Ngày 29/11/2018, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM) ký Thỏa thuận thiết lập Trung tâm hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Theo bản thỏa thuận, trong giai đoạn ủy quyền ban đầu là 3 năm, Trung tâm hợp tác đặt tại Việt Nam là sử dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị trong quản lý tài nguyên nước và môi trường khu vực duyên hải và lưu vực sông.


Tiến sĩ Trần Chí Thành, Viện trưởng VINATOM và Phó Tổng Giám đốc IAEA, ông Aldo Malavasi (ngồi bên phải) và ông David Osborn, Giám đốc NAEL (đứng bên phải), trong khi ký kết thỏa thuận hợp tác với VINATOM. Nguồn: IAEA

Ngoài một số đại diện cấp cao của IAEA và VINATOM, buổi lễ ký kết Thỏa thuận công nhận chính thức VINATOM là Trung tâm Hợp tác mới còn có sự tham dự củaông Lê Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Áo vàThứ trưởng Bộ KH&CNPhạm Công Tạc.

TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng VINATOM đánh giá: "Trung tâm Hợp tác với IAEA chắc chắn sẽ góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng của VINATOM và góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Trung tâm cũng là một công cụ hữu hiệu cho VINATOM và IAEA để thúc đẩy hiệu quả việc áp dụng kỹ thuật hạt nhân trong phát triển và bảo vệ môi trường".

Trung tâm Hợp tác mới sẽ làm việc với hai bộ phận trực thuộc Vụ Khoa học và Ứng dụng hạt nhân của IAEA là Hệ thống phòng thí nghiệm Môi trường của IAEA (NAEL) và Bộ phận Thủy văn Đồng vị (ISH) (là một phần của Trung tâm Vật lý và Hóa học). Các đơn vị này sẽ tập trung thúc đẩy việc sử dụng các kỹ thuật hạt nhân để đánh giá, quan trắc và quản lý tổng thể tài nguyên nước và môi trường ở Việt Nam cũng như quản lý tổng hợp lưu vực sông và vùng ven biển rộng lớn hơn trong khu vực Đông Nam Á. Các lĩnh vực hợp tác bao gồm đánh giá và quan trắc chất lượng không khí, nghiên cứu đất và nông nghiệp, nghiên cứu và phân tích tài nguyên nước, nghiên cứu và phân tích môi trường biển, nghiên cứu biến đổi khí hậu, đào tạo và kiểm soát chất lượng và truyền thông. Trung tâm Hợp tác này sẽ liên kết với các dự án của IAEA liên quan đến việc liên kết nghiên cứu trên cạn, nước ngọt và biển; đo hoạt độ phóng xạ môi trường ở khu vực Đông Nam Á; tiếp cận với lò phản ứng nghiên cứu, cơ sở vật chất và kiến thức chuyên môn; và xây dựng năng lực cho các phòng thí nghiệm phân tích để phục vụ mạng đo hoạt độ phóng xạ môi trường, ALMERA.

Ông David Osborn, Giám đốc NAEL cho biết: “Trong quá khứ, VINATOM đã tham gia thành công vào một số dự án hợp tác nghiên cứu và hợp tác kỹ thuật của IAEA và hiện nay VINATOM có khả năng cung cấp những cơ sở vật chất và đội ngũ chuyên gia tại khu vực Đông Nam Á và trong lĩnh vực quản lý tài nguyên lưu vực sông và ven biển".
Từ trước đến nay, VINATOM đã tham gia chặt chẽ nhiều dự án và các hoạt động của IAEA, cụ thể như một số Dự án nghiên cứu phối hợp (CRPs), Dự án hợp tác kỹ thuật, Hội thảo và các Cuộc họp Ủy ban, nghiên cứu và kỹ thuật. Ngoài ra, vào tháng 5 năm 2018, VINATOM đã trở thành một thành viên của mạng lưới ALMERA, bao gồm 177 phòng thí nghiệm ở 89 nước thành viên. Các phòng thí nghiệm được ALMERA công nhận đều thông qua tuyển chọn dựa trên khả năng xác định các nhân phóng xạ trong các mẫu môi trường một cách tin cậy và kịp thời của các phòng thí nghiệm đó cho việc quan trắc môi trường thường quy và khi có sự cố. Mạng lưới ALMERA được điều phối bởi NAEL dưới sự bảo trợ của Vụ Khoa học và Ứng dụng hạt nhân của IAEA.

Ông Aldo Malavasi, Phó Tổng Giám đốc kiêm Vụ trưởng Vụ Khoa học và Ứng dụng hạt nhân của IAEA cho biết: "IAEA ghi nhận việc hợp tác nghiên cứu tuyệt vời mà VINATOM đã thực hiện từ trước đến nay, và hoan nghênh sự hợp tác mới này giữa các tổ chức. Thỏa thuận hợp tác này sẽ mở rộng mạng lưới tri thức toàn cầu quan trọng, đem đến cho hàng triệu người những lợi ích của việc sử dụng kỹ thuật hạt nhân vì mục đích hòa bình".

Trung tâm Hợp tác IAEA tại Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho nghiên cứu, phát triển và đào tạo, giúp các quốc gia thành viên đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong đó có các mục tiêu về Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc. Với việc gia nhập của Trung tâm Hợp tác IAEA-VINATOM, IAEA hiện có một mạng lưới gồm 33 trung tâm hợp tác đang hoạt động trên toàn cầu.