Một cuộc điều tra gian lận hải sản đã kiểm tra DNA trên các loại cá đang được bán ở Mỹ và phát hiện nhiều mặt hàng bị dán nhãn sai. Cá vược và cá hồng là loài thường bị sai nhất.

Một số loại cá được bán ở Mỹ có thể bị tráo đổi loại | Nguồn: Oceana
Một số loại cá được bán ở Mỹ có thể bị tráo đổi loại | Nguồn: Oceana

Một nghiên cứu công bố vào tháng 3/2019 về cá bán cho người tiêu dùng ở Hoa Kỳ cho thấy 20% mẫu được kiểm tra bị dán nhãn sai. Ví dụ, cá rô khổng lồ bị dán nhãn là cá vược.

Nghiên cứu được thực hiện bởi tổ chức phi lợi nhuận Mỹ Oceana chuyên bảo vệ đại dương. Họ đã lấy 449 mẫu cá mua từ hơn 250 địa điểm ở 24 bang và quận Columbia, sau đó xét nghiệm DNA để xác định danh tính thực sự của các mẫu. Thử nghiệm diễn ra từ tháng 3-8/2018.

Năm ngoái, chính quyền liên bang Mỹ yêu cầu truy xuất nguồn gốc đối với hải sản có nguy cơ đánh bắt bất hợp pháp và nguy cơ gian lận. Chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản ở Mỹ hiện chỉ áp dụng cho 13 loại cá nhập khẩu và chỉ theo dõi chúng từ thuyền đến biên giới nước này. Oceana cho biết các mẫu thử nghiệm của họ là các loại hải sản phổ biến không nằm trong chương trình.

Kết quả cho thấy 1/3 trong số tất cả cửa hàng và nhà hàng được kiểm tra đã bán hải sản sai nhãn. Cá là loại thực phẩm bị mô tả sai nhiều nhất trong thực đơn nhà hàng (26%) và tại các chợ nhỏ (24%) hơn là trong các chuỗi cung ứng lớn như siêu thị (12%).

Các loài thường bị dán nhãn sai nhiều nhất là cá vược (55%) và cá hồng (42%).

Gian lận cá là vấn đề toàn cầu

Nghiên cứu cũng cho thấy hải sản nhập khẩu đôi khi được quảng cáo trên thị trường là “đánh bắt tại địa phương”, trong khi các loài dễ bị tổn thương như cá bơn Đại Tây Dương được quảng cáo sai là “đánh bắt theo cách bền vững hơn”.

Ví dụ, hai cửa hàng ở Florida đã thay thế món cá mú Ấn Độ Dương cho món cá mõm lợn địa phương. “Trong những trường hợp như thế này, người tiêu dùng nghĩ rằng họ đang mua cá địa phương mới ra khỏi khỏi thuyền, nhưng những gì họ thực sự nhận được là đồ nhập khẩu và đôi khi còn là loại được nuôi trồng”, nghiên cứu viết.

Nghiên cứu phát hiển ra tỷ lệ dán nhãn sai của một số loài cá | Nguồn: Oceana
Nghiên cứu phát hiển ra tỷ lệ dán nhãn sai của một số loài cá | Nguồn: Oceana

Oceana cho rằng gian lận cá là một vấn đề trên toàn thế giới, che đậy việc đánh bắt cá bất hợp pháp và lừa dối những khách hàng đang cố gắng mua hải sản bền vững.

Đánh bắt cá bất hợp pháp đề cập đến bất kỳ hoạt động đánh bắt nào diễn ra trái với luật pháp quốc gia hoặc nghĩa vụ quốc tế, chống lại việc bảo tồn hoặc các biện pháp quản lý nguồn lợi thủy sản, hoặc không có sự cho phép khác.

Nó có thể làm cạn kiệt nguồn cá, khiến những người đánh cá bất hợp pháp có lợi thế không công bằng và làm hỏng môi trường sống ở biển.

Dữ liệu số

Sách trắng “Chấm dứt đánh bắt trái phép: Chính sách dữ liệu và Thỏa thuận về các biện pháp quản lý cảng tại quốc gia” của Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố tháng 5/2019, đã kêu gọi hành động mới để dập tắt tình trạng đánh cá bất hợp pháp đang chiếm 1/3 số cá đánh bắt được từ đại dương và gây thiệt hại hàng năm cho nền kinh tế toàn cầu đến 23,5 tỷ USD.

Diễn đàn kêu gọi các quốc gia hợp tác với nhau theo khu vực và sử dụng công nghệ chia sẻ dữ liệu số để truy xuất nguồn cá đến cảng toàn thế giới. Cụ thể là kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực giám sát đánh bắt số để thay thế các hệ thống chủ yếu dựa trên giấy tờ hiện tại.

Oceana cũng kêu gọi chính phủ Mỹ thắt chặt các quy định về nhập khẩu và bán cá, cho phép việc theo dõi diễn ra từ thuyền đến tận bàn ăn. Tổ chức này cảnh báo rằng với tình hình hiện nay không thể biết được ai trong chuỗi cung ứng đang làm sai lệch mô tả thông tin của một lô sản phẩm cá.

Các chính sách cứng rắn để chống gian lận cá do Liên minh Châu Âu (EU) đưa ra trước đây gần như ngay lập tức dẫn đến việc giảm thiểu dán nhãn sai về cá.

Nguồn: WEF