Ngày 9/8, công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), Nhật Bản, thông báo nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi sẽ hết chỗ chữa nước nhiễm xạ trong ba năm tới.
Sau một trận động đất và sóng thần vào năm 2011, ba lõi lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân bị tan chảy, khiến nước nhiễm phóng xạ rò rỉ từ các lò phản ứng trộn lẫn với nước ngầm và nước mưa tại nhà máy.
Lượng nước này vẫn không ngừng tăng lên và chúng được lưu trữ trong 1.000 thùng chứa lớn với tổng sức chứa 1,13 triệu tấn. Trong số thể tích sử dụng, 80% dùng để đựng nước nhiễm đồng vị phóng xạ triti đã qua xử lý.
TEPCO cho biết, họ đang xây thêm các thùng chứa nước nhiễm xạ với tổng sức chứa 1,37 triệu tấn. Tuy nhiên, chúng cũng sẽ đầy vào mùa hè năm 2022.
Khu vực đặt các thùng chứa có tổng diện tích 230.000 m2, tương đương 32 sân bóng đá và gần như không còn không gian để mở rộng thêm.
Gần 9 năm kể từ vụ tai nạn, các nhà chức trách Nhật Bản vẫn chưa thống nhất phải làm gì với nước nhiễm xạ. Họ đang cân nhắc các phương án bao gồm lưu trữ dưới lòng đất, làm bay hơi vào bầu khí quyển, thậm chí xả nước có kiểm soát vào Thái Bình Dương.
Quốc Hùng (Theo Foxnews)