Một nhiệm vụ quan trọng trong công tác bảo tồn động vật hoang dã là cần xác minh được tuổi lẫn vòng đời của chúng.
Đối với các nhà sinh vật học nghiên cứu về cá mập hay cá nhám voi (whale shark) – một trong những loài cá lớn nhất thế giới, điều này vẫn đang còn là thách thức.
Theo một nghiên cứu mới, sản phẩm phụ (by-product) của những vụ thử bom nguyên tử thời Chiến tranh Lạnh (Cold War) có thể sẽ giúp lấp đầy khoảng trống trên. Nhờ sử dụng đồng vị phóng xạ, các nhà khoa học đã lần đầu tiên xác định chính xác được tuổi của một cá thể cá mập voi.
Carbon 14 (C-14) là nguyên tố phóng xạ tồn tại tự nhiên trong khí quyển, và được mọi loài sinh vật sống trên Trái Đất hấp thụ. Chính những thử nghiệm hạt nhân, được các cường quốc Mỹ, Nga, Anh, Pháp, … thực hiện trong thập niên 1950, 1960 của thế kỷ trước đã làm tăng đột biến nồng độ C-14 trong khí quyển lẫn vật chất hữu cơ.
Vì vậy, việc đo nồng độ C-14 trong các mẫu mô hoàn toàn có thể mang đến cho chúng ta một cái nhìn toàn diện về thành phần khí quyển tại những thời điểm xác định. Bởi vì thuộc tính nổi bật của đồng vị phóng xạ là khả năng phân rã thường xuyên, ở tốc độ dự báo được (chu kỳ phân rã), việc hiệu chuẩn (calibrate) sự phân rã này cùng áp dụng các phương pháp định tuổi khác (chẳng hạn dựa trên số vòng sinh trưởng của thân cây), … sẽ cung cấp một chỉ dấu tốt về tốc độ già hóa của sinh vật.
Các tác giả đã tập trung vào phần đốt sống của loài cá mập voi, có số lượng đai sinh trưởng (nhìn thấy được) tăng dần khi cá trưởng thành và già đi. Đã từng có nhiều phỏng đoán về tốc độ tăng này. Trong khi một nghiên cứu kết luận đai sinh trưởng thường được hình thành sau mỗi năm, có ý kiến khác lại cho rằng quá trình này chỉ mất khoảng 6 tháng.
Thông qua phân tích đai sinh trưởng trên đốt sống của hai con cá mập voi đã chết, các nhà khoa học đã xác định nồng độ C-14 trong suốt vòng đời của chúng, nhằm đạt được hiểu biết rõ hơn về tần suất hình thành đai sinh trưởng, ở khía cạnh cho phép họ tính chính xác tuổi con vật.
“Chúng tôi phát hiện thấy đai sinh trưởng được hình thành mỗi năm một vòng,” nhà nghiên cứu Mark Meekan từ Viện Khoa học Biển Úc cho biết. “Kết quả này có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi nếu không xác định đúng tốc độ sinh trưởng của cá mập voi, thì những nỗ lực và biện pháp bảo tồn quần thể loài này chắc chắn cũng sẽ không mang lại đủ hiệu quả,”ông nhấn mạnh.
Một số nghiên cứu trước đây từng kết luận: cá mập voi có thể sống đến 100 năm, nhưng Meekan và các cộng sự đã xác định tuổi của một trong hai cá thể mẫu trong nghiên cứu mới chỉ là 50.
“Tuy hiểu biết của chúng ta về xu hướng, hành vi, sự liên kết và phân bổ của loài cá mập voi đã được cải thiện đáng kể trong khoảng 10 năm trở lại, nhưng các đặc điểm cơ bản liên quan đến tuổi, vòng đời và tỷ lệ tử vong vẫn cần được tìm hiểu thêm,”Meekan cho biết. “Giờ đây, chúng tôi dường như đã tìm ra một mảnh ghép mới cho bức tranh,” ông phấn khởi.
Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Frontiers in Marine Science.