Một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Nature mới đây đã hé lộ thực trạng mà đa số mọi người - thậm chí ngay cả giới khoa học - không hề nhận thức được. Đó là sự bất bình đẳng giới trong khâu bình duyệt ý tưởng khoa học.

Chỉ 1/5 số bình duyệt viên là nữ

Bình duyệt ý tưởng khoa học trước khi ý tưởng đó được công bố hoặc nhận thưởng là một khâu vô cùng quan trọng đối với các nhà khoa học trẻ tuổi. Quá trình này có thể giúp nhà nghiên cứu trẻ bộc lộ bản thân trước các nhà khoa học khác, trước các biên tập viên nhiều kinh nghiệm và người có nhiệm vụ trao giải thưởng. Nói cách khác, nó giúp nhà khoa học trẻ tạo ra được một mạng lưới các mối quan hệ cần thiết cho sự nghiệp của mình hiện tại và tương lai.

Mặt khác, công việc này cũng khá có ích cho những người ở vị trí bình duyệt bởi họ có cơ hội phát triển khả năng viết lách hàn lâm cũng như khả năng thẩm định của mình.

Tuy nhiên trên thực tế, công việc có tính chất quyết định này đang ít được dành cho các nhà khoa học nữ. Kết luận trên được hai nhà nghiên cứu Jory Lerback và Brooks Hanson đưa ra sau khi thu thập, phân tích dữ liệu từ Liên hiệp Địa - Vật lý Mỹ (AGU) - nơi Brooks Hanson đang giữ vai trò giám đốc xuất bản và Jory Lerback từng là nhà phân tích dữ liệu.

Các nhà khoa học nữ bị yếu thế trong khâu bình duyệt. Ảnh minh họa: Science News

Hai nhà nghiên cứu lấy thông tin về tuổi và giới tính của 59.316 thành viên AGU cùng thông tin của 38.115 người từng tham gia vào các hoạt động của tổ chức này. Kết quả cho thấy chỉ có 28% số thành viên AGU là nữ, 27% số nhà khoa học nữ đứng tên trong các tạp chí đã xuất bản của AGU từ năm 2012-2015. Đặc biệt, chỉ có 20% trong tổng số bình duyệt viên là nữ.

Theo Jory Lerback và Brooks Hanson, nguyên nhân chính là do các tác giả ý tưởng không chỉ định nhà khoa học nữ kiểm định ý tưởng của mình, hoặc giới biên tập viên đã “quên lãng” các nhà khoa học nữ. Điều đáng nói là ngay cả khi phái nữ đứng ở vị trí chủ biên hoặc biên tập, họ vẫn ưu ái chọn phái nam làm người bình duyệt (với 21% số lần người nữ chủ biên “nhờ” nhà khoa học nữ và 22% số lần biên tập viên nhờ bạn cùng giới làm người bình duyệt).

Chính phụ nữ gây bất bình đẳng?

Trong nghiên cứu của mình, hai nhà khoa học Lerback và Hanson phát hiện ra rằng sự bất bình đẳng này một phần là do chính phụ nữ gây ra. Họ hay chủ động từ chối lời mời làm người bình duyệt các ý tưởng khoa học hơn so với nam giới. Lý do từ chối phổ biến nhất là họ còn phải bận rộn với việc nghiên cứu, giảng dạy cũng như bị ràng buộc bởi các bổn phận trong gia đình. Tuy nhiên, ông Lerback cho rằng: “Nguyên nhân thực sự của lời từ chối là người phụ nữ không tự coi mình là chuyên gia”.

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu được tiến hành trước đây chỉ ra rằng các nhà nghiên cứu nam thường hay nhận được lời nhận xét tốt cho vị trí nghiên cứu sinh sau tiến sỹ, trong khi các nữ khoa học gia ít nhận được nhận xét như vậy hơn. Chính thực trạng này làm nảy sinh một định kiến là phụ nữ có ít khả năng thiên phú để trở thành nhà khoa học hơn so với đàn ông.

Nhận xét về nghiên cứu này, tiến sỹ (TS) Anna Kaatz - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học máy tính thuộc Viện Nghiên cứu sức khỏe phụ nữ, Đại học Wisconsin - Madison, Mỹ - cho rằng: “Nếu bạn chỉ nhận thức được vấn đề mà không chỉ cho người ta cách giải quyết nó thì chỉ khiến mọi việc trở nên tệ hại hơn”.

Đây là lý do mà TS Kaatz và một số tổ chức như Hiệp hội các Nhà khoa học nữ (AWIS) thường xuyên tổ chức hội thảo cho các tổ chức, ban biên tập, học viện... để bàn thảo về những chiến lược giúp giảm tình trạng trọng nam khinh nữ trong khoa học.

Nhiều tạp chí khoa học uy tín như Bảo tồn sinh học (Conservation Biology), Địa lý tự nhiên (Nature Geoscience) và Biến đổi khí hậu (Nature Climate Change) cũng đã có những động thái ban đầu để giảm bớt sự chênh lệch giới trong khâu bình duyệt ý tưởng khoa học bằng cách đề ra một hệ thống bình duyệt kép, ở đó tác giả không được biết người bình duyệt nghiên cứu của mình là ai. Tuy nhiên, hệ thống này có điểm yếu là làm giảm khả năng liên kết giữa tác giả báo cáo khoa học và người bình duyệt - những người thường nghiên cứu về các vấn đề tương tự nhau.