Đó là một ngày kỳ lạ, khi câu chuyện về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được kể và cùng kể với những người phụ nữ đặc biệt đến từ mọi vùng quê khác nhau của tỉnh Đồng Tháp. Tôi nghĩ, mình may mắn và được học rất nhiều từ những người mẹ, người dì chân chất nhưng máu lửa này.

Chuyện một cái chai si rô a ti sô đỏ

Lớp học “Thương hiệu cho khởi nghiệp” do chương trình 844, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp và Trung tâm BSA còn chưa bắt đầu, thì một người phụ nữ ngồi phía sau đã... khều khều. Chị hỏi, giọng hiền khô: “Em là thầy giáo bữa nay đúng hông? Cho tui hỏi thăm cái này chút: tui muốn tìm mua cái chai giống vầy để đựng si rô a ti sô đỏ mà đi hết mấy cái chợ ở xã, ở huyện mà cũng kiếm hổng ra...”.

Chị cầm theo cái chai nhựa đựng nước mãng cầu, cũng là sản phẩm khởi nghiệp của một bạn trẻ địa phương. Tôi quay lại, nhìn chị. Luống ngoài 50 tuổi, có phần nhút nhát và sợ sệt trong một không gian bàn chuyện khởi nghiệp thay đổi thế giới. Chị mỉm cười, có phần cam chịu và nhẫn nại của một bà mẹ quê.

Hai người phụ nữ ngồi cùng bàn chồm qua, góp chuyện. “Cái này ở chợ trung tâm có nè”. “Ủa mà cái này của khởi nghiệp mà, quen mà, để gọi điện thoại hỏi nó”, “Mà sao hông làm cái chai to hơn chút bán cho được giá mà định làm chai nhỏ vậy”, “Để đó, tui đi hỏi cho”... Mấy chị khác ngồi bàn dưới cũng chồm lên, góp chuyện. Một cuộc “brainstorm” - não công diễn ra hết sức rôm rả và ngập tràn yêu thương. Ai cũng muốn nhào vô giúp một tay...


Rôm rả bài học “giải phẫu bao bì gói mì tôm” - Ảnh: T.Nguyên

Bắt đầu lớp học, tôi cầm cái chai lên, bắt đầu hỏi thăm mọi người về việc làm sao cho phải. Ừ đúng rồi, cái chai này là chai nước uống liền, đâu phải chai si rô. Vậy xài chai giống nhau người ta thấy mình bán mắc thì sao. Ừ đúng rồi, phải lên mạng tham khảo các mẫu chai si rô của Đà Lạt người ta làm đẹp lắm. Ừ đúng rồi, giờ người ta hạn chế dùng chai nhựa để bảo vệ môi trường, hay là xài chai thuỷ tinh đi. Rồi bao nhiêu là kinh nghiệm về đi xét nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm mấy cái bao bì, kỹ thuật xây dựng giá sản phẩm. Có người sốt sắng hỏi: “Mới đi học bữa đầu đúng hông? Hèn chi chưa biết nhờ mọi người bán hàng chung giùm cho...”.

Vậy đó, công việc của giảng viên chỉ đơn giản là đứng đó, cầm từng sản phẩm lên và hỏi các câu hỏi, còn lại mọi người tự dạy nhau tất cả những gì mình biết, tận tình và yêu thương còn hơn người trong gia đình.

Và giấc mơ sở hữu trí tuệ

Phía trên của lớp học, là bàn trưng bày sản phẩm. Mỗi món, là cả một câu chuyện dài về văn hoá, lịch sử của vùng miền và toàn bộ tâm huyết của những người lụi cụi làm ra nó. Giấc mơ đưa sản phẩm của mình, vốn dĩ mới được một đoạn từ cơ sở sản xuất ra chợ quê, đi tiếp một đoạn nữa đến siêu thị, tới Sài Gòn, Hà Nội và có thể tới cả xuất khẩu giờ không còn quá xa xôi nữa. Chị bán củ ấu làm ra sữa từ loại cây dân dã này cũng đã tới Thái Lan so hàng của mình với các nước rồi, đồ của mình ngon hơn, lành hơn, chỉ thiếu chút là bao bì mình xấu và mình chưa có đăng ký sở hữu trí tuệ toàn cầu.

Chà, chuyện sở hữu trí tuệ bắt đầu căng. Chị bán kẹo đậu phộng ôm gói kẹo của mình lên, nói tháng rồi ra sản phẩm mới, bán được mấy tấn kẹo. “Mà xưa giờ người ta làm nền kẹo bằng khoai mì không hà, là tôi tự nghiên cứu chế tạo ra nền kẹo bằng khoai môn đó. Vậy giờ phải đăng ký giải pháp hữu ích hay bằng sáng chế đây ta?”. Chị bán bánh hỏi khô đóng gói thì hết sức phân vân: “Nghe nói Thái Lan họ đăng ký sở hữu trí tuệ luôn nước mắm với phở trên thế giới rồi. Giờ mình ráng đi gom tiền để đăng ký món bánh hỏi này được không, tốn kém lắm không, sao không ai đứng ra hỗ trợ những người sản xuất nhỏ như chị em tụi tui hết vậy?”.

Câu hỏi này, thật khó. Hỏi giảng viên, thì giảng viên cũng đâu biết hỏi ai. Thôi đành kể chuyện về trái xoài sử dụng công nghệ blockchain mà các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ đang cố gắng kết hợp với các ngành sản xuất khác để gia tăng giá trị cho các sản phẩm thuần nông của Việt Nam. Đó là bài học về liên kết, về chuỗi giá trị, về tư duy toàn cầu...

Lớp học rôm rả, vui nhộn khi mọi người cùng nhau phân tích cái bao bì của gói mì tôm, có đến 23 thành tố khác nhau chen chúc trên một diện tích chật hẹp. Nhưng cũng có thứ chiếm đến 2/3 “mặt tiền” của bao bì. Giờ sao, so với bao bì của mình cái gì đủ, cái gì đúng, cái gì đẹp. Đâu có tự dưng muốn bao to bao nhỏ, muốn màu gì là màu đấy là được. Nghiên cứu khách hàng ở đâu? Hành trình trải nghiệm khách hàng là thế nào? Thêm một sợi dây chun vào túi bánh để khách ăn chưa hết có thể cột lại, hoá ra lại là cả công trình nghiên cứu của bên Hà Lan, mình chỉ cần học thôi...

Hết lớp, ra về, lặc lè với bao nhiêu là quà bánh, là yêu thương. Vậy mới hiểu, tính bản địa không phải là chuyện dân là thương hiệu ngồi nói suông với nhau, mà còn phải trải nghiệm cái tấm lòng mênh mông của các mẹ, các chị miền sông nước Cửu Long nữa mới thật là bản địa...