Cần nhận thức những sai sót có thể xảy ra của Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế PISA và các bài đánh giá học sinh quốc tế quy mô lớn khác, trước khi đưa ra bất kỳ kết luận nào dựa trên những phát hiện trong các bài đánh giá này.

Từ khi ra mắt năm 2000, PISA đã có một tác động to lớn đối với các cuộc cải cách giáo dục trên toàn cầu cũng như các chính sách giáo dục quốc gia ở các nước tham gia. PISA đã trở thành một căn cứ quan trọng cho phát triển giáo dục ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ và đang thu hút sự chú ý ở phần còn lại của thế giới… Đối với hầu hết trong số hơn 70 hệ thống giáo dục hay địa phương tham gia, PISA là một nguồn quan trọng cho việc phát triển chính sách giáo dục.

Phần Lan chưa bao giờ đặt ra mục tiêu chiến lược giáo dục nào bằng cách sử dụng các thước đo học tập toàn cầu hay mong muốn cải thiện điểm PISA ngay cả khi vị trí của nước này tụt hạng trong các so sánh PISA. Trong ảnh: Giờ học nghiên cứu xã hội tại trường công lập song ngữ Pháp - Phần Lan ở Helsinki. Nguồn: CNN

Có lẽ điều ngạc nhiên là các nhà giáo dục Phần Lan không hào hứng với PISA của OECD như người nước ngoài dự kiến. Nhiều giáo viên và hiệu trưởng trường học của Phần Lan cho rằng PISA chỉ đo lường một phần hạn hẹp trong bức tranh tổng về việc học tập ở trường và không nói lên điều gì về cách trẻ em học những kỹ năng phi học thuật mà thường là những dấu hiệu dự báo tốt hơn về thành công trong cuộc sống và việc học lên cao hơn so với những gì có trong PISA.

Cũng có một số người Phần Lan thấy rằng PISA đang thúc đẩy việc truyền tải các chính sách giáo dục và “các phương pháp tốt nhất” không thể chuyển giao từ nơi này sang nơi khác. Họ nhận định điều này sẽ dẫn tới một quan điểm thiển cận về sự thay đổi và cải thiện giáo dục. Giống như trong thể thao, quá chú trọng vào so tài (tranh đua) quốc tế có thể dẫn tới những hành động phi đạo đức nhất thời nhắm tới việc nâng cao thành tích để vươn lên về thứ hạng trên bảng tổng sắp. Một hệ thống trường học và kết quả giáo dục cao không chỉ đơn thuần là điểm số học tập.

Một số giáo viên ở Phần Lan e ngại rằng phong trào hiện tại đang đánh giá chất lượng các hệ thống giáo dục bằng cách chỉ sử dụng các đơn vị đo lường học thuật, cuối cùng sẽ dẫn tới việc thu hẹp chương trình giáo dục và việc thống trị của các môn được lấy làm căn cứ đánh giá trong khi sẽ mất đi những môn như nghiên cứu xã hội, nghệ thuật, thể thao, âm nhạc và sự phát triển toàn diện của trẻ.

Cuộc tranh luận ngày càng nóng lên

Thực vậy, đã có một cuộc tranh luận ngày càng nóng lên về việc những bài kiểm tra quốc tế này thực sự đo lường điều gì, và liệu chỉ riêng PISA không thôi có đánh giá được chất lượng của các hệ thống giáo dục hay không…

Tác giả Pasi Sahlberg - một trong những nhà giáo dục hàng đầu của Phần Lan. Ảnh: pasisahlberg.com

Nhiều nhà bình luận về PISA, hầu hết là các học giả được quốc tế công nhận, đã quả quyết rằng các chính trị gia và công chúng nói chung (bao gồm cả giới truyền thông) phải hiểu rõ hơn những gì PISA có thể và không thể làm. Một trong số họ là David Spieghalter (2013) của Đại học Cambridge, người đã viết trên tờ Guardian rằng: “Nếu PISA đo được điều gì, thì đó là khả năng làm các bài kiểm tra PISA. Việc điều chỉnh chính sách dựa trên chỉ một chỉ số kết quả duy nhất có thể là một điều nguy hại. Chúng ta cần nhìn vào bức tranh tổng thể”.

Giáo sư Yong Zhao của Đại học Kansas lập luận rằng các hệ thống [giáo dục] Đông Á có thể vui với việc đứng đầu trong các bài kiểm tra PISA song họ không hài lòng chút nào với kết quả của nền giáo dục nước nhà. “Họ đã nhận ra”, Zhao viết trên trang cá nhân của mình, “những tổn hại của nền giáo dục của họ về lâu dài và đã hành động để cải cách hệ thống của mình”. Trong cuốn Who’s Afraid of the Big Bad Dragon? (Ai sợ con rồng xấu xí to bự) của mình, Zhao (2014) chốt lại một tóm tắt toàn diện về những chỉ trích mới nhất chĩa vào PISA, và kết luận rằng cốt lõi của giáo dục Trung Quốc, bao gồm cả điểm số PISA cao của Thượng Hải, là ba điều cơ bản: “Kỳ vọng cao của các gia đình Trung Quốc, chăm chỉ cần cù, và hệ thống thi cử” (2014, tr. 187)…

Đầu tiên, chúng tôi lập luận rằng PISA cố gắng dự đoán chất lượng của lực lượng lao động cùng kiến thức và những kỹ năng cần thiết trong các nền kinh tế tương lai từ điểm kiểm tra của học sinh 15 tuổi ở trường. Vấn đề là phải dự đoán một thứ bấp bênh và phức tạp như năng lực cạnh tranh kinh tế và hiệu quả kinh tế của một quốc gia theo thời gian. Đại dịch toàn cầu năm 2020 là một ví dụ hay cho thấy nhiều dự đoán trong số này có thể sụp đổ nhanh chóng và bất ngờ như thế nào. Một quan điểm khác sử dụng dữ liệu từ PISA và từ các chỉ số cạnh tranh kinh tế toàn cầu cho rằng chỉ có một mối quan hệ tích cực yếu ớt giữa hiệu quả kinh tế quốc gia và thành tích của học sinh trên bình diện quốc tế.

Thứ hai, chúng tôi lập luận rằng điểm số trong các bài đánh giá PISA không phải trách nhiệm của trường mà học sinh theo học, mà phụ thuộc nhiều hơn vào các điều kiện xã hội của trường học và cộng đồng mà học sinh thuộc về. Tức là kết quả PISA có mối liên hệ chặt chẽ hơn với các điều kiện xã hội và hoàn cảnh kinh tế có ảnh hưởng đến trẻ em hơn là liên hệ với hệ thống giáo dục của quốc gia hoặc các trường học.

Thứ ba, PISA đã thúc đẩy sự chuyển đổi sang “kiến thức cơ bản” trong chương trình ở trường, tức là ưu tiên cho môn đọc hiểu, toán học và khoa học trước các môn học hay chủ đề khác trong việc dạy và học. Chúng tôi cho rằng có nhiều điều quan trọng khác mà trẻ em cần phải học để được “giáo dục tốt” và thành công trong cuộc sống. Thật không may là chẳng hạn như tại Mỹ, các môn giáo dục công dân, nghệ thuật, âm nhạc, và hoạt động thể chất đã thành nạn nhân của những chuyển đổi về chương trình này tại trường học, là do các chính sách trách nhiệm giải trình mù quáng và niềm tin vào bài thi kiểu đỗ-trượt đã được tiêu chuẩn hóa hơn là các bài đánh giá quốc tế.

Những lời nhắc nhở đáng tin cậy

PISA đã ảnh hưởng đến các hệ thống giáo dục tại quốc gia khác theo những cách tương tự (Fischman và cộng sự, 2019). Xét tới mọi khía cạnh, điều quan trọng là phải nhận thức được những sai sót này cùng những sai sót khác có thể xảy ra của PISA và các bài đánh giá học sinh quốc tế quy mô lớn khác, trước khi đưa ra bất kỳ kết luận nào dựa trên những phát hiện trong các bài đánh giá này. Ví dụ, việc phân tích kỹ hơn dữ liệu từ PISA 2018 (OECD, 2019a) cho thấy hai phần ba học sinh ở các nước OECD đã không nỗ lực hết mình trong các bài kiểm tra PISA... Con số này lần lượt là 63% ở Hoa Kỳ, 70% ở Phần Lan, 73% ở Úc, và 79% ở Canada. Tỉ lệ học sinh đã không hẳn làm hết sức ở bài kiểm tra PISA cao như vậy có khả năng ảnh hưởng rất lớn đến giá trị của các so sánh quốc tế về việc học của học sinh trong môn đọc hiểu, toán học và khoa học. Quả thật, có thể tình trạng học sinh thiếu động lực để cố gắng hết mình trong các bài kiểm tra PISA giải thích nhiều hơn về kết quả đo lường tổng thể của quốc gia so với những gì nhiều người trong chúng ta nghĩ.

Một quan niệm sai lầm phổ biến và khá nghiêm trọng khác về sức mạnh của PISA là mối liên hệ tích cực giữa điểm kiểm tra PISA được cải thiện và sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia. Lý lẽ đằng sau niềm tin này là các kỹ năng của học sinh được PISA đo lường đã dự đoán và giúp cải thiện kỹ năng của lực lượng lao động trong tương lai, từ đó góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Trong báo cáo của OECD (2010) “The High Cost of Low Educational Performance – The Long-Run Impact of Improving PISA Outcomes” (Chi phí cao của kết quả giáo dục thấp – Tác động lâu dài của việc cải thiện kết quả PISA) vào năm 2010, tổ chức này tuyên bố rằng một chương trình nghị sự cải cách giáo dục có mục tiêu hướng tới việc tăng điểm số PISA thêm 25 điểm sẽ làm tăng thêm 30% vào GDP quốc gia vào cuối thế kỷ này. Tuy rằng những lập luận lạc quan về cách vốn tri thức có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế này đã được một số nghiên cứu chỉ ra là sai (Komatsu & Rappleye, 2017, 2020; Ramirez và cộng sự, 2006), nhưng các lập luận tương tự dường như thắng thế hết lần này đến lần khác cũng trong các chiến lược của Ngân hàng Thế giới, Liên minh châu Âu, và một số tổ chức nghiên cứu tư tưởng tân tự do. Năm 2019, Ủy ban châu Âu đã thuê Eric Hanushek từ Viện Hoover (Đại học Stanford) và Ludger Woessmann từ Trung tâm Kinh tế Giáo dục (Đại học Munich) để tư vấn cho các nước châu Âu về việc cải cách hệ thống giáo dục trong tương lai. Báo cáo có tiêu đề “The Economic Benefits of Improving Educational Achievement in the European Union: An Update and Extension” (Lợi ích kinh tế của việc cải thiện thành tích giáo dục trong Liên minh châu Âu: Cập nhật và mở rộng) lặp lại cùng tuyên bố mà OECD đưa ra trong báo cáo năm 2010 nêu trên: Bằng cách cải thiện điểm số PISA, các nước thành viên có thể mong đợi những lợi ích đáng kể trong nền kinh tế quốc gia của họ. Những lời hứa hẹn này không chỉ dựa trên phân tích kinh tế đầy sai sót và có thể là các thước đo không chính xác về kỹ năng của học sinh, mà chúng còn có thể gây nguy hại cho những chính phủ coi trọng chúng. Ví dụ, các thủ tướng của Úc và Đan Mạch, do bị những lời hứa hão huyền này khuyến khích, đã tiếp tục đặt ra các mục tiêu giáo dục quốc gia bằng cách kỳ vọng quốc gia của mình sẽ nằm ở top năm trong PISA vào đầu thập niên 2020. Sam Sellar cùng các đồng nghiệp cũng cảnh báo các nhà lãnh đạo hệ thống giáo dục để không rơi vào bẫy chạy đua giáo dục toàn cầu. Có những hệ thống giáo dục thành công ở châu Âu, như các nước Bắc Âu, có các giá trị giáo dục khác nhau và những nước này xác định mục đích của giáo dục sư phạm rộng hơn so với những người ủng hộ nguồn lực con người và một số tổ chức liên chính phủ nêu trên. Komatsu và Rappleye (2020), những người chỉ trích OECD và Ngân hàng Thế giới về việc xây dựng tư vấn cho các chính phủ dựa theo lý lẽ còn nhiều yếu điểm, tỏ ra ngạc nhiên khi Ủy ban châu Âu đã quay sang thuê Hanushek và Woessmann, trả cho họ khoản phí tư vấn khổng lồ để viết các khuyến nghị chính sách cho châu Âu. Họ thắc mắc: “Tại sao Ban Giáo dục, Thanh niên, Thể thao và Văn hóa của Liên minh châu Âu lại cần phải quay sang các tổ chức tư vấn của Mỹ để họ đưa ra các ý tưởng chính sách mới?” Thực vậy, có nhiều lựa chọn thay thế và giải pháp dựa trên nghiên cứu thú vị hơn nhiều ở khắp châu Âu so với các mô hình kinh tế nhập khẩu từ một lục địa xa lạ vốn được chứng minh là kém phù hợp với các bối cảnh xã hội, kinh tế và văn hóa khác nhau của châu Âu.

Ngoài ra hiện đang có mối quan tâm ngày càng tăng đến việc điều tra lợi ích chi phí của PISA và các bài đánh giá học sinh quy mô lớn khác. Đáng ngạc nhiên là ít ai biết về số tiền mà các chính phủ thực sự phải chi trả để tham gia PISA của OECD. Trong bài báo “Pay to Play: What Does PISA Participation Cost in the US?” (Trả tiền để chơi: Chi phí tham gia PISA ở Mỹ là bao nhiêu?), Laura Engel và David Rutkowski (2020) cho thấy mức phí mà chính phủ Mỹ phải trả hằng năm cho OECD để tham dự PISA là tầm một triệu đô-la Mỹ. Sau đó, để thực hiện PISA nước này bỏ ra khoảng bảy triệu đô-la Mỹ dòng chi phí trong ngân sách liên bang. Có lẽ phát hiện khó hiểu nhất mà Engel và Rutkowski (2019) đưa ra trong cuộc điều tra của họ là tại Mỹ, các trường học và học sinh được trả tiền để tham gia bài kiểm tra PISA.

Hơn nữa, họ phát hiện ra rằng ngay cả khi được cho tiền, nhiều trường học vẫn không quan tâm đến việc thi cử của học sinh hơn mức đã làm. Engel và Rutkowski cho biết nhiều trường học đã từ chối lời đề nghị này ngay cả khi mức phí trả cho học sinh và trường học tăng gấp đôi hoặc gấp ba. Họ kết luận: “Đây là một mối đe dọa lớn đối với tính xác đáng của việc so sánh kết quả giữa các quốc gia trả tiền cho học sinh của họ và các quốc gia không làm vậy.” Ở một nước OECD khác, học sinh được phục vụ bánh pizza và coca tại trường sau khi hoàn thành thành công bài kiểm tra PISA 90 phút. Khi phần thưởng này không được tiếp tục sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các học sinh đã nhanh chóng trả lời: “Không có pizza, không thi PISA.” Và quả thực, điểm PISA của nước này nhanh chóng lao dốc.

Những nhận định này là lời nhắc nhở đáng tin cậy rằng PISA là một phương tiện chứ không phải mục đích. Dù cho nó là công cụ đánh giá quốc tế tốt nhất để so sánh các hệ thống trường học trong thời điểm hiện tại, nhưng nó lại đo lường những gì tốt nhất của quá khứ. Đại dịch COVID-19 toàn cầu vào năm 2020 đã đặt ra những câu hỏi mới về các loại năng lực mà thanh thiếu niên cần trong tương lai gần khi các xã hội và nền kinh tế sau khi thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng đó đã bị thay đổi và tê liệt về tài chính. Hơn nữa, có nhiều người e ngại rằng PISA, giống nhiều chỉ số xã hội khác, là chỉ số để chứng minh cho Định luật Campbell. Định luật Campbell nói rằng “với bất cứ chỉ số xã hội mang tính định lượng nào, nếu nó càng được sử dụng cho quá trình ra quyết định xã hội, thì nó sẽ càng phải gánh chịu nhiều áp lực tham nhũng và sẽ càng có xu hướng bóp méo và làm băng hoại các quá trình xã hội mà nó được thiết kế ra để giám sát” (Campbell, 1976, tr. 49). Phân tích của chính OECD cho thấy PISA đã trở thành một chỉ số xã hội ngày càng có độ rủi ro cao như thế nào đối với các chính sách quốc gia và việc thực thi các chính sách đó ở một vài nước (Breakspear, 2012).

Bài học từ kinh nghiệm của Phần Lan

Nhiều người Phần Lan, trong đó có tôi, muốn thấy các bài đánh giá sinh viên quốc tế này bớt đi tính cạnh tranh và các nhà hoạch định chính sách quốc gia hiểu rõ hơn những bài kiểm tra này là về gì. Tôi đưa ra những bài học sau đây từ kinh nghiệm của Phần Lan:

• Không thể xác định chất lượng của hệ thống giáo dục hay trường học của nó bằng điểm thi chuẩn quốc tế. Ngay từ đầu, các học giả, nhà chức trách và các nhà chuyên môn Phần Lan đã khẳng định rằng thành công của một hệ thống giáo dục phải bao gồm nhiều chỉ số khác ngoài điểm kiểm tra trong một số môn học. Ví dụ, mục đích của việc giáo dục ở trường học tại Phần Lan được xác định bởi sự phát triển xã hội, văn hóa và cá nhân, chứ không chỉ bởi các lý do kinh tế hay các lý do quan trọng khác.

• Không nên thúc đẩy các chính sách và cải cách giáo dục quốc gia bằng các bài đánh giá học sinh quốc tế và sự chi phối của các tổ chức liên chính phủ. Phần Lan và các hệ thống giáo dục có kết quả cao khác trước hết và tiên quyết dựa vào dữ liệu và nghiên cứu của chính họ để xác định các hướng phát triển giáo dục. PISA và dữ liệu quốc tế khác được dùng để xác minh giá trị của các hướng đi này.

• Không thể đặt ra mục tiêu quốc gia về giáo dục bằng cách nhắm vào một số vị trí nhất định trên bảng xếp hạng PISA hay tăng điểm trong bài kiểm tra PISA. Phần Lan chưa bao giờ đặt ra bất kỳ mục tiêu chiến lược giáo dục nào bằng cách sử dụng các thước đo học tập toàn cầu hay mong muốn cải thiện điểm PISA ngay cả khi vị trí của nước này tụt hạng trong các so sánh PISA. Các nhà giáo dục Phần Lan hiểu rằng việc tăng hạng hay xuống hạng trong các phép đo chuẩn hóa như PISA có thể xảy ra vì một loạt các lý do – nhiều cái trong số đó liên quan rất ít đến chất lượng dạy và học thực tế.

Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế PISA (Programme for International Student Assessment) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD đề xuất, nhằm đánh giá khả năng của học sinh 15 tuổi của các nước và vùng lãnh thổ trong và ngoài OECD, về Toán, Khoa học và Đọc hiểu. Chương trình được thực hiện từ 3 năm một lần, kể từ năm 2000.

(Lược trích từ “Bài học Phần Lan 3.0” do Đặng Việt Vinh và Phương Anh dịch, Phạm Văn Lam hiệu đính)

* Các tiêu đề phụ do KH&PT đặt