Chương trình ExoMars đã rơi vào bế tắc sau khi Cơ quan Vũ trụ châu Âu cắt đứt quan hệ với đối tác cũ là Nga.
Xe tự hành sao Hỏa Rosalind Franklin của châu Âu, nằm trong chương trình ExoMars trị giá 1,3 tỷ Euro, đã có kế hoạch phóng vào năm 2028, sau khi được các nước châu Âu đầu tư 360 triệu Euro.
Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) sẽ dùng số tiền này để thiết kế một hệ thống hạ cánh mới, đưa xe tự hành sao Hỏa đầu tiên của họ xuống bề mặt hành tinh đỏ. Đây vốn là phần việc của cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos. Nga chịu trách nhiệm thiết kế và chế tạo thiết bị hạ cánh, và cung cấp địa điểm phóng từ Baikonur, Kazakhstan. Vì vậy nhiệm vụ xe tự hành đã rơi vào bế tắc sau khi ESA cắt đứt quan hệ với đối tác cũ vào tháng 3, sau xung đột Nga - Ukraine.
Tàu tự hành Rosalind Franklin của châu Âu sẽ có một mũi khoan dài 2 mét để thăm dò bề mặt sao Hỏa.
Nhiệm vụ này đã bị hoãn 3 lần. Ban đầu, Rosalind Franklin dự kiến được phóng vào năm 2018, nhưng bị hoãn sang năm 2020 do các vấn đề kỹ thuật. Đến năm 2020, nhiệm vụ lại bị hoãn đến năm 2022 do đại dịch COVID-19. Và đến năm 2022, quan hệ châu Âu - Nga xấu đi và nhiệm vụ bị hoãn vô thời hạn cho đến khi nhận được khoản đầu tư mới. Theo người phát ngôn của ESA, chỉ riêng việc trì hoãn nhiệm vụ từ năm 2020 đến năm 2022 đã gây tốn kém 100 triệu Euro.
Xe tự hành Rosalind Franklin mang theo một mũi khoan dài 2 mét để đào sâu bên dưới bề mặt sao Hỏa và tìm kiếm bằng chứng về sự sống cổ đại. Đây là lần đầu tiên ESA tìm kiếm bằng chứng về sự sống cổ đại ở dưới bề mặt sao Hỏa. Địa điểm hạ cánh của xe tự hành là một vùng đồng bằng rộng lớn tên gọi Oxia Planum, nơi lưu lại những thông tin độc đáo về môi trường sao Hỏa cổ đại, giàu nước, hóa học tiền sinh học và có thể là sự sống.
ESA hy vọng NASA sẽ đóng góp thiết bị phóng, động cơ phanh dùng trong quá trình hạ cánh, và các thiết bị làm ấm bằng đồng vị phóng xạ, tổng giám đốc ESA Josef Aschbacher phát biểu tại một cuộc họp báo. Thiết bị làm ấm là cần thiết để Rosalind Franklin sống sót qua những đêm khắc nghiệt trên sao Hỏa. Châu Âu sẽ chịu trách nhiệm về công nghệ cho các phần còn lại của nhiệm vụ nhẽ ra thuộc về phía Nga, Aschbacher nói thêm.
Các quốc gia thành viên châu Âu đã hứa tài trợ cho nhiệm vụ xe tự hành cũng như chương trình ExoMars tại hội nghị cấp bộ trưởng ESA tại Paris vào ngày 22/11 và 23/11. Họ cũng cam kết tổng ngân sách 16,9 tỷ Euro cho các nhiệm vụ không gian trong vòng 5 năm tới. Mức đầu tư này cao hơn so với cam kết trước đây.
Các bộ trưởng châu Âu cũng đồng ý tài trợ cho dự án Solaris nhằm xác định khả năng phát triển một hệ thống trong không gian cung cấp năng lượng mặt trời cho Trái đất từ năm 2025. Một số quốc gia đang khám phá công nghệ này khi nó trở nên khả thi hơn trong những năm gần đây do chi phí phóng thiết bị vào vũ trụ giảm đáng kể.
Nguồn: