Tôi may mắn “tranh thủ” được chút thời gian của PGS.TS Phạm Thị Minh Phượng (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), ngồi nghe chị kể về hành trình đưa một giống hoa mọc “bờ rào, bờ dậu” thành giống hoa được bảo hộ ở Việt Nam, khởi đầu cho việc thương mại hóa.

Đi khắp cả nước để thu thập nguồn gene

Niềm vui vẫn còn hiện rõ trên ánh mắt rạng rỡ của nhà khoa học nữ ở Bộ môn Rau - Hoa - Quả và Cảnh quan thuộc Khoa Nông học vì thời điểm giống hoa lan huệ cánh kép Hồng Vân do chị lai tạo vừa được cấp bằng bảo hộ cách đó chưa lâu. PGS Phượng vừa rót nước vừa nói đùa: “Tôi mà tập trung làm hoa hồng giờ thì giàu to, nhưng tôi chọn lan huệ và không hề tiếc”.

Trước khi gắn bó với lan huệ, PGS Phượng từng nghiên cứu nhiều loại cây, trong đó có hoa hồng. Nhưng năm 2010, PGS Phượng chuyển hẳn sang hướng nghiên cứu khác: cùng với các cộng sự, chị bắt đầu nghiên cứu về cây lan huệ Việt Nam từ nguồn kinh phí của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED).

PGS-Ts Phạm Thị Minh Phượng tại vườn ươm các giống hoa lan huệ lại thuộc Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Hà Nội, tháng 12/2017. Ảnh: Thanh Tùng

Lý do là, chị biết giá củ giống lan huệ ở những nước như Hà Lan chỉ từ 5-15 Euro tùy loại nhưng mang về Việt Nam thì có giá lên đến 400-500 nghìn/củ (thời điểm 2010-2012) mà vẫn có nhiều khách hàng trong các nhóm chơi hoa mua bán và trao đổi.

Theo PGS Phượng, lan huệ Việt Nam thường gọi là hoa loa kèn đỏ hay tứ diện, chủ yếu được trồng trong chậu, trong bồn hoặc thậm chí mọc ở bờ rào, bờ dậu, hầu như ít được quan tâm. Ban đầu, chị tập trung nghiên cứu thu thập nguồn gene chi lan huệ tại 44 tỉnh, thành phố, đặc biệt tập trung vào các tỉnh như Lào Cai, Lâm Đồng, Đồng Tháp... để đánh giá đa dạng di truyền nguồn gene cây lan huệ ở Việt Nam.

“Để tiết kiệm kinh phí, tôi cùng một cộng sự đi đến các tỉnh theo đúng kiểu ‘ta balo’, tức là đi xe khách lên đến nơi rồi thuê xe máy. Trên đường đi, cứ chỗ nào có hoa lan huệ là chúng tôi nhảy xuống, xin hoặc mua cây, sau đó phỏng vấn người dân về cách trồng giống hoa này”, PGS Phượng nhớ lại.

Hoa lan huệ Hồng Vân khi trồng trong chậu. Ảnh: Phương Mimh

Theo PGS Phượng, các giống lan huệ Việt Nam chủ yếu có dạng hình cánh đơn; kích thước hoa từ nhỏ đến trung bình; màu hoa phổ biến là đỏ, trắng hoặc đỏ sọc trắng… do đó để tạo ra sự phong phú về hình dạng, màu sắc, hương thơm lan huệ Việt Nam thì việc sử dụng nguồn gene lan huệ nước ngoài trong các phép lai hữu tính là cần thiết.

Sau 2 năm thu thập, có trong tay tập đoàn giống hoa lan huệ Việt Nam khá đầy đủ, PGS Phượng sử dụng phương pháp lai hữu tính để lai giống hoa lan huệ cánh đơn Việt Nam với giống hoa lan huệ cánh kép nhập từ Nhật Bản.

Từ 500 cây ban đầu, chị chọn ra 100 cây lạ mắt, sau đó chọn tiếp ra 20 cây để phát triển lên. Trong số đó, lan huệ Hồng Vân là giống có đặc điểm nổi bật hơn cả: cánh bán kép (8 - 11 cánh/bông), đường kính hoa lớn (>21cm) và mùi thơm nhẹ. Cụm hoa gồm 4 bông, độ bền mỗi bông từ 4-7 ngày, độ bền một cụm hoa từ 10 - 11 ngày và độ bền của các cụm hoa (2-3 cụm) từ 20-30 ngày (trong điều kiện nhiệt độ 18 – 20 độ).

Năm 2015, chị đã tiến hành khảo nghiệm giống Hồng Vân theo đúng quy định khảo nghiệm giống cây lan huệ. Trong thời gian khảo nghiệm, các tính trạng như hình dáng, màu sắc hoa không hề thay đổi; từ lúc nhân giống đến khi ra hoa khoảng 24 tháng.


Rẻ hơn 3 lần so với giống nhập ngoại

Năm 2016, đề tài ươm tạo và phát triển các giống hoa lan huệ cánh kép của chị được Trung tâm Ươm tạo công nghệ nông nghiệp – Học viện Nông nghiệp Việt Nam thông qua tài trợ với yêu cầu làm sao bảo hộ được một giống lan huệ, nhân được giống với lượng lớn, xây dựng kỹ thuật trồng trọt...

Giải thích về ý nghĩa của tên Hồng Vân, PGS Phượng tâm sự, do trong quá trình lai tạo, chị nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Học viện Nông nghiệp vì vậy muốn tên gọi giống hoa đầu tiên được bảo hộ này phải gắn với Học viện (viết tắt của Hồng Vân là HV, có thể hiểu là viết tắt của Học viện).

PGS Phượng cho biết, dự kiến mỗi củ lan huệ của chị khi bán ra thị trường sẽ có giá thấp hơn 3 lần so với giống nhập ngoại, tức khoảng 70.000 đồng/củ. “Hoa lan huệ có nhiều ưu điểm là chơi xong rồi vẫn có thể giữ để sang năm lại ra hoa tiếp. Tôi muốn giá thành phải hạ để nhiều người tiếp cận được. Mình làm chủ được công nghệ, nhân giống được nó, trồng được nó thì tại sao người Việt Nam mình lại phải bỏ 200 – 300 nghìn đồng để
mua một củ giống nước ngoài”, PGS Phượng nói.

Có thể dùng hoa lan huệ Hồng Vân như loài hoa chủ đạo trong trang trí nghệ thuật.
Ảnh: Phương Minh

Theo kinh nghiệm của chị, củ lan huệ càng to thì hoa càng đẹp. Trồng và chăm sóc loài hoa này cũng không quá kỳ công, miễn làm sao bảo đảm yêu cầu thoát nước và đủ nắng.

“Giống lan huệ Hồng Vân và những giống lan huệ lai khác giờ đã đẹp rồi nhưng tôi sẽ tiếp tục lai tạo để cho ra những giống hoa đẹp và đặc biệt hơn nữa”, PGS Phượng vui vẻ cho biết.

Ngày 6/11/2017, hoa lan huệ Hồng Vân trở thành một trong những giống hoa đầu tiên do người Việt Nam lai tạo được cấp bằng bảo hộ bởi Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chương trình thương mại hóa giống hoa này cũng đang được PGS Phượng cùng các cộng sự tiến hành theo nhiều cách, từ tiếp xúc doanh nghiệp, giới thiệu sản phẩm thông qua hội chợ đến tiếp cận các chương trình của Bộ Khoa học và Công nghệ trong chuyển giao và phát triển các giống mới. Hy vọng không lâu nữa, loài hoa có đường vân màu đỏ chạy dài trên cánh này sẽ kiêu hãnh khoe sắc và tỏa hương trong các chậu, bồn hay vườn hoa của người Việt.