Khi nói đến nông nghiệp công nghệ cao, rất cần có cái nhìn toàn chuỗi giá trị và làm rõ khái niệm công nghệ cao để chương trình hỗ trợ đạt hiểu quả. Tạp chí Tia Sáng trao đổi cùng TS. Nguyễn Thanh Mỹ - Giám đốc Công ty Rynan Agrifoods về đề tài này.

Thưa ông, nói đến nông nghiệp công nghệ cao, người ta hay nói nhiều về hệ thống nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, IoT trong nông nghiệp... Hiểu như vậy đã đầy đủ?

Công nghệ nhà kính hay hệ thống tưới nhỏ giọt chỉ là một phần nhỏ trong câu chuyện canh tác. Khi nói đến nông nghiệp, tôi nghĩ, chúng ta phải có bức tranh toàn cảnh, nhìn từ năm yếu tố, gồm: đầu vào, canh tác, chế biến, phân phối và tiêu thụ.

Nông nghiệp công nghệ cao: Cần cái nhìn toàn chuỗi giá trị - 1

TS. Nguyễn Thanh Mỹ - Giám đốc Công ty Rynan Agrifoods (đầu tiên bên phải) giới thiệu sản phẩm phân bón thông minh

Nếu một trong năm yếu tố bị tắc, dù các yếu tố còn lại có phát triển tốt thì cũng rất dễ bị hiệu ứng nút thắt cổ chai. Ví dụ đơn giản như khi anh áp dụng công nghệ giúp sản xuất tốt hơn nhưng các yếu tố đầu vào như phân bón và giống đều phải nhập khẩu, phụ thuộc các nhà cung cấp nước ngoài thì chắc chắn sự chủ động sẽ bị hạn chế và lợi nhuận bị ảnh hưởng.

Khi chúng ta nói nhiều đến yếu tố canh tác, bốn yếu tố còn lại sẽ bị lờ đi và thiếu sự quan tâm của cộng đồng. Điều này dễ dẫn đến hệ quả là những doanh nghiệp trong bốn lĩnh vực còn lại thiếu động lực hoặc có động lực nhưng không tiếp cận được những điều kiện hỗ trợ để phát triển.

Ông có thể nói rõ hơn điều này?

Tôi lấy thí dụ từ câu chuyện phân bón thế này. Nói đến phân bón, chúng ta có phân bón hóa học, phân bón hữu cơ và phân bón vi sinh. Cần có sự phối hợp cân bằng giữa ba loại phân bón này khi canh tác để vừa đảm năng suất cho cây trồng, vừa đảm bảo sức sống cho đất.

Trong mối quan hệ này, vi sinh đóng vai trò cải tạo đất và tôi gọi vi sinh chính là những anh hùng lao động. Thế nhưng nhìn lại các nhà cung cấp phân bón vi sinh trong nước, tôi thấy đa phần họ nhập từ nước ngoài về bán. Ngay cả những chuyên gia đầu ngành về vi sinh tại Việt Nam, khi chúng tôi hợp tác cùng sản xuất, kết quả cũng chẳng đi đến đâu.

Như vậy, giờ đây, nếu có anh nào đó tiên phong và dũng cảm sản xuất phân bón vi sinh, anh ấy xứng đáng nhận được sự hỗ trợ chứ.

Trong câu chuyện đầu vào, giống cũng đóng vai trò rất quan trọng. Trong khi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, diện tích đất nông nghiệp giảm nhưng dân số lại tăng, nhu cầu về lương thực sẽ là một gánh nặng mà chúng ta cần nghĩ đến trong tương lai.

Lúc này, rất cần nghiên cứu để có những giống có năng suất cao. Ví dụ như ngành lúa gạo, chúng ta có thể tự hào đạt năng suất 8 tấn/héc ta nhưng một số nước trên thế giới đã có giống lúa đạt năng suất 15 tấn/héc ta. Cây lúa trong tương lai, để thích ứng với khí hậu, chắc chắn cần một hình ảnh khác với thân ngắn hơn nhưng đường kính lớn hơn để chắc chắn hơn, tránh bị gió làm đổ ngã; các lá sẽ dốc hơn để diện tích tiếp nhận ánh sáng mặt trời nhiều hơn và tránh lá trên che phủ lá dưới nhằm giúp chúng quang hợp tốt hơn...

Ngoài yếu tố năng suất, chúng ta còn có thêm lựa chọn khác liên quan đến chất lượng. Nhật có giống lúa mà từ đó họ đã làm ra những hạt gạo được bán với giá 109 USD/kg. Vì sao người tiêu dùng chấp nhận trả mức giá như vậy? Gạo đó có gì đặc biệt? Liệu chúng ta làm được không?

Đây là những yếu tố mà thiết nghĩ chúng ta cần phải biết và làm được khi nói đến bài toán nông nghiệp công nghệ cao trong tương lai.

Quay lại câu chuyện phân bón vi sinh. Như vậy có được gọi công nghệ cao?

Vấn đề nằm ở đây là cần làm rõ thế nào là công nghệ cao. Nếu không, mọi thứ thiếu rõ ràng, doanh nghiệp này có thể được hỗ trợ nhưng doanh nghiệp khác, cùng công nghệ, có thể không. Sự nhập nhèm là chỗ dễ nảy sinh tiêu cực và cơ chế xin cho.

Nhưng cuối cùng, câu hỏi quan trọng hơn cần phải trả lời là công nghệ cao để làm gì? Hay nói cách khác, công nghệ anh mang lại giá trị gì tốt hơn cho nông nghiệp hay không. Nếu công nghệ của anh mang lại giá trị cao hơn cho người nông dân hoặc sản phẩm nông nghiệp, anh xứng đáng nhận được sự hỗ trợ.

Bên cạnh nông nghiệp, một cụm từ khác, gần đây, cũng được nói đến thường xuyên là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Có sự giao thoa giữa nông nghiệp và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này?

Mấu chốt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là sự tương tác giữa thế giới thực và thế giới số. Và nông nghiệp là mảnh đất màu mỡ để áp dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần này. Dễ thấy nhất là công nghệ kết nối Internet vạn vật (IoT) mà báo chí nói đến rất nhiều thời gian gần đây.

Tôi muốn kể một ví dụ khác, nơi nhờ công nghệ, có thể tạo sự thay đổi lớn, đặc biệt với người nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Nông nghiệp công nghệ cao: Cần cái nhìn toàn chuỗi giá trị - 2

Cần nhìn nông nghiệp công nghệ cao từ năm yếu tố: đầu vào, canh tác, chế biến, phân phối và tiêu thụ. Ảnh: Doanh nhân Sài Gòn

Trên thế giới, kỹ thuật canh tác lúa tưới ngập khô xen kẽ (AWD) không hề xa lạ và đã chứng minh mang lại nhiều lợi ích như tiết kiệm nước, nâng cao năng suất, giảm khí thải nhà kính. Kỹ thuật này cũng được Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) hỗ trợ nông dân trồng thử nghiệm tại Bạc Liêu và cho những kết quả tích cực.

Thế nhưng kỹ thuật này tại sao vẫn chưa được người nông dân áp dụng rộng rãi? Câu trả lời vì nó bất tiện và thiếu cơ chế khuyến khích.

Trồng lúa theo kỹ thuật AWD giúp giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính là điều khoa học đã chứng minh nhưng với nông dân, giảm khí thải nhà kính bao nhiêu, họ đâu có quan tâm bởi họ không thấy được và điều đó cũng không gắn với lợi ích trực tiếp của họ.

Để trồng lúa theo AWD, người nông dân cần theo dõi độ sâu mực nước trong ruộng bằng ống quan sát mực nước trên ruộng và bơm/rút nước ra khỏi ruộng để điều tiết từ thông số quan sát được. Làm như vậy bất tiện quá và người nông dân không muốn theo.

Nay, với IoT, thông qua cảm biến đặt tại ruộng lúa và bộ vi điều khiển gắn với máy bơm nước kết nối với chiếc điện thoại thông minh, người nông dân có thể cài đặt chế độ tưới tiêu tự động cho mảnh ruộng của mình và theo dõi từ xa qua điện thoại. Điều này thật sự đem đến sự thuận tiện và lợi ích lớn cho nông dân và rộng hơn là môi trường.

Nhưng chi phí để đưa IoT vào nông nghiệp có quá cao?

Lấy ví dụ ngay tại ruộng lúa mà chúng tôi đang trồng theo phương pháp AWD, chi phí triển khai hệ thống IoT không hề cao. Cái cao nhất trong chi phí này thuộc về khâu thiết kế ứng dụng để nhờ đó, người nông dân có thể sử dụng thông qua smartphone. Nhưng ngày nay, những ứng dụng này đã có những công ty khởi nghiệp trẻ giải quyết nên nông dân không phải bận tâm.

Cái khó khi áp dụng công nghệ không hẳn vì công nghệ khó mà vì người nông dân ngại thay đổi thói quen canh tác. Để làm được điều này, cần có thời gian đi kèm sự hỗ trợ từ phía nhà nước.

Cám ơn ông!