Kể từ năm 1945 đến nay, con người đã tiến hành hơn 2.051 vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân trên thế giới với sức công phá khủng khiếp.

Ngày 25/8 và 19/9 năm 1962, Liên Xô tiến hành hai vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân số 158 và số 168 tại quần đảo Novaya Zemlya gần Bắc Băng Dương, phía bắc nước Nga, theo Science Alert.Đến nay không có thước phim hay hình ảnh về hai vụ thử nghiệm này được công bố, nhưng cả hai đều sử dụng bom nguyên tử có sức công phá 10 megaton, tương đương với sức mạnh của 10 triệu tấn thuốc nổ TNT. Các vụ nổ làm phá hủy mọi thứ trong khu vực rộng 4,6 km2 tính từ điểm phát nổ và gây ra bỏng độ 3 trong khu vực có diện tích 2.800 km2. Ảnh: Alex Wellerstein.

Ngày 1/11/1952, Mỹ thử nghiệm quả bom hydro đầu tiên trên thế giới Ivy Mike tại khu vực quần đảo Marshall trên Thái Bình Dương. Ivy Mike có sức công phá 10,4 megaton. Vụ nổ bom Ivy Mike lớn đến mức phá hủy hoàn toàn đảo Elugelab, nơi nó phát nổ, và để lại một hố sâu 50 m. Đám mây hình nấm của vụ nổ cao 48 km. Ảnh: CTBTO.

Năm 1954, Castle Romeo là vụ thử nghiệm quả bom nguyên tử của Mỹ với sức công phá 11 megaton trên đảo san hô Bikini, Thái Bình Dương. Vụ nổ làm thiêu cháy mọi thứ trong khu vực rộng hơn 3 km2. Ảnh: Bộ Năng lượng Mỹ.

Ngày 23/10/1961, Liên Xô tiến hành vụ thử hạt nhân số 123 tại quần đảo Novaya Zemlya. Cuộc thử nghiệm này sử dụng một quả bom có sức công phá 12,5 megaton. Nó có thể hủy diệt mọi thứ trong khu vực rộng 5,5 km2 và gây bỏng độ 3 trong khu vực rộng gần 3.400 km2. Cho đến nay, không có đoạn băng tư liệu hay ảnh chụp về cuộc thử nghiệm được công bố. Ảnh: Alex Wellerstein.

Ngày 4/5/1954, Mỹ thử nghiệm quả bom nguyên tử Castle Yankee với sức công phá 13,5 megaton trên đảo Bikini. Bụi phóng xạ của vụ nổ lan đến tận Mexico City, cách nơi thử nghiệm hơn 11.400 km trong vòng 4 ngày sau đó. Ảnh: Broubies. Vụ thử nghiệm bom Castle Bravo vào ngày 28/2/1954 là vụ nổ hạt nhân lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ban đầu, Bravo Castle ước tính chỉ có sức công phá 6 megaton, nhưng cuối cùng sức mạnh của nó lên đến 15 megaton. Đám mây hình nấm do bom tạo ra cao gần 35 km. Sai lầm trong việc tính toán vụ nổ đã khiến 665 người dân sống trên quần đảo Marshall bị nhiễm phóng xạ. Ảnh: Bộ Năng lượng Mỹ.Từ ngày 5/8 đến 27/9 năm 1962, Liên Xô đã tiến hành một loạt vụ thử hạt nhân trên quần đảo Novaya Zemlya. Cuộc thử nghiệm số 173, số 174 và số 147 lần lượt trở thành những vụ nổ hạt nhân mạnh thứ 5, thứ 4 và thứ 3 trong lịch sử. Cả ba quả bom có sức công phá khoảng 20 megaton. Ảnh: Alex Wellerstein.

Ngày 24/12/1962, Liên Xô tiến hành vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân số 219 trên quần đảo Novaya Zemlya. Quả bom có sức công phá bằng 24,2 megaton. Vụ nổ làm phá hủy mọi thứ trong khu vực rộng hơn 9 km2 và gây bỏng cấp độ ba trong khu vực có diện tích 5.800 km2. Ảnh: Alex Wellerstein.

Ngày 30/10/1961, Liên Xô cho nổ quả bom Tsar Bomba có sức công phá khoảng 50 đến 58 megaton. Đây là vũ khí hạt nhân lớn nhất từng được thử nghiệm, gây ra vụ nổ nhân tạo lớn nhất trong lịch sử. Vụ nổ này có sức công phá gấp 3.000 lần quả bom Mỹ từng thả xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản. Luồng sáng của vụ nổ có thể nhìn thấy từ cách đó 1.000 km. Ảnh: Serasvictorias.

Gadget, quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới, được tạo ra từ dự án Manhattan của Mỹ, theo Business Insider. Một cột tháp bằng thép cao 30 m được xây dựng để cho nổ thử nghiệm quả bom Gadget tại sa mạc gần Alamogordo, New Mexico, Mỹ. Gadget phát nổ vào buổi sáng ngày 6/7/1945. Vụ nổ phá hủy hoàn toàn cột tháp, tạo thành đám mây hình nấm khổng lồ cao khoảng 12 km. Ảnh: NukeMap.