Nữ bệnh nhân 26 tuổi đầu tiên được các bác sĩ Mỹ cấy ghép tử cung từ nguồn hiến tặng đã hồi phục ổn định sau 2 tuần thực hiện phẫu thuật.
Theo ABC News, Lindseytrải qua "ca mổ lịch sử đầu tiên" kéo dài 9 giờ do các bác sĩ Bệnh viện Cleveland tiến hành ngày 24/2. Chia sẻ trong cuộc họp báo mới đây, cô cho biết sức khỏe hiện rất tốt và tràn đầy hy vọng sớm được "trải nghiệm mang thai".
|
Người phụ nữ Mỹ đầu tiên được cấy ghép tử cung hồi phục ổn định sau 2 tuần thực hiện phẫu thuật. Ảnh: abcnews
|
Lindsey là người đầu tiên trong số 10 trường hợp được chọn cấy ghép tử cung trong chương trình thử nghiệm lâm sàng tại Bệnh viện Cleveland. Người hiến tặng tử cung là một phụ nữ đã qua đời.Vợ chồng cô hiện đã nhận nuôi 3 đứa trẻ.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Cleveland cho biết có ít nhất một năm để bệnh nhân mang thai qua thụ tinh trong ống nghiệm, cho đến khi giảm các liều thuốc ức chế miễn dịch chống thải ghép. Lindsey không thể mang thai tự nhiên vì việc cấy ghép tử cung không bao gồm các ống dẫn trứng.
"Bệnh nhân có thể có hai con trước khi tử cung được lấy ra", tiến sĩ Tommaso Falcone, người đứng đầu trung tâm ghép cho biết. Việc chỉ được phép mang thai hai lần sẽ giúp giảm thiểu rủi ro, để bệnh nhân không phải uống thuốc chống thải ghép trong suốt phần đời còn lại.
Kỹ thuật ghép tử cung lần đầu thực hiện tại Mỹ đã mở ra hy vọng mang thai ở những phụ nữ sinh ra không có tử cung hoặc tử cung bị tổn thương, dị dạng.Tại Thụy Điển có 9 phụ nữ được ghép tử cung và ít nhất 5 người trong số này đã sinh con khỏe mạnh.
Theo Vnexpress