Các trường đại học danh tiếng lâu đời tạm thời chưa bị các khóa học trực tuyến mở làm cho gián đoạn, nhưng tương lai chưa biết thế nào khi các khóa học trực tuyến sẽ tốt lên rất nhiều.

Công nghệ đang làm biến đổi cách học của sinh viên, và dù các trường đại học hàng đầu thế giới như Harvard có thể ít bị “tổn thương”, thì “đột phá số thức” (digital disruption) tất yếu đang diễn ra khiến các trường đại học “xuống dốc” – đó là ý kiến của Michael Horn, đồng sáng lập Viện Clayton Christensen, tại hội nghị quốc tế “Khai sáng: Sáng tạo lại giáo dục trong thế giới số” diễn ra ở Madrid, Tây Ban Nha, hồi đầu tháng trước với sự tham dự của khoảng 1.000 nhà giáo dục đến từ khắp mọi nơi trên thế giới.

Horn cho rằng, thuật ngữ “đổi mới phá lệ” (disruptive innovation – còn được dịch là “siêu đổi mới”) thường bị sử dụng sai, đặc biệt bởi những người giàu có và hiểu biết.

Ông lấy ví dụ trong ngành công nghiệp máy tính và xe hơi, khi sự [đổi mới] phá lệ xuất hiện, những người quyền lực nhất trong ngành quan sát và nói “Sao tôi lại cần nó?”. Song sự phá lệ đó thường nhanh chóng lan ra khiến mọi thứ trở nên tiện lợi và có giá cả phải chăng “để ban phát cho những người trước kia từng không thể tiếp cận”. Khi chất lượng tốt lên và giá thành giảm mạnh, những người quyền lực trong ngành mới vội vã lao ra để nắm lấy sự “phá lệ” đó.

Trong bối cảnh các trường đại học như Harvard, nhờ danh tiếng và sự giàu có của mình, có thể không bị các “đại học bên lề” làm cho “gián đoạn” thì việc học trực tuyến cũng đang thay đổi căn bản cách học của sinh viên. Hơn 25% học viên thạc sĩ hiện nay học trực tuyến hoàn toàn, và kết quả là “các trường đại học đang lao dốc”, Horn nói.

Nhóm sinh viên trong một khu lưu trú ở San Francisco của Đại học Minerva.
Nguồn: minerva.kgi.edu

Mỗi người có một tốc độ học và việc học trực tuyến hứa hẹn đáp ứng các nhu cầu học tập cá nhân hóa. “Nền giáo dục của chúng ta được chủ ý thiết lập theo mô hình công xưởng để chuẩn hoá việc giảng dạy và kiểm tra,” Horn nói, và điều đó có nghĩa “sự học của sinh viên bị hổng chi chít như phô mai Thuỵ Sĩ”.

Horn cho biết Viện Clayton Christensen thường xuyên “kiểm tra và đánh giá” các khóa đào tạo trực tuyến của mình. Ông nêu ví dụ về một sinh viên lớp toán từng đứng thứ tư từ dưới lên đã tiến bộ thành thứ tư từ trên xuống nhờ xác định được các “lỗ hổng” kiến thức đã trì níu thành tích của mình.

Sinh viên học theo các cách khác nhau và có những nhu cầu khác nhau. “Khoảng thời gian [của sinh viên] tùy biến nhưng việc học lại bị cố định; sinh viên nhận phản hồi [của giáo viên] theo thời gian thực và chỉ được tiến lên bậc tiếp theo sau khi đã vượt qua một bậc.”

Sáng tạo ở Viện Clayton Christensen của Horn là thuê các “chuyên gia đánh giá” làm những việc chẳng hạn như theo dõi mức độ làm bài thành thục của sinh viên; và một nhóm khác có nhiệm vụ thiết kế lại chương trình học khi cần thiết.

“Trên thực tế, hầu hết các trường đại học đều đưa ra các khóa học trực tuyến song họ không ‘phá lệ’ gì cả; họ chỉ dùng nó để duy trì những gì họ vẫn làm. Họ tiếp tục với mô hình giảng đường mà không tận dụng ưu thế công nghệ để khiến giáo dục rẻ hơn.”

Phát biểu của Horn đã dẫn đến câu hỏi của Diego del Alcázar, Hiệu phó trường kinh doanh IE, dành cho Sanjay Sarma, Phó chủ tịch về học tập mở tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT): Liệu ông có vui vẻ nếu đứa con gái 16 tuổi của mình muốn theo một khóa học trực tuyến thay vì tới trường đại học?

“Tôi muốn con mình tới trường đại học vì những cuộc trò chuyện với bạn học ở quán cà phê, vì khía cạnh xã hội, đại loại như vậy,” ông đáp, “nhưng tôi nghĩ các khóa học trực tuyến trong tương lai sẽ tốt hơn nhiều”.

Một hình thức giáo dục trực tuyến được nhắc đến: mô hình (đại học) Minerva mà ở đó sinh viên du lịch vòng quanh thế giới, tương tác với sinh viên các nước để nạp trải nghiệm đa văn hóa, song tất cả việc học tập của họ đều được thực hiện qua internet.

“Học phí mỗi năm khoảng 10.000 USD, đỡ tốn kém hơn… nhưng trải nghiệm rất phi thường và nhiều người có thể tiếp cận,” Horn nói.

Những ưu điểm của mô hình edX – nơi mọi khóa học đều miễn phí, người học chỉ phải trả tiền (từ 50 – 90 USD) nếu muốn nhận chứng chỉ, cũng được đề cập. Nhưng thú vị hơn nhiều là tranh luận về các chuẩn mực của mô hình MicroMasters do MIT khởi xướng. “Trong kỳ học đầu tiên, ai cũng có thể tham gia những những khóa học đại chúng mở trực tuyến [MOOCs - massive open online courses] của chúng tôi nếu họ muốn,” Sarma cho biết, “nhưng sau đó chúng tôi tổ chức một kỳ thi khắt khe để chỉ những người vượt qua mới được mời vào các khóa MicroMasters”.

MIT công nhận kết quả của người học bằng các tín chỉ, và hiện có khoảng nửa triệu sinh viên đăng ký vào các khóa MicroMasters của họ. “Chúng tôi hiện có 25 khóa học MicroMasters trên khắp 4 châu lục,” Sarma cho biết.

“Tôi hoàn toàn bị thuyết phục bởi mô hình của MIT,” Horn kết luận, “Tôi sẽ vui vẻ trả tiền nếu các con tôi theo khóa học kiểu đó.”


edX vận hành thế nào?

Khi ra mắt vào năm 2012, edX đã được MIT và Harvard đầu tư một khoản ban đầu 30 triệu USD. Hai năm sau, phần lớn doanh thu của tổ chức phi lợi nhuận này đến từ các trường đại học ký hợp tác với nó để tạo thêm các khóa mới.


Có hai kiểu đối tác với edX:

- Tự phục vụ: Các trường đại học có thể dùng nền tảng nguồn mở của edX để tạo ra các khóa edX của riêng mình. edX được giữ 50.000 USD đầu tiên từ doanh thu của mỗi khóa học mới, cộng thêm 50% của phần doanh thu vượt qua ngưỡng 50.000 USD.

- Hỗ trợ từ edX: Với khoản phí 250.000 USD, edX giúp các trường tạo ra 1 khóa học, và nhà trường được giữ 70% tổng doanh thu khi khóa học đó được đưa lên website của edX. edX thu thêm 50.000 USD mỗi khi khóa học được lặp lại.

edX đã thử ý tưởng phối hợp với các trường đại học để tạo ra lớp học hỗn hợp (blended classes) – theo đó các clip trực tuyến và bài tập về nhà được bổ sung bằng các buổi thảo luận tại giảng đường. Trong một chương trình thử nghiệm, Đại học Bang San Jose (SJSU) đã kết hợp một khóa đào tạo về điện - điện tử trên edX do MIT thiết kế với những giờ học trên giảng đường của họ. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp khóa học này đã tăng lên 91%, so với 55% trước đó.

MicroMasters cũng là một chương trình học trực tuyến trên trang edX.org. MicroMasters cấp chứng chỉ cho người học từ bất cứ nơi nào trên thế giới. Người học sau khi vượt qua khóa học MITx trên edX.org, cùng một vài kỳ thi có giám thị sẽ được cấp chứng chỉ MicroMasters từ MITx, và sau đó có thể nộp đơn học thạc sĩ tại MIT hoặc các trường đại học hàng đầu khác.

Một hướng nữa của edX là đào tạo cho các doanh nghiệp. Năm 2014, edX đưa ra một khóa học thử nghiệm về dữ liệu lớn dành cho 3.500 nhân viên IT của 2.000 tổ chức và thu được gần 1,75 triệu USD.

Bên cạnh đó, edX còn đưa ra 29 khóa dành cho học sinh trung học phổ thông như các khóa Advance Placement (tương ứng với nội dung đào tạo năm đầu của đại học, cho phép học sinh có cơ hội lấy được tín chỉ đại học ngay từ khi còn ở bậc phổ thông) ở môn sinh học, khoa học máy tính, ngữ văn và sáng tác; và các lớp nhập môn về khoa học máy tính và tâm lý.


Đại học Minerva: Học trên mạng trong khi trải nghiệm thực tế

Ben Nelson, người sáng lập Đại học Minerva vào năm 2014, cho biết, ý tưởng thành lập trường xuất phát từ chỗ, khi học đại học, ông đã phải trả tiền để học những thứ như cách dùng Exel. Theo Ben, ở các trường truyền thống, sinh viên sống khá tách biệt và phải trả nhiều tiền cho các dịch vụ có sẵn và tốt hơn ở bên ngoài như thư viện, sân bóng…

Đại học Minerva không có giảng đường vì tất cả các lớp học đều được tiến hành trên mạng nhưng lại có 6 khu lưu trú dành cho sinh viên ở San Francisco, Berlin, Buenos Aires, Seoul, Hyderabad, và London. Sinh viên có thể chọn đến sống ở những khu lưu trú khác nhau với chi phí chỉ tương đương ký túc xá đại học để có trải nghiệm phong phú cùng các bạn học đến từ nhiều nơi trên thế giới.

Bên cạnh đó, thay vì các khóa học đại chúng mở trực tuyến, Minerva bảo đảm quy mô mỗi lớp không quá 19 sinh viên để giữ chất lượng. Học phí của Minerva chỉ khoảng 10.000 USD/năm, thay vì 60.000 USD/năm như nhiều trường khác.