Suốt gần 800 năm qua, thế giới đã trải qua ba thế hệ đại học: thế hệ thứ nhất (đại học từ chương), thế hệ thứ hai (đại học nghiên cứu) và đã bước sang thế hệ thứ ba (đại học định hướng đổi mới sáng tạo). Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang dừng ở thế hệ đại học nghiên cứu, văn hóa đổi mới sáng tạo lẫn khởi nghiệp còn yếu.

Dừng lại ở thế hệ đại học thứ hai

Thành lập năm 1200, Đại học Paris là một trong những trường đại học lâu đời nhất thế giới và được xem là đại diện cho thế hệ đại học thứ nhất, hay còn gọi là “đại học từ chương” (Bookish university), nơi người thầy là cuốn bách khoa toàn thư truyền dạy lại cho học sinh lý thuyết, tư tưởng.

Lúc bấy giờ, giáo dục đi sau khoa học và khoa học cũng đi sau công nghệ. Nói cách khác, “giáo dục và đào tạo nỗ lực giải thích các kết quả khoa học và công nghệ đã tồn tại, giáo trình đại học chỉ là những kiến thức đã được khoa học phát minh ra và các thành tựu công nghệ đã tồn tại trong thực tế, chứ không dự báo hay định hướng cho sự phát triển của khoa học và công nghệ”, GS.TS Nguyễn Hữu Đức - Tổ trưởng Tổ tư vấn Ủy Ban Quốc gia Đổi mới GD&ĐT, nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN – phân tích tại buổi tọa đàm “Giáo dục đại học và khát vọng Việt Nam 2045” do Câu lạc bộ Nhà Khoa học ĐHQGHN (VSL) tổ chức.

So sánh các bước phát triển của đại học trên thế giới và ở Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Hữu Đức

Thế giới tiếp tục trải qua thế hệ đại học thứ hai với tên gọi đại học nghiên cứu (Research university) mà Đại học Humboldt, Đức (tiền thân là ĐH Berlin, thành lập năm 1810) là đại diện tiêu biểu. Wilhelm von Humboldt – Bộ trưởng giáo dục thời hậu Napoleon Chính phủ đế chế Phổ đã thuyết phục nhà vua Phổ thành lập trường đại học này trên cơ sở những ý tưởng của nhà triết học Schleiermacher, người đã tuyên bố rằng: “Chức năng của trường đại học không phải là truyền đạt những kiến thức đã có thể sử dụng trực tiếp trong các trường phổ thông và cao đẳng đã làm, mà là để chứng minh làm thế nào kiến thức này được phát hiện, để kích thích ý tưởng khoa học trong tâm trí của sinh viên và khuyến khích họ tìm đến các định luật cơ bản của khoa học”.

Trên cơ sở đó, những trường đại học thế hệ hai đã lấy tiến bộ khoa học làm mục tiêu, thúc đẩy các nghiên cứu đơn ngành, tham gia giải quyết những vấn đề mang tính nguyên lý của công nghệ mới.

Tuy nhiên, các nhà giáo dục sau đó đã nhận ra rằng những phát minh vĩ đại mở đường cho các cuộc cách mạng công nghiệp như động cơ hơi nước, điện và đèn điện… đều do các nhà khởi nghiệp sáng tạo nên, thực hiện thành công bên ngoài các trường đại học, và thậm chí còn không thuộc lĩnh vực mà các trường đại học theo đuổi. Vì lẽ đó, các đại học thế hệ hai trên thế giới đã thay đổi và chuyển sang mô hình đại học thế hệ ba, còn gọi là “Đại học định hướng đổi mới sáng tạo” (Innovation Driven University), và ĐH Cambridge (Anh) là đại diện tiêu biểu.

Thế hệ thứ ba vẫn đang tiếp tục phát triển, và là giai đoạn có xu hướng mở đường cho khoa học phát triển. Người học đã biết phân tích, đặc biệt biết dựa vào cơ sở dữ liệu để dự báo, tiên lượng các xu thế phát triển và các đột phá về KH&CN trong tương lai. Đáng chú ý, đại học thế hệ ba tập trung vào việc chuyển giao tri thức, phát triển hợp tác với các doanh nghiệp định hướng công nghệ. Trường đại học không còn là tháp ngà khoa học vị khoa học nữa, mà phải tạo ra giá trị cho xã hội từ các tri thức do mình tạo ra.

Buổi học thực hành của sinh viên ngành Dược học trường Đại học Văn Lang
trong phòng thí nghiệm. Ảnh: vanlanguni.edu.vn

“Việt Nam đang ở giai đoạn nào?” GS.TS Nguyễn Hữu Đức đặt câu hỏi. Theo ông, kể từ khi Quốc Tử Giám thành lập vào năm 1070, cho đến khoảng 800 năm sau đó, các trường đại học ở Việt Nam vẫn đi theo kiểu “tầm chương trích cú”. Khi thế giới đã chuyển sang đại học định hướng đổi mới sáng tạo, thì chúng ta vẫn còn ‘say sưa’ với kiểu đại học truyền thống và chỉ thực sự bước sang mô hình đại học nghiên cứu vào khoảng những năm 2010.

Vậy là dù đại học thế giới đã bước sang thế hệ thứ ba, các trường đại học ở Việt Nam vẫn đang dừng lại ở thế hệ thứ hai và chỉ quan tâm đến tỷ lệ sinh viên ra trường tìm được việc làm cũng như số lượng các ấn phẩm khoa học đã được xuất bản. “Để hướng đến khát vọng đất nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam phải thay đổi mô hình tăng trưởng, chú trọng đến tỉ lệ sinh viên có khả năng khởi nghiệp và lượng tri thức được thương mại hóa, đóng góp trực tiếp vào sự gia tăng giá trị xã hội”.

Theo đó, GS.TS Nguyễn Hữu Đức cho rằng văn hóa đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở Việt Nam còn yếu và chủ yếu là đại học định hướng các ấn phẩm (education and publication focus). Đại học Việt Nam cần tiếp tục chuyển đến giai đoạn tập trung vào công bố ở những tạp chí chất lượng cao (research quality focus) thì mới có thể chuyển tiếp sang mô hình đại học thế hệ ba. “Với cách làm như hiện tại thì chúng ta mới đang ở ‘vị thành niên’ về kiến thức và khoa học, ai nói gì thì nghe đó. Nếu không thoát khỏi độ tuổi ‘vị thành niên’ bằng cách đi theo một hướng khác thì chúng ta không thể tự chủ được và cũng không làm được gì cả”, ông kết luận.

Tính dự báo

Nhưng để thoát khỏi giai đoạn ‘vị thành niên’ này, GS.TS Nguyễn Hữu Đức cho rằng các đại học cần xác định, bên cạnh các công bố chất lượng, có ba yếu tố chính để hướng đến trở thành một đại học định hướng đổi mới sáng tạo: entrepreneurship (tinh thần mong muốn biến ý tưởng thành sản phẩm có giá trị cho xã hội), innovation (công cụ, giải pháp làm cơ sở để hình thành startup) và startup. Theo đó, “Đại học Việt Nam cần có trách nhiệm đổi mới theo các định hướng cơ bản, bao gồm nêu cao tinh thần khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số, đào tạo cá thế hóa và cổ vũ các giá trị đạo đức và liêm chính khoa học”, GS.TS Nguyễn Hữu Đức cho biết.

Đồng thời, đào tạo phải hướng đến tính mở, liên ngành, liên thông giữa các khoa, các trường, trong khu vực và đặc biệt phải gắn với doanh nghiệp, tập trung vào thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học, đăng ký sở hữu trí tuệ. Có thể nhận thấy điều này thông qua lý do vì sao ĐH Cambridge trở thành biểu tượng cho các trường đại học thế hệ thứ ba trên thế giới. Trong nhiều thập kỷ, thành phố Cambridge hiện lên trong hình dung của những người chưa từng đến vùng đất này chỉ xoay quanh hình ảnh của Nhà nguyện King’s College, những con thuyền đáy bằng lững lờ trôi trên dòng sông Cam. Kể từ khi ĐH Cambridge chuyển mình thành đại học định hướng đổi mới sáng tạo, thành phố Cambridge đã trở thành nơi tập trung tiềm lực khoa học và đổi mới sáng tạo, kéo theo đó là sự ra đời của các khu vực nghiên cứu trong trung tâm công nghệ cao Silicon Fen. Đây là nơi đã thương mại hóa nhiều kết quả nghiên cứu khoa học hơn bất kỳ trường đại học nào khác trên toàn thế giới. Các ‘ông lớn’ như Microsoft, Apple, Amazon và AstraZeneca đã kéo về đây và tạo dựng thành một hub, và đó là lý do ĐH Cambridge trở thành biểu tượng cho các trường thế hệ ba.

Dù hiện tại các trường đại học ở Việt Nam chưa thể tạo dựng được một hệ sinh thái rộng lớn như ĐH Cambridge, nhưng TS. Lê Đình Tiến - nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN – cho rằng các nhà khoa học có thể khởi đầu từ việc thay đổi tư duy, xác định đề tài nghiên cứu là để hướng đến nhu cầu thị trường và hướng đến doanh nghiệp. “Trong điều kiện cụ thể là Việt Nam, mỗi khoa trong trường có thể kết hợp với các doanh nghiệp để tạo thành những mối liên kết để vừa dự báo thị trường, vừa đưa ra sản phẩm mới thực sự, từ đó tạo thành một chuỗi quy trình”.

Thiếu một nền công nghiệp gây “áp lực” lên các trường

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn chưa đủ để đóng vai trò là trung tâm của đổi mới sáng tạo. Nhìn vào từng hoạt động đầu tư cho đổi mới sáng tạo, thì hầu hết các doanh nghiệp của Việt Nam mới chỉ dừng lại ở nỗ lực chiếm lĩnh “phần ngọn” thay vì đầu tư vào “phần gốc”.

Theo một khảo sát do Cục Thông tin KH&CN quốc gia tổ chức nhằm điều tra thử nghiệm về đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp, một tỉ lệ rất lớn các doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới quy trình thông qua việc “Đầu tư vào công nghệ mới được gắn liền với hàng hóa, máy móc, thiết bị” (39,4%) hoặc thông qua “Nâng cấp/chỉnh sửa công nghệ, thiết bị hiện tại” (39.3%), trong khi đó chuyển giao công nghệ từ các tổ chức khoa học và công nghệ công lập và các tổ chức khác ngoài công lập đều dưới chỉ ở mức 0.3% và 0.6%. Nghĩa là các doanh nghiệp chỉ mua công nghệ về áp dụng chứ không/ ít có cải tiến, nghiên cứu. Điều này cho thấy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của chúng ta đang có một kẽ hở, đó là đáng lý các doanh nghiệp cần phải thực sự lớn mạnh và đổi mới, là bệ đỡ vững chắc cho hệ sinh thái thì hóa ra nó cũng chỉ mới manh nha có những cải tiến nhất định.

Chia sẻ tại tọa đàm, TS. Đỗ Văn Dũng (Nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) cho biết: “Trường tôi chú trọng đến việc tạo ra công nghệ nên rất muốn chuyển giao những công nghệ ấy. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam hiện tại họ không cần đổi mới sáng tạo, họ vẫn đang loay hoay với sản xuất để xuất khẩu. Tôi nghĩ trong 10 năm tới khi chúng ta có đủ doanh nghiệp quan tâm đến R&D thì khi ấy trường đại học mới thực sự hợp tác được với doanh nghiệp”.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa đủ năng lực để đóng vai trò dẫn dắt hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, PGS.TS Nguyễn Ái Việt - nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin, ĐHQGHN, cho rằng Bộ Công thương cần vào cuộc để có thể định hướng cho các doanh nghiệp đi đúng hướng, “bởi nếu muốn có một đại học thế hệ ba đúng nghĩa, cần phải có một nền công nghiệp thực sự ‘gây áp lực’ lên các trường bằng cách đặt đầu bài để các nhà khoa học nỗ lực đi tìm lời giải, cùng với đó họ sẽ biết mình cần phải nghiên cứu cái gì và thực tế đời sống đang cần gì”.

Ở chiều ngược lại, các trường đại học phải dự báo được những thứ mà doanh nghiệp chưa có và doanh nghiệp sẽ cần, từ đó đưa ra phương án đề xuất cho doanh nghiệp. “Chừng nào mà trường đại học chỉ dừng lại ở việc lẽo đẽo đi giải thích lại những gì mà doanh nghiệp đã làm được để biến thành bài học giảng dạy cho sinh viên thì chừng đó đại học chưa thể thực sự đóng vai trò dẫn dắt”, GS.TS Nguyễn Hữu Đức kết luận.