Vẫn còn nhiều câu hỏi xung quanh tốc độ lây lan của biến thể B.1.617, khả năng né tránh khả năng miễn dịch của biến thể này và cách chúng có thể ảnh hưởng đến diễn biến của đại dịch.
Kể từ khi được ghi nhận lần đầu tiên ở Ấn Độ vào cuối năm ngoái,
B.1.617 - một biến thể của SARS-CoV-2, đã lây lan sang hàng chục quốc gia khác - trong đó có Mỹ, Singapore và Vương quốc Anh. Các nhà nghiên cứu cũng đã xác định được ba kiểu phụ của biến thể này - gồm B.1.617.1 (B.1.617 "nguyên bản"), B.1.617.2 và B.1.617.3 - mỗi kiểu có cấu tạo gen hơi khác nhau.
Một con phố ở Bolton, Vương quốc Anh, nơi đã xác định được các trường hợp nhiễm Covid-19 do biến thể B.1.617.2 gây ra.
Lây nhiễm nhanh hơn
Julian Tang, nhà virus học tư vấn tại Bệnh viện Hoàng gia Leicester, Vương quốc Anh, cho biết, ông đang nghiên cứu riêng từng đột biến bởi chúng có thể mang lại khả năng lây truyền khác nhau cho mỗi biến thế. Ví dụ, biến thể B.1.617.2 có các đột biến được gọi là 452R và 478K mà theo Tang, cả hai đều làm thay đổi protein gai mà virus sử dụng để xâm nhập vào tế bào người và tăng khả năng lây truyền.
Các nhà nghiên cứu cũng có thể nhanh chóng theo dõi sự lây lan của B.1.617.2 vì bộ gen của nó chứa một chỉ thị di truyềnmà biến thể B.1.1.7 không có, được gọi là "mục tiêu gen S" - có thể quan sát trong kết quả xét nghiệm PCR. Các nhà nghiên cứu có thể sử dụng số lần xuất hiện "mục tiêu gen S" để nhanh chóng lập bản đồ những nơi B.1.617.2 đã lây lan, mà không cần giải trình tự đầy đủ các mẫu.
Tom Wenseleers, nhà sinh vật học tại Đại học Công giáo Leuven, Bỉ, đang theo dõi các số liệu về Covid, cho biết: “Chúng tôi dự đoán, 50% số ca nhiễm hiện nay trên toàn nước Anh, là do biến thể B.1.617.2." Một phân tích về dữ liệu giải trình tự của Vương quốc Anh mới đây cũng cho thấy số ca nhiễm B.1.617.2 có thể tăng nhanh hơn 13% so với số ca nhiễm B.1.1.7 mỗi ngày.
Còn trong một báo cáo công bố vào ngày 12/5, Nhóm khoa học về mô hình đại dịch cúm cho biết, “khả năng thực tế” là B.1.617.2 lây truyền cao hơn 50% so với B.1.1.7, dựa trên dữ liệu có sẵn. Sharon Peacock, nhà vi sinh vật học tại Đại học Cambridge, Vương quốc Anh, nhận định, dự đoán này hoàn toàn hợp lý.
Né tránh miễn dịch
Một câu hỏi khác mà các nhà nghiên cứu muốn giải đáp là liệu vaccine có còn hiệu quả chống lại biến thể B.1.617 hay không. Nếu bất kỳ chủng nào thuộc biến thể này có thể né tránh miễn dịch được tạo ra do tiêm chủng hoặc do tiếp xúc với virus trước đó thì B.1.617 có thể kích hoạt các đợt lây nhiễm mới và khiến cho các kế hoạch chống dịch thất bại.
Về lý thuyết, sự lây lan nhanh chóng của B.1.617.2 ở Vương quốc Anh - nơi hơn 50% dân số đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19 - tiết lộ phần nào khả năng né tránh vaccine. Nhưng Wenseleers nói rằng có rất ít bằng chứng cho thấy các ca bệnh tăng là do virus né tránh vaccine. Theo dữ liệu sơ bộ từ Bolton, một điểm nóng ở Tây Bắc nước Anh, từ giữa tháng 5, hầu hết những người ở đó phải nhập viện vì Covid-19 do B.1.617.2 gây ra đều chưa được tiêm phòng. Khoảng 5 trong số 18 người nhập viện có kết quả xét nghiệm dương tính với biến thể này mới nhận được một liều vaccine, và chỉ một người đã được tiêm đủ hai liều.
Dữ liệu riêng biệt do Wenseleers phân tích chỉ ra, các ca nhiễm B.1.617.2 ở tây bắc nước Anh ban đầu tập trung ở thanh thiếu niên, nhóm không được ưu tiên tiêm chủng. Ở những người trong độ tuổi năm mươi - thường đã tiêm cả hai liều vaccine - tỷ lệ nhiễm bệnh thấp hơn. “Điều này thật yên tâm”, Wenseleers nói.
Dữ liệu giải trình tự gen cho thấy sự lây lan nhanh chóng của B.1.617.2 ít có khả năng ảnh hưởng đến các nỗ lực tiêm chủng hơn so với B.1.617.1. Tang cho biết, các đột biến 452R và 478K được xác định trong B.1.617.2 đều liên quan đến khả năng né tránh vaccine cũng như tăng khả năng lây truyền. Nhưng B.1.617.1 còn mang một đột biến khác được gọi là 484Q, liên quan nhiều hơn đến khả năng né tránh vaccine, và đột biến này không được tìm thấy trong B.1.617.2.
Theo Tang, không có đột biến nào trong cả ba nhóm phụ nào của biến thể B.1.617 liên quan đến việc gia tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Các nhà nghiên cứu cũng có thể tiến hành các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm để kiểm tra xem các kháng thể có thể chống lại biến thể virus hay không. Một nghiên cứu được công bố vào ngày 17/5 trên tạp chí
Nature Medicine cho thấy, những thử nghiệm như vậy có tính dự đoán cao về khả năng bảo vệ miễn dịch của kháng thể trong thực tế. Một số nghiên cứu trong phòng thí nghiệm chỉ ra rằng vaccine có thể kém hiệu quả hơn đối với B.1.617.1. Kết quả từ các thí nghiệm tương tự với B.1.617.2 vẫn chưa được công bố, nhưng theo dữ liệu do Public Health England công bố vào ngày 23/5, vaccine
Pfizer-BioNTech và Oxford-AstraZeneca vẫn có hiệu quả chống lại B.1.617.2 sau hai liều.
Một địa điểm xét nghiệm ở London. Các nhà nghiên cứu đang sử dụng kết quả PCR để theo dõi sự lây lan của biến thể B.1.617.
Mô hình hóa các vụ dịch trong tương lai
Vẫn còn một số điểm không chắc chắn: liệu B.1.617.2 có khả năng lây truyền cao hơn các biến thể khác, chẳng hạn như biến thể B.1.1.7 tìm thấy ở Vương quốc Anh và nhiều quốc gia khác, hay không. Christina Pagel, nhà nghiên cứu chăm sóc sức khỏe tại University College London, cho biết: “Khả năng lây truyền của B.1.617.2 có thể cao hơn 50%, nhưng cũng có thể cao hơn 10%, hoặc 60–70%”. Sau khi có thêm dữ liệu và xác định được chính xác hơn, các nhà khoa học có thể xây dựng các mô hình về tác động mà các biến thể có thể gây ra đối với các đợt bùng phát dịch ở các quốc gia. “Sự khác biệt từ 20% đến 50% giống như sự khác biệt giữa một đợt sóng vừa phải và một đợt tăng đột biến. Vì vậy, chúng ta cần nghiên cứu kỹ lưỡng".
Pagel cũng đặt câu hỏi liệu các kết quả nghiên cứu về hiệu quả của vaccine có đáng tin hay không: “Chỉ nói 'vaccine vẫn hiệu quả' thì không hữu ích lắm, vì có nhiều loại hiệu quả khác nhau". Các nghiên cứu về hiệu quả của vaccine có xu hướng tập trung vào khả năng ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong. Nhưng điều quan trọng là phải biết liệu những người được tiêm chủng có thể mắc phải biến thể B.1.617.2 mà không xuất hiện triệu chứng, và tiếp tục truyền bệnh hay không, Pagel nói. Nếu trường hợp đó xảy ra, "chúng ta sẽ không đạt được mức độ miễn dịch quần thể như dự tính trước đây".
Nguồn: