Sức hấp dẫn lớn nhất của các kỳ Hội nghị quốc tế GEOTEC HANOI nằm ở các bài giảng chính của các nhà khoa học hàng đầu thế giới về địa kỹ thuật công trình. Năm nay, lần đầu tiên Hội nghị còn mời được các lãnh đạo cấp cao của Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật thế giới tham gia giảng bài.


Ban tổ chức họp báo công bố các thông tin chính về Hội nghị quốc tế GEOTEC HANOI 2019. Ảnh: BTC

Tại cuộc họp báo chiều 28/8, Ban tổ chức Hội nghị quốc tế Địa kỹ thuật vì sự phát triển hạ tầng bền vững GEOTEC HANOI 2019 đã công bố, Hội nghị sẽ diễn ra trong 2 ngày 28 và 29/11 tới tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Bên cạnh 4 chủ đề truyền thống là Móng sâu, Hầm và Công trình ngầm, Gia cố nền đất, Mô hình số và Quan trắc địa kỹ thuật, GEOTEC HANOI 2019 còn mở rộng sang 2 chủ đề mới đang rất được quan tâm hiện nay là Trượt lở và Xói mòn, và Kỹ thuật nền móng bờ sông, bờ biển.

Sức hút của những tên tuổi hàng đầu


Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FECON, Trưởng ban tổ chức, cho rằng, sức hấp dẫn lớn nhất của của các kỳ Hội nghị GEOTEC HANOI luôn nằm ở các bài giảng chính do các nhà khoa học hàng đầu thế giới về địa kỹ thuật công trình trình bày. Năm nay, sẽ có 10 bài giảng như vậy của các nhà khoa học đến từ Úc, Bỉ, Anh, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Hongkong. Trong số đó, GS Harry George Poulos (Australia), người sắp bước sang tuổi 80, nhận lời vì quý mến Hội nghị, dù ông than phiền rằng mình đã mệt mỏi và đây có lẽ sẽ là lần cuối ông nhận lời đi giảng bài ở nước ngoài.

Đây cũng là lần đầu tiên GEOTEC HANOI 2019 mời Chủ tịch Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật thế giới (ISSMGE) Phó chủ tịch ISSMGE khu vực Châu Á tham gia giảng bài.

Bên cạnh 10 bài giảng chuyên môn, còn có phần thuyết trình của khoảng 180 tham luận được lựa chọn từ hơn 260 bài gửi đến. Sau Hội nghị, các tham luận sẽ được xuất bản trong một tuyển tập điện tử (E-proceedings) của NXB Springer với tiêu đề “Các bài giảng trong kỹ thuật xây dựng dân dụng”. Các tham luận tốt nhất sẽ được xuất bản trong số đặc biệt của Tạp chí Địa kỹ thuật Đông-Nam Á (SEAGS-AGSSEA).

Mặc dù tất cả những ai tham gia đều phải đóng phí, số người tham gia và số bài báo gửi đến Hội nghị vẫn tăng rõ rệt sau mỗi kỳ. GEOTEC HANOI 2019 dự kiến đón 800 người từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó đông nhất là Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc. Mức phí được quy định 250 USD đối với người có tham luận; 300-350 USD đối với người không có tham luận; sinh viên được hưởng mức 50 USD; riêng các nhà khoa học trẻ và sinh viên Việt Nam được nhận 100 suất miễn phí.

Từng tham gia hội thảo quốc tế từ những năm 1980, TS Phùng Đức Long, Chủ tịch Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam (VSSMGE), Trưởng ban khoa học của GEOTECH HANOI 2019, cho rằng, đây là một trong số ít những hội nghị khoa học ở Việt Nam thật sự mang tầm vóc quốc tế cả về quy mô và chất lượng.

Một cách học tại chỗ hiệu quả

Theo ông Phạm Việt Khoa, địa kỹ thuật công trình là một chuyên ngành hẹp nhưng “liên quan đến tất cả các công trình lấy trái đất làm chỗ bám”.

Đặc biệt, Việt Nam lại là nước nằm trong khu vực địa lý có nhiều đe dọa về thiên tai và biến đổi khí hậu, điều kiện địa chất rất phức tạp vì vậy cần những công nghệ phù hợp để mỗi công trình đều được xây dựng và vận hành an toàn, bền vững, thân thiện môi trường với giá thành thấp nhất, ông Khoa nói. Tuy nhiên, các công nghệ đó chúng ta không dễ mà làm chủ. “Một số nhà thầu nước ngoài cố gắng đưa vào dự án những công nghệ đặc biệt mà chỉ có họ mới thiết kế và thi công được. Nhưng qua Hội nghị này, chúng ta dần dần tiếp cận được những công nghệ đó một cách gần như miễn phí,” theo ông Khoa.

Là lãnh đạo Công ty Cổ phần FECON, nơi xuất phát sáng kiến tổ chức chuỗi hội nghị GEOTECH HANOI, ông Khoa cho rằng, điều giá trị nhất mà công ty nhận được từ Hội nghị là sự chia sẻ kiến thức sâu sắc của các nhà khoa học thực hành - những người vừa giảng dạy, nghiên cứu vừa tham gia vào các dự án thực tế - để từ đó “chúng tôi học theo và lựa chọn nên đầu tư vào cái gì trong thời gian tới, chứ không cần đi khắp thế giới, tìm từng chuyên gia trong 6 lĩnh vực để học”.

Ông Khoa tin tưởng rằng, những bài giảng, tham luận chất lượng về lĩnh vực địa kỹ thuật công trình, nền móng, công trình ngầm, biến đổi thiên tai… tại Hội nghị sẽ mang lại nhiều bổ ích cho sự phát triển hạ tầng bền vững của ngành xây dựng Việt Nam.

Ông cũng bày tỏ kỳ vọng Hội nghị sẽ góp phần rút ngắn khoảng cách về khoa học và công nghệ trong ngành địa kỹ thuật công trình giữa Việt Nam và thế giới, mở ra cơ hội cùng nhau khai thác ứng dụng và tiếp tục phát triển các thành tựu khoa học đã đạt được.

Bên lề Hội nghị còn có 60 gian hàng triển lãm, giới thiệu các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới về thiết kế, sản xuất, thi công các dự án nền móng, công trình ngầm, hạ tầng giao thông, hạ tầng thủy lợi và hạ tầng công nghiệp của các tổ chức khoa học, công ty, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Hội nghị cũng dành nửa ngày để tham quan công trường xây dựng Tuyến tàu điện ngầm số 3, nơi FECON đang thầu phụ hai gói (bao gồm đoạn đường trên cao từ Nhổn đi Kim Mã và đoạn khoan ngầm từ nhà ga Daewoo đến ga Hà Nội), và công trường “siêu dự án” Lotte Mall ở Hà Nội.

Trong lần đầu tổ chức vào năm 2011, GEOTEC HANOI thu hút 450 nhà khoa học, nhà tư vấn thiết kế và nhà quản lý xây dựng công trình đến từ 24 quốc gia. Hội nghị bao gồm 6 bài giảng chính và 110 tham luận. Sau đóGEOTEC HANOI tiếp tục được tổ chức vào các năm 2013 và 2016.

GEOTEC HANOI 2019 do Công ty Cổ phần FECON, Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam (VSSMGE), ĐH Thủy lợi và Công ty TNHH Kokusai Kogyo (KKC) phối hợp tổ chức, dưới sự bảo trợ của Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình thế giới (ISSMGE) và Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).