Ở nhiều nơi trên thế giới, phụ nữ trong ngành khoa học vẫn bị đối xử chưa công bằng.
Ảnh: Independent
TS Kelly Ramirez - Viện Sinh thái Hà Lan - cùng các nhà khoa học Jane Zelikova, Theresa Jedd, Teresa Bilinski, Jessica Metcalf đã thảo lá thư với mục đích ban đầu là xây dựng một mạng lưới gồm 500 phụ nữ.
Sau 6 ngày, 8.800 nhà nghiên cứu đã ký cam kết. Mạng lưới này nhằm giúp đỡ những đối tượng bị kỳ thị - “các nhóm thiểu số, phụ nữ, cộng đồng LGBTQIA (đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới, chưa rõ giới tính, lưỡng tính và đồng minh - những người dị tính ủng hộ quyền của người LGBT), người nhập cư và người khuyết tật”.
Thư viết: “Nhiều người trong chúng ta cảm thấy bị đe dọa bởi những lời nói gây chia rẽ và phá hoại. Vì vậy chúng ta liên kết với nhau để có thêm hiểu biết và tăng sức mạnh”.
TS Ramirez giải thích trên trang Scientific American rằng cô và các đồng nghiệp hy vọng sẽ bắt đầu một cuộc đối thoại tích cực để giải quyết những thách thức, bao gồm ngăn chặn tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu và những quyết định liên quan đến vấn đề này mà Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump có thể đưa ra.
TS Franciska De Vries thuộc Đại học Manchester (Anh) hy vọng dự án này sẽ phát triển thành một mạng toàn cầu của các nhà khoa học để hỗ trợ nhau trong nghiên cứu và truyền cảm hứng cho phụ nữ trẻ làm khoa học.
Họ đang có kế hoạch biến sự hỗ trợ này thành những biện pháp thiết thực nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học và phát triển nghề nghiệp, bao gồm cả các chương trình tư vấn cho nhà khoa học nữ. TS De Vries nói: “Chúng tôi xem đây là khởi đầu của một cái gì đó lớn hơn”.