sở vật chất ban đầu cho mô hình này khá cao - gần 600 triệu đồng - đang là trở ngại cho các hộ nông dân nuôi tôm muốn chuyển đổi sang mô hình nuôi này, ThS Loan chia sẻ.