Hoạt động núi lửa dưới đáy biển do tác động của thiên thạch đã góp phần gây ra thảm họa môi trường giết chết phần lớn các loài sinh vật trên Trái Đất 66 triệu năm trước.
Giới khoa học từng có nhiều cuộc tranh luận về vai trò của núi lửa tham gia vào sự kiện tuyệt chủng lớn, quét sạch phần lớn sự sống trên Trái Đất vào cuối kỷ Phấn trắng, theo Independent. Những ngọn núi lửa tại Bẫy Deccan (Deccan Traps) của Ấn Độ từng được cho là liên quan đến sự kiện này, nhưng nhiều nhà địa chất đã loại trừ nó do thời thời kỳ núi lửa gia tăng hoạt động và thời điểm xảy ra tuyệt chủng không trùng khớp với nhau.
Tuy nhiên, phân tích đáy biển gần đây đã cho thấy một nguồn hoàn toàn mới của hoạt động núi lửa dưới đáy đại dương có thể đóng vai trò quan trọng trong sự kiện này.
"Chúng tôi tìm thấy bằng chứng về một thời kỳ núi lửa gia tăng hoạt động trên khắp thế giới trong suốt thời điểm diễn ra sự kiện tuyệt chủng hàng loạt. Thời kỳ này chưa được biết đến trước đây", Joseph Byrnes, một nhà địa vật lý tại Đại học Minnesota (Mỹ), cho biết.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, ảnh hưởng của "thiên thạch Chicxulub" kích hoạt việc giải phóng magma lưu trữ trong các dãy núi lửa dưới nước. Sóng địa chấn tạo ra bởi thiên thạch truyền trong lòng đất có thể làm gia tăng hoạt động núi lửa, góp phần bổ sung thêm vào sự phá hủy môi trường sống gây ra bởi vụ va chạm ban đầu.
Để xác định hoạt động núi lửa cổ đại ở các đại dương, Byrnes và cộng sự phân tích dữ liệu thu được từ vệ tinh để tìm kiếm vật chất dư thừa dưới đáy biển. Họ tìm thấy bằng chứng về sự thay đổi của lớp vỏ Trái Đất ở đáy biển, do hiện tượng magma phun trào trong khoảng thời gian xảy ra sự kiện tuyệt chủng 66 triệu năm trước đây. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances hôm 7/2.
Nhóm nghiên cứu đề xuất rằng, hoạt động của núi lửa dưới đáy biển có thể thải ra một lượng lớn khí độc vào bầu khí quyển và làm axit hóa đại dương, gây ra một cuộc khủng hoảng môi trường toàn cầu. Điều này dẫn đến sự tuyệt chủng của 75% các loài trên Trái Đất vào thời điểm đó, bao gồm khủng long.
Quốc Hùng