Nghiên cứu mới của các nhà khoa học ở Đại học Rutgers, Mỹ, một lần nữa khẳng định, mực nước biển dâng hiện nay là do các hoạt động của con người, chứ không phải do những thay đổi của quỹ đạo Trái đất.
Những thay đổi nhỏ trong quỹ đạo của Trái đất từng là yếu tố chi phối khối lượng băng và mực nước biển cho đến thời hiện đại, theo tác giả chính của nghiên cứu mới, Kenneth G. Miller, giáo sư Khoa Khoa học Trái đất và Hành tinh thuộc Đại học Rutgers, New Brunswick.
Nghiên cứu của Đại học Rutgers xây dựng lại lịch sử mực nước biển và băng hà kể từ kết thúc thời kỳ khủng long. Các nhà khoa học đã so sánh các ước tính về mực nước biển trung bình toàn cầu, dựa trên dữ liệu địa hóa học biển, với các hồ sơ về rìa lục địa.
"Khối lượng băng và sự thay đổi mực nước biển, trước khi xuất hiện ảnh
hưởng của con người, liên quan chủ yếu đến các biến đổi nhỏ trong quỹ
đạo của Trái đất và khoảng cách từ mặt trời", Miller nói.
Nghiên cứu cho thấy các giai đoạn Trái đất ở trong điều kiện gần như không có băng và mực nước biển dâng cao, như 17 triệu đến 13 triệu năm trước, xảy ra khi nồng độ carbon dioxide trong khí quyển (khí nhà kính gây biến đổi khí hậu) cao hơn không nhiều so với hiện nay.
Mực nước biển giảm mạnh nhất - đến 400 feet (tương đương khoảng 121m) - trong kỷ băng hà cuối cùng, cách nay khoảng 20.000 năm. Tiếp sau đó, mực nước biển tăng một feet (tương đương khoảng 30 cm) mỗi thập kỷ. Tốc độ tăng nhanh đó bị chậm lại trong khoảng từ 10.000 đến 2.000 năm trước và giữ nguyên đến khoảng năm 1900, sau đó bắt đầu tăng trở lại do các hoạt động của con người ảnh hưởng đến khí hậu.
Dữ liệu từ các phép đo radar vệ tinh cho thấy mực nước biển đã tăng 7,5 cm trong khoảng thời gian từ năm 1993 đến 2017, tương đương xu hướng khoảng 30 cm mỗi thế kỷ.
Mực nước biển dâng tăng tốc trong
những thập kỷ gần đây đe dọa làm ngập vĩnh viễn các thành phố và cộng
đồng ven biển đông dân, các vùng đất thấp vào năm 2100. Đây cũng là mối
đe dọa nghiêm trọng cho nhiều hệ sinh thái và nền kinh tế.
Nguồn:
Hoàng Nam dịch