Theo thực nghiệm, dường như trọng lực không có tác động đáng kể đến quá trình hình thành phôi nang của động vật có vú.
Các nhà khoa học tại Đại học Yamanashi (Nhật Bản) lần đầu tiên nuôi cấy và phát triển thành công phôi của động vật có vú trong không gian, trên môi trường vi trọng lực của Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS) quay quanh Trái đất, cách bề mặt hành tinh khoảng 400km. Kết quả nghiên cứu của họ được công bố trên tạp chí
iScience vào ngày 27/10.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã gửi 720 phôi chuột đã thụ tinh và làm đông lạnh ở giai đoạn hai tế bào lên trạm vũ trụ ISS. Sau đó, phôi được rã đông và nuôi cấy khoảng bốn ngày trong một thiết bị đặc biệt. Nhóm nghiên cứu cũng triển khai một nhóm phôi chuột phát triển ở dưới mặt đất để làm nhóm đối chứng.
Kết quả cho thấy, phôi chuột nuôi cấy trong điều kiện vi trọng lực trên ISS đã phát triển thành phôi nang với số lượng tế bào, khối nội phôi bào, khối ngoại bì lá nuôi và biểu hiện gene tương tự như phôi được nuôi cấy dưới mặt đất. Điều này cho thấy, trọng lực không có tác động đáng kể đến quá trình hình thành phôi nang và sự biệt hóa ban đầu của phôi động vật có vú.
Nguồn: Sciencealert.com
Quốc Hùng và nhóm tác giả thực hiện