Tàu Akademik Lomonosov, nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới của Nga, vừa khởi hành chuyến đi kéo dài 6.400 km từ thành phố Murmansk tới thị trấn cảng Pevek của Nga ở Bắc Cực.

Nhà máy điện hạt nhân nổi Akademik Lomonosov. Ảnh: AP.
Nhà máy điện hạt nhân nổi Akademik Lomonosov. Ảnh: AP.

Nga mất gần 20 năm để xây dựng nhà máy trị giá 450 triệu USD này. Nó có chiều dài 144m và nặng 21.000 tấn. Với hai lò phản ứng hạt nhân, nhà máy điện hạt nhân nổi có khả năng sản xuất 70 megawatt (MW) điện.

Tàu Akademik Lomonosov dự kiến sẽ đến Pevek trong khoảng ba tuần tới và bắt đầu cung cấp điện cho 100.000 hộ gia đình, cùng với các giàn khoan dầu và khí ngoài khơi.

Nhiều chuyên gia môi trường lo ngại nhà máy điện hạt nhân nổi có thể gặp phải các tai nạn nghiêm trọng, như bão và sóng thần gây ra, dẫn đến thảm họa hạt nhân. Jan Haverkamp, chuyên gia của tổ chức Greenpeace, cảnh báo nhà máy điện hạt nhân nổi của Nga có thể trở thành “Chernobyl trên băng”.

Điều khiến Haverkamp lo lắng nhất là hành trình của tàu Akademik Lomonosov phải đi qua vùng biển chứa nhiều đá ngầm ở Bắc Băng Dương.

“Nếu bất kỳ sự cố nào xảy ra, nhà máy nổi chứa đầy nguyên liệu hạt nhân này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường ở Bắc Cực”, Haverkamp nói.