"Giải Nobel trong lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp" năm nay được trao cho Shakuntala Haraksingh Thilsted, người đã nỗ lực đưa cá nhỏ trở thành một phương án cải thiện dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em ở những nước thu nhập thấp và trung bình một cách hiệu quả mà không tốn quá nhiều chi phí.

Cá nhỏ giàu dinh dưỡng được thu hoạch từ cánh đồng lúa ở Bangladesh. Ảnh:Ben Belton

Cá và các loại thủy sản là một phần không thể thiếu trong chế độ ăn của hơn 1 tỷ người trên toàn thế giới. Hầu hết những người này sống tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình ở châu Phi, châu Á và Thái Bình Dương, đặc biệt là gần sông, hồ hoặc biển.

Ở những vùng này, các loại thực phẩm như cá tươi, cá khô là ‘điểm nhấn’ của ẩm thực địa phương, và thường rẻ hoặc sẵn có hơn so với các loại thực phẩm như trứng, các sản phẩm từ sữa và trái cây. Các loại thủy sản này hệt như một loại siêu thực phẩm cung cấp vi chất dinh dưỡng phong phú cần thiết cho sức khỏe và sự phát triển nhận thức của con người.

Tuy nhiên, các nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp thường có xu hướng không chú trọng đến thực phẩm làm từ thủy sản. Thông thường, các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về vấn đề phát triển toàn cầu chỉ tập trung vào các loại cây trồng và vật nuôi cơ bản để đề xuất các giải pháp chấm dứt nạn đói.

Vào ngày 11/5 mới đây, Tổ chức Giải thưởng Lương thực Thế giới thông báo, Shakuntala Haraksingh Thilsted, một nhà khoa học dinh dưỡng, đã giành giải thưởng năm 2021. Đó là một trong số những người hiếm hoi chú ý đến vai trò thiết yếu của thực phẩm từ thủy sản trong chế độ ăn lành mạnh bền vững. Giải thưởng trị giá 250.000 USD này được xem là giải Nobel về thực phẩm và nông nghiệp. Norman Borlaug, người sáng lập Giải thưởng, từng đoạt giải Nobel Hòa Bình vào năm 1970 vì những đóng góp cho lĩnh vực nông nghiệp toàn cầu.

Giải thưởng năm nay ghi nhân bốn thập kỷ cống hiến của Thilsted nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe cho hàng triệu trẻ em suy dinh dưỡng và các bà mẹ ở châu Á và châu Phi. Là một nhà nghiên cứu về hoạt động nuôi trồng thủy sản, thường xuyên làm việc với Thilsted, tôi* tin rằng giải thưởng này đã nêu bật sự cần thiết của việc ưu tiên cá và thủy sản trong các chính sách và hành động dinh dưỡng, trên phạm vi quốc gia và toàn cầu.

Giá trị dinh dưỡng của cá

Shakuntala Thilsted sinh ra tại Trinidad và Tobago, đây cũng là nơi bà khởi đầu sự nghiệp với tư cách là người phụ nữ duy nhất làm việc trong Bộ Nông nghiệp, Đất đai và Thủy sản. Sau khi chuyển đến Đan Mạch, bà hoàn thành bằng Tiến sĩ tại Đại học Nông nghiệp và Thú y Hoàng gia, nơi sau này bà tiếp tục đứng đầu Khoa Sinh lý học động vật.

Đến cuối những năm 1980, bà chuyển đến Bangladesh và làm việc tại tổ chức nghiên cứu sức khỏe quốc tế icddr,b – tiền thân là Trung tâm Nghiên cứu Bệnh tiêu chảy Quốc tế, nơi đã điều trị cho hơn 6.000 trẻ em suy dinh dưỡng mỗi năm. Vốn là người quan tâm đến sức khỏe và dinh dưỡng của trẻ, Thilsted bắt đầu nghiên cứu các biện pháp ngăn ngừa suy dinh dưỡng bằng cách sử dụng các loại thực phẩm có sẵn tại địa phương và gần gũi với văn hóa bản địa.

Một phụ nữ ở Bangladesh cho con mình ăn cơm bổ sung bột cá bổ dưỡng. Ảnh: Finn Thilsted

Sau một thời gian dài xây dựng và thực hiện chương trình phục hồi dinh dưỡng, Thilsted đã hiểu được mọi người đang ăn những loại thực phẩm nào và ăn ra sao. Lắng nghe những chia sẻ của người dân địa phương về tầm quan trọng của việc ăn những con cá nhỏ đối với sức khỏe - đặc biệt là thị lực, bà đã quan tâm hơn đến giá trị dinh dưỡng của chúng. Đây chính là cơ sở để thúc đẩy sự nghiệp nghiên cứu của bà trong ba thập kỷ tiếp theo.

Trở về Đan Mạch, Thilsted bắt đầu hướng dẫn các nghiên cứu sinh tại Đại học Copenhagen phân tích vi chất dinh dưỡng trong các loài cá từ Bangladesh. Nghiên cứu này cho thấy nhiều loài cá nhỏ rất giàu chất dinh dưỡng thiết yếu đối với sức khỏe con người.

Trong đó có một loại cá đặc biệt: cá mola (Amblypharyngodon mola). Loài cá này có chứa hàm lượng vitamin A cực cao, có lợi cho thị lực, hệ thống miễn dịch và khả năng sinh nở. Với bằng chứng thuyết phục này, Thilsted đặt ra mục tiêu tăng cường khẩu phần cá, nhất là cho các bà mẹ và trẻ em.

Mở rộng quy mô sáng kiến

Thực phẩm từ thủy sản hết sức quan trọng từ lúc người mẹ mang thai cho đến khi đứa trẻ được hai năm tuổi. Nếu không được bổ sung đầy đủ các vi chất dinh dưỡng như sắt, kẽm, vitamin A và vitamin B12; nguy cơ bệnh tật, thấp còi và sa sút trí tuệ ở trẻ, tỷ lệ tử vong của sản phụ và trẻ sơ sinh, đều tăng cao. Suy dinh dưỡng chiếm tới 45% tổng số ca tử vong có thể phòng ngừa được ở trẻ.

Năm 2010, Thilsted quyết định gia nhập viện nghiên cứu quốc tế WorldFish. Dựa trên những hiểu biết có từ nghiên cứu trước đó của mình, bà trở lại Bangladesh để mở rộng quy mô của “phương pháp tiếp cận nhạy cảm với dinh dưỡng” trong sản xuất cá (đặt các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, đa dạng chế độ ăn và tăng cường thực phẩm làm trọng tâm để khắc phục tình trạng suy dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng).

Shakuntala Thilsted (áo cam) ở Bangladesh. Ảnh: Flo Lim / WorldFish.

Nghiên cứu trước đây của bà cho thấy những chú cá nhỏ như mola phát triển thuận lợi trong các ao nuôi cùng với những loài cá lớn hơn như cá chép. Nhóm nghiên cứu đã chứng minh rằng hướng nuôi cá nhỏ này là một phương án giảm gánh nặng suy dinh dưỡng ở trẻ hiệu quả mà không tốn quá nhiều chi phí.

Thilsted cũng bắt đầu nghiên cứu các cách cung cấp vi chất dinh dưỡng cho các bà mẹ và trẻ em thông qua những sản phẩm làm từ cá như bột, chutney (món ăn truyền thống của ẩm thực Nam Á), bánh xốp – các món ăn gần gũi với văn hóa bản địa. WordFish đã mở rộng nghiên cứu đột phá này sang các quốc gia như Campuchia, Ấn Độ, Myanmar, Nepal, Malawi, Sierra Leone và Zambia.

Từ nghiên cứu đến chính sách

Thilsted đã làm việc không mệt mỏi để đưa những phát hiện trong nghiên cứu của mình trở thành một phần trong chính sách. Bà hợp tác chặt chẽ với chính phủ các nước, chẳng hạn như Chính phủ Bang Odisha, Ấn Độ, gần đây đã bắt đầu đưa cá khô vào khẩu phần thực phẩm cung cấp cho các nhóm dễ bị tổn thương.

Bà còn cố vấn cho một loạt các tổ chức quốc tế nổi tiếng, bao gồm Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Quỹ Quốc tế về Phát triển Nông nghiệp (IFAD) và UNICEF. Những nỗ lực của bà đã góp phần nâng cao nhận thức về giá trị của thực phẩm từ thủy sản trong hệ thống thực phẩm lành mạnh, từ đó thúc đẩy các cam kết của các quốc gia, tổ chức nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi này.

Thilsted đã dành nhiều năm sống ở các quốc gia, nơi bà luôn cách tìm cách tạo ra những thay đổi tích cực. Bà say mê với lĩnh vực này, luôn quan sát cẩn thận và đặt ra những câu hỏi hợp lý.

Tinh thần ham học hỏi và kinh nghiệm dày dặn, kết hợp với sự nghiêm khắc với bản thân trong quá trình nghiên cứu đã làm nảy sinh những ý tưởng quan trọng nhất trong sự nghiệp của bà. Ví dụ, bà nhận thấy rằng đánh bắt tự nhiên hay nuôi cá đều có thể đóng góp cho an ninh lương thực và dinh dưỡng.

Thilsted còn có khả năng kết nối với mọi người – bất kể địa vị xã hội, từ những người phụ nữ nông dân ở vùng nông thôn Bangladesh đến các quan chức cấp cao tại Liên Hợp Quốc. Nhiều thế hệ các nhà khoa học trẻ, bao gồm cả tôi, đã trưởng thành dưới sự dìu dắt của bà. Bà đã truyền cảm hứng cho chúng tôi về tầm nhìn vượt trội, sự bền bỉ, rộng lượng và nỗ lực cải thiện dinh dưỡng của người dân, giúp thay đổi hành tinh này.

(*) Tác giả bài viết là Ben Belton, Phó giáo sư Phát triển Quốc tế, Đại học Bang Michigan. Anh là chuyên gia về nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, mối quan hệ của chúng đối với an ninh lương thực và dinh dưỡng, nghèo đói, phúc lợi xã hội lẫn môi trường. Anh đã làm việc tại các quốc gia Nam Á, Đông Nam Á như Việt Nam, Bangladesh, Thái Lan... trong hơn một thập kỷ.

Nguồn: