Nhận thấy trên thị trường có nhiều loại nến được làm ra từ dầu mỡ tái chế, phụ phẩm kém chất lượng, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người sử dụng như nguy cơ ung thư, mù mắt, hen suyễn,... Dương Hoàng Thông đã tìm cách tạo ra những cây nến sạch an toàn cho người sử dụng.

Học thiết kế và mê làm nến

Trong giới làm nến ở phía Bắc, anh Dương Hoàng Thông (Gia Lâm - Hà Nội) không chỉ có nhiều sản phẩm đẹp, đáp ứng thị hiếu người dùng mà còn sản xuất được nến sạch 100%. Theo anh Thông, hiện nay trên thị trường có một số loại nến, do nhu cầu lợi nhuận và không kiểm soát chặt chẽ dẫn đến nhiều loại nến được làm ra từ dầu mỡ tái chế, phụ phẩm kém chất lượng, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người sử dụng như nguy cơ ung thư, mù mắt, hen suyễn,... Vì vậy, khi nghiên cứu công nghệ làm sản phẩm của mình, anh Thông chỉ sử dụng parafin gốc an toàn cho người sử dụng. 100% nguyên liệu làm nến được anh nhập từ Mỹ, Indonesia. Với dòng nến thơm, anh Thông cũng chỉ sử dụng tinh dầu thuần - loại tan hoàn tòan trong parafin.

Tâm huyết với nghề nến là vậy nhưng trước khi trở thành "Thông nến" như bây giờ, anh đã phải đi qua một đoạn đường dài nhiều chông gai.

Kể lại câu chuyện của mình, điều anh Dương Hoàng Thông cho biết, dù đã có 4 năm ngồi trên ghế nhà trường nhưng cuối cùng anh vẫn để ngỏ tấm bằng đại học tại khoa thiết kế của Đại học Mở Hà Nội. Và anh vẫn luôn biết ơn những năm tháng ở giảng đường.

Kiến thức học được từ ngành mỹ thuật đã giúp tôi có thể tạo ra mọi kiểu dạng theo yêu cẩu của người tiêu dùng. Nắm chắc về màu, tôi có thể pha chế nhiều chủng màu mà khách hàng thích. Tôi cũng hiểu được thế nào là màu tan đục, màu tan trong và dùng trong những sản phẩm gì” – anh Thông nói.

Anh Dương Hoàng Thông người luôn trăn trở việc làm nến sạch để cung cấp cho người tiêu dùng. Ảnh: NV
Anh Dương Hoàng Thông người luôn trăn trở việc làm nến sạch để cung cấp cho người tiêu dùng. Ảnh: NV

Năm 2002, khi bước chân vào đại học năm thứ hai, trong một lần đi trông cửa hàng hội chợ cho một người bạn, Thông tình cờ gặp người khách rất thích quả trứng gà, phía trong là một cây nến. Sự hứng thú của người khách đã khiến Thông nảy ra ý định tìm hiểu về nến và sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo mới lạ.

Tôi lấy đất sét nặn, tạo nhiều hình thù khác nhau... rồi đem nung, sơn màu và gắn nến vào bên trong. Sản phẩm của tôi bán chạy ở nhiều cửa hàng, người ta đặt từ 1000 cái, rồi lên tới 1 vạn cái, tôi làm không kịp bán. Nhưng rồi, chỉ vì tin người, tôi đã chuyển giao bản quyền công nghệ và hoàn toàn trắng tay. Người ta là xưởng lớn, đi bỏ mối giá thấp hơn, tôi không cạnh tranh được” – giọng anh Thông xen chút tiếc nuối.

Vượt qua cú sốc ấy, anh tiếp tục nghĩ về sản phẩm khác không phải gốm và nhận ra nến là thứ anh có thể làm. “Tôi đi hỏi rất nhiều người về cách làm khuôn, cách nấu nến nhưng không ai chỉ cho tôi cả. Mọi người cũng không biết để mà dạy. Vậy là tôi tự mày mò từ cách nấu, gia giảm phụ gia rồi canh lửa. Sản phẩm đầu tiên là phù điêu con trâu vàng – biểu tượng của SEAGAME 2013. Lúc đó tôi vỡ òa vì sung sướng”.

Nến phật thủ là sản phẩm được nhiều người lựa chọn trong dịp Tết Nguyên đán.
Nến phật thủ là sản phẩm được nhiều người lựa chọn trong dịp Tết Nguyên đán.

Quan sát thấy những chiếc móc chìa khóa làm bằng số, anh Thông tự hỏi: “Nếu những chiếc nến tạo hình chữ để ghép thành tên để người ta tặng nhau và gắn lên bánh sinh nhật chắc họ thích lắm. Vậy là anh cạo thạch cao làm cốt và tạo khuôn những chữ cái đầu tiên”.

Những chữ cái ban đầu có kích thước khá to cao 12cm, rộng 10cm, sau đó, khách hàng đề nghị anh thu nhỏ chữ xuống cho dễ gắn vào bánh. Và rồi, sản phẩm chữ nến Happy Birthday của chàng trai Dương Hoàng Thông được tất cả mọi người yêu thích.

Cũng với sản phẩm ấy, anh Thông đã dành được giải Nhất chương trình Khởi nghiệp năm 2005 do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức. Nhiều đơn đặt hàng từ nước ngoài cũng bay về. Thời điểm ấy, vì chưa hiểu hết cách xuất khẩu hàng hóa, Thông đành từ chối.


Khát vọng thu ngoại tệ từ nến

Đó là tâm niệm khi tạo ra bất cứ sản phẩm gì của anh Thông. Năm 2009, sau một thời gian tạm dừng công việc vì biến cố gia đình, Dương Hoàng Thông quyết định trở lại với những sản phẩm do chính anh tự mày mò, nghiên cứu.

Thời gian nghỉ làm nến, tôi nghiên cứu về các sản phẩm đang có trên thị trường phân tích nhược điểm và biến nó trở thành ưu điểm của mình. Ví dụ như với nến gel thường hay bị chảy nước, gel đục không trong, bấc có chì độc hại và thường có hiện tượng nổ cốc. Tôi tự đặt ra cho mình phải tìm được công thức khắc phục những nhược điểm ấy” – anh Thông nói.

Để có một quy trình làm nến gel, anh Thông phải mua nguyên liệu, ghi ghép từng tỷ lệ phần trăm các chất, thời gian đun nguyên liệu và kết quả của từng sản phẩm. Sau 20 lần thử nghiệm, anh mới rút ra được công thức cuối cùng.

Anh Thông chia sẻ: “Theo tính toán của tôi thì dầu parafin nấu với khoảng 5% bột làm gel sẽ cho tạo thành nến gel. Thời gian nấu cũng sẽ làm cho sản phẩm hoặc khô hơn hoặc sẽ bị chảy nước”.

Một sản phẩm khác cũng được nhiều người yêu thích là nến vặn tay nghệ thuật. Theo anh Thông, đây là sản phẩm cần dùng nhiều chất xám và anh phải mất tới 2 năm thử nghiệm mới cho ra được công thức chuẩn. Phải làm sao để nến không cứng quá, không mềm quá, chất nến sờ vào thấy mịn, lên màu sắc nét. Mỗi công thức anh đều ghi lại, thấy cái nào phù hợp thì lại tiếp tục tính toán để nâng cấp lên.

Đôi mắt anh lấp lánh niềm vui: “Làm nến như nấu phở vậy. Ai cũng biết ninh xương làm nước nhưng không ai biết phải ninh bao lâu, cho thêm các phụ gia gì. Cần phải canh đúng giờ, cho đủ liều lượng các thành phần mới cho ra được sản phẩm hoàn hảo. Ngay cả làm bấc nến, tôi cũng phải có quá trình nghiên cứu riêng”.

Nến hình kim ngân, kim xuyến - mẫu nến mới được anh Thông giới thiệu dịp 2018
Nến hình kim ngân, kim xuyến - mẫu nến mới được anh Thông giới thiệu dịp 2018.

Anh Thông cho biết, thông thường để làm cứng ngọn bấc, người ta hay đưa thêm một sợi chì. Vì hướng tới sản xuất sản phẩm sạch, an toàn với người dùng, bấc của anh Thông hoàn toàn chỉ có sợi cotton nhưng vẫn đảm bảo độ cứng vừa đủ, độ cháy vừa đủ.

Sau khoảng chục lần thử mọi loại chất liệu từ dây chuối tước nhỏ tới lạt (dùng làm dây gói bánh), tôi thấy rằng, việc tẩm và hồ sợi trước khi dệt sẽ giúp sợi bấc cứng hơn mà không cần dùng chì” – anhThông tiết lộ.

Anh Hoàng Ngọc Huy (quê Nam Định), vừa là bạn vừa là học trò của anh Thông kể: “Tôi khâm phục anh Thông bởi sự tìm tòi và chăm tìm hiểu. Năm ngoái, từ ý tưởng về việc làm quả phật thủ bằng nến của tôi, anh Thông ngày thì làm việc với anh em, đến tối thì mày mò nghiên cứu tạo khuôn làm nến. Cái khó là phải tạo ra được sẩn phẩm tinh xảo, giống y như thật. Anh ấy luôn nói rằng, sản phẩm gì thế giới làm được, Việt Nam cũng làm được. Quả phật thủ mà anh Thông làm ra, có lẽ là sản phẩm đầu tiên có trên thị trường và tạo nên cơn sốt trong thị trường ngày Tết”.

Chia sẻ về ước muốn trong tương lai, anh Thông trầm ngâm: “Nhu cầu về nến tại các nước châu Âu và Mỹ rất lớn. Ở Việt Nam hiện đang có khoảng 6 công ty sản xuất nến cao cấp nhưng đều là vốn nước ngoài. Trong khi đó, người Việt có công nghệ, có sản phẩm đáp ứng yêu cầu được yêu cầu về chất lượng và mẫu mã của các nước. Tôi đang đào tạo các học sinh để mở rộng năng lực sản xuất và tìm kiếm các đơn đặt hàng từ nước ngoài, để mang tinh hoa, khả năng của người Việt ra thế giới, thu ngoại tệ về cho Việt Nam”.