Một vài tác phẩm thực sự làm người ta kinh ngạc về tính tiên tri của nó khi liên hệ với những sự kiện xảy ra sau khi cuốn sách được xuất bản. “Biến động: Các quốc gia ứng phó với khủng hoảng và thay đổi như thế nào” - cuốn sách mới đây của Jared Diamond - chính là một trường hợp như vậy.
Đọc tác phẩm được xuất bản lần đầu vào năm 2019 này, hầu hết chúng ta sẽ có cảm tưởng những gì tác giả viết ở đây là để cảnh báo nhân loại về những cuộc khủng hoảng toàn cầu như COVID-19 và những biện pháp mà các quốc gia cần làm để thoát ra khỏi khủng hoảng. Dẫu rằng trên thực tế tác giả không có ý định đóng vai một nhà tiên tri (như ông thú nhận trong “Lời tác giả” của ấn bản tiếng Việt), nhưng những công cụ trí tuệ mà cuốn sách trao cho chúng ta thực sự hữu ích để suy nghĩ về những khủng hoảng đang xảy ra và những cách vượt thoát khỏi chúng.
“Biến động” được xuất bản ở Mỹ lần đầu năm 2019, bản tiếng Việt được ấn hành vào tháng 6/2020.
Jared Diamond, nhà sinh vật học, địa lý và sử học môi trường, giáo sư danh dự tại Đại học California ở Los Angeles, là một trong những trí thức nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất ngày nay. Các tác phẩm của ông là một sự hòa quyện giữa những tri thức bách khoa và phong cách trình bày sống động, gần gũi với mọi tầng lớp độc giả. Diamond thực sự đã có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề sinh thái toàn cầu, mối liên kết của chúng với những biến đổi xã hội. Nếu như trong tác phẩm xuất bản cách đây 15 năm: “Sụp đổ: Các xã hội đã thất bại hay thành công như thế nào?” (Collapse), ông đưa ra lời cảnh báo về thảm họa sinh thái dẫn đến sự sụp đổ của hàng loạt nền văn minh trong quá khứ thì trong tác phẩm “Biến động” mới nhất của mình, ông trình bày về cách mà các cá nhân vượt qua những khủng hoảng và tổn thương nghiêm trọng để tái thiết. Bằng phương pháp so sánh, bắt đầu từ vấn đề của những cá nhân, ông chuyển qua xét trường hợp của sáu quốc gia đã phục hồi sau khi phải đối mặt với khủng hoảng và khó khăn đủ loại: Nhật Bản trong thế kỷ XIX; Phần Lan sau cuộc xâm chiếm của Liên Xô năm 1939; Indonesia sau cuộc thảm sát năm 1965 do tướng Soeharto tiến hành; Chile, đất nước bị bầm dập và cô lập bởi chế độ độc tài Pinochet; sự tái thiết thần kỳ của Đức và Úc sau thế chiến thứ II.
Chương đầu tiên được trình bày theo phong cách viết thường thấy ở thể loại “phát triển bản thân” hơn là một chuyên luận khoa học. Ở đây Diamond không ngần ngại tự kể về mình, về cuộc khủng hoảng hiện sinh mà ông đã trải qua năm 21 tuổi và cách mà ông vượt qua nó. Đứng trên góc độ tâm lý học, Jared Diamond tổng kết 12 yếu tố ảnh hưởng đến kết quả của một cuộc khủng hoảng cá nhân, ngay sau đó, những tiêu chí này được ông chuyển sang áp dụng cho quy mô tập thể của một quốc gia. Cụ thể, có 12 yếu tố để một quốc gia phải tính đến nếu muốn vượt thoát khỏi một cuộc khủng hoảng, đó là: 1/ Có một sự đồng thuận quốc gia; 2/ Thừa nhận trách nhiệm quốc gia để hành động; 3/ Xây dựng một hàng rào để giới hạn các vấn đề cần giải quyết; 4/ Tìm kiếm sự giúp đỡ từ các quốc gia khác; 5/ Học tập các hình mẫu của các quốc gia khác; 6/ Căn tính quốc gia; 7/ Đánh giá trung thực về quốc gia; 8/ Tiếp thu kinh nghiệm của các biến cố quốc gia trước đó; 9/ Đối phó với thất bại quốc gia; 10/ Tính linh hoạt; 11/ Giá trị cốt lõi; 12/ Vượt thoát khỏi những ràng buộc địa - chính trị.
Ở những chương sau, thông qua trường hợp của những quốc gia cụ thể, Jared Diamond phân tích các cách mà những quốc gia đó đã áp dụng 12 yếu tố trên và họ đã thoát ra khỏi khủng hoảng thành công như thế nào. Đó là trường hợp của Phần Lan sau hai lần thua trận trước Liên Xô, sự hiện đại hóa của Nhật Bản trong thời kỳ “Minh Trị duy tân”... Đó cũng là nước Đức với thất bại nặng nề sau Thế chiến thứ II và cuộc đối đầu trong chiến tranh lạnh. Cuối cùng là nước Úc với những thành công khi đã xóa sổ được tình trạng phân biệt chủng tộc tồn tại dai dẳng nhiều thập kỷ và khi giành độc lập từ tay nước Anh nhưng vẫn duy trì được mối quan hệ gắn bó thân thiết với nước này. Khác với các nhà sử học khác, thường chỉ đưa ra những đánh giá tổng quan về một quốc gia trong một thời kỳ duy nhất, Jared Diamond luôn sử dụng phương pháp “tiếp cận so sánh lịch sử”, cho phép ông có những kết luận sâu sắc - điều không thể có được nếu chỉ nghiên cứu chỉ một quốc gia đơn lẻ. Sáu quốc gia mà Diamond đề cập trong cuốn sách đều là những quốc gia mà ông đã từng sống nhiều năm, nói được ngôn ngữ của họ và trên hết, những cuộc khủng hoảng mà họ đã trải qua, trong quan niệm của ông, là rất điển hình.
Trong phần thứ ba của tác phẩm, tác giả tập trung bàn về những cuộc khủng hoảng vẫn còn đang diễn ra ở hai quốc gia - Nhật Bản và Mỹ. Lý do của chọn lựa này khá dễ hiểu: Nhật Bản, đó là quê hương của người vợ hiện nay của ông, còn Mỹ là đất nước của ông. Theo Jared Diamond, khủng hoảng của Nhật Bản hiện nay chủ yếu từ gánh nặng nợ công và sự lão hóa dân số, sự giảm tỷ lệ sinh và những xung đột dai dẳng liên quan đến việc giải quyết tận gốc rễ những tội ác chiến tranh mà nước Nhật đã gây ra với các nước láng giềng như Trung Quốc và Hàn Quốc. Trường hợp nước Mỹ, bên cạnh những yếu kém như bất bình đẳng xã hội, sự trì trệ, tác giả đặc biệt nhấn mạnh sự tụt hậu của nền giáo dục Mỹ, việc chế độ đãi ngộ thấp làm giảm chất lượng các giáo viên trong các trường công là một nguy cơ được Diamond đánh giá “nguy hiểm hơn nhiều” so với những thách thức đến từ Trung Quốc hay Mexico.
Trong hai chương cuối, Jared Diamond mở rộng vấn đề để xem xét những nguy cơ tiềm ẩn mà thế giới hôm nay đang phải đối mặt. Ông lưu ý bốn điều: phổ biến vũ khí hạt nhân, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên môi trường, gia tăng bất bình đẳng. Tác giả cũng nhấn mạnh rằng trong tương lai, nhiều khả năng phải bổ sung những nguy cơ khác vào danh sách này: ví dụ như những đại dịch tàn phá thế giới (một dự báo đã trở thành hiện thực ngay một năm sau đó). Sau khi phân tích sâu sắc các nguy cơ trên, tác giả đã đưa ra kết luận: “quả thực toàn cầu hóa đã đặt ra nhiều thách thức, nhưng nó cũng là cơ sở để việc giải quyết những thách thức cũ và những thách thức mới được dễ dàng hơn”.
Diamond nhận xét: “hiện nay các nguyên thủ quốc gia chưa hợp tác thành công trong trong việc xây dựng một mô hình “chính quyền thế giới” để đối phó với những biến động toàn cầu. Quả thật chúng ta chưa hề có kinh nghiệm lịch sử về vấn đề này. Nhưng “bản sắc toàn cầu” sẽ phải được tạo dựng một khi thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau”. Và ông kết luận: “Đúng vậy, đôi khi cần phải có khủng hoảng để thay đổi, đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng sẽ thúc đẩy chúng ta tiến xa hơn nhiều so với những quá trình phát triển chậm chạp qua hàng thập kỷ”. Đây cũng là cách nhìn tích cực về sự biến động mà Diamond dùng để khép lại một cuốn sách hấp dẫn.