Là chuyên gia năng lượng đầu tiên của sáng kiến Đối tác Môi trường và Khí hậu cho Châu Mỹ ECPA, nguyên Đặc phái viên Khoa học cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry; GS. Daniel Kammen đã có những chia sẻ về góc nhìn của ông đối với tiềm năng của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh
PV: Sau chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tới Việt Nam và sau sự kiện COP28,Việt Nam và Mỹ đã đề ra nhiều giải pháp hiệu quả trong kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu. Vậy vấn đề biến đổi khí hậu sẽ được hai nước hợp tác như thế nào trong thời gian tới nhằm hướng tới chuyển đổi xanh, kinh tế xanh?
GS Daniel Kammen: Một câu hỏi rất vĩ mô. Đây không chỉ là câu chuyện hợp tác giữa hai quốc gia, mà mỗi quốc gia đều cần phải có sứ mệnh riêng của mình.
Với riêng Việt Nam và Mỹ, chúng ta thấy rằng hai nước sẽ cần có những hợp tác tích cực hơn nữa trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là tăng cường về điện gió, điện mặt trời và các nguồn năng lượng sạch khác. Vấn đề tiếp theo đó là cần thay thế hoàn toàn và loại bỏ các năng lượng hóa thạch phản ứng tự nhiên.
Chúng ta đều biết rằng là năng lượng tái tạo sẽ có chi phí rẻ hơn so với các nguồn năng lượng hóa thạch. Nhưng ta cũng biết, kể cả ở hai quốc gia, nhiều doanh nghiệp lớn hoặc những ngành công nghiệp lớn vẫn chưa có khả năng và chưa muốn chuyển sang các lĩnh vực về năng lượng sạch. Việc hợp tác cũng cần phải thúc đẩy hơn nữa giữa hai ngành công nghiệp của cả hai nước.
Việc hợp tác rất quan trọng. Chẳng hạn, trong thời gian tôi còn công tác trong Chính phủ Hoa Kỳ, tôi đã tham gia một dự án hợp tác mang tên là Net Zero World giữa Hoa Kỳ và Đức cùng với một số nền kinh tế mới nổi khác nhằm hướng tới một thế giới phát thải bằng 0.
PV: Việt Nam có thể bắt đầu trong lĩnh vực nào ngay ở giai đoạn này để hướng đến năng lượng sạch, năng lượng xanh?
GS Daniel Kammen: Không chỉ một, Việt Nam có tiềm năng trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như nông nghiệp thông minh hoặc điện gió ngoài khơi. Việt Nam cũng có rất nhiều tiềm năng về các giải pháp năng lượng phân tán cho các doanh nghiệp, các cơ sở hoạt động lớn và ngay cả các giải pháp phân tán năng lượng tại gia đình.
Lĩnh vực năng lượng sạch sẽ là cơ hội mở ra rất nhiều việc làm tại Việt Nam, nhất là khi giới trẻ ở Việt Nam hiện nay rất ủng hộ việc hướng tới một nền kinh tế sạch, một nền năng lượng sạch, và bản thân các lãnh đạo của quốc gia cũng nói về năng lượng sạch, về chuyển dịch sang một nền kinh tế xanh. Hãy có những hành động thực tế, như ở Mỹ chúng tôi cũng vậy, chúng tôi thúc đẩy giới trẻ tham gia nhiều hơn vào việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, năng lượng sạch trong tương lai.
PV: Ông có thể chia sẻ một ví dụ về cách Mỹ thúc đẩy giới trẻ quan tâm đến vấn đề này?
GS Daniel Kammen: Một ví dụ rất cụ thể ở Mỹ là bản thân những người trẻ và các em học sinh, sinh viên đều được khuyến khích tham gia vào các hoạt động về chuyển đổi năng lượng sạch và họ được đưa ra những định hướng để có thể ủng hộ cho lĩnh vực này trong tương lai. Ví dụ, có các hoạt động giáo dục hướng tới giao thông xanh, công bằng xã hội, chuyển dịch xanh, chuyển dịch về năng lượng sạch - chúng sẽ mang lại lợi ích cho những nhóm yếu thế như thế nào.
PV: Việt Nam đặt mục tiêu sẽ đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ngoài việc nỗ lực này sẽ đóng góp vào nỗ lực chung của thế giới nhằm giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu, thì Việt Nam còn hưởng lợi gì từ quá trình chuyển đổi xanh đó?
GS Daniel Kammen: Khi chúng ta nói đến chuyển đổi xanh, đó không chỉ là câu chuyện thay thế hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch bằng các nguồn năng lượng tái tạo mới, mà nó còn đóng góp vào việc bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học của Việt Nam.
Ngoài ra, chi phí Việt Nam đầu tư vào năng lượng tái tạo sẽ mang lại lợi ích như đem lại nhiều công việc hơn, tác động tích cực đến nhận thức giới trẻ. Tôi nghĩ rằng đây là hướng đi mà Việt Nam nên cân nhắc.
PV: Việt Nam nên làm gì để có thể đạt được mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050?
GS Daniel Kammen: Thực ra tôi là một nhà khoa học vật lý, tôi không phải là một chính trị gia, nên những câu hỏi về các khuyến nghị chính sách có lẽ khá khó so với tôi. Nhưng xét về mặt chuyên môn tôi xin đưa ra một số khuyến nghị như sau. Thứ nhất, chúng ta cần phải thực hiện nhiều nghiên cứu hơn, ví dụ như khi nghiên cứu các nguồn năng lượng tái tạo mới, chúng ta cần tính đến “social cost of carbon”, tức là chi phí về mặt xã hội của carbon (giá trị hiện tại của tác hại trong tương lai do một tấn khí thải carbon dioxide gia tăng gây ra) và chúng ta phải có một hệ sinh thái để tạo điều kiện thuận lợi cho chi phí này.
Đặc biệt, Việt Nam cần tiến hành những dự án có quy mô lớn như là xe điện, hay các giải pháp về năng lượng phân tán như là lắp pin điện mặt trời như các mái nhà, công trình. Chẳng hạn, VinFast hoàn toàn có thể sản xuất ra điện và bán lại điện để hòa vào lưới điện của quốc gia.
Việt Nam đã có những động thái chuyển đổi xanh mạnh mẽ. Tuy nhiên, trên thế giới vẫn còn tồn tại một vấn đề, không phải chỉ riêng ở Việt Nam mà ngay cả Mỹ cũng vậy, đó là nhiều Chính phủ vẫn còn đang trợ cấp cho lĩnh vực năng lượng hóa thạch. Vậy để chuyển dịch xanh được dễ dàng hơn, chúng ta sẽ cần phải loại bỏ nền kinh tế hóa thạch, nền kinh tế không xanh để tạo đà cho năng lượng tái tạo được phát triển hơn nữa.
PV: Ông đánh giá thế nào về thách thức của năng lượng Hydrogen ở Việt Nam?
GS Daniel Kammen: Một câu hỏi thực sự rất khó. Rõ ràng chúng ta đều biết Hydrogen là giải pháp cho lưu trữ năng lượng. Tuy nhiên các chuyên gia vẫn tranh cãi nhiều về vai trò của Hydrogen. Liệu nó có hữu ích trong quá trình chuyển dịch xanh? Và phải chăng nó chỉ có thể áp dụng trong một số các ngành công nghiệp cụ thể? Đây vẫn là cuộc tranh cãi chưa có hồi kết giữa các nhà khoa học vật lý như chúng tôi.
PV: Xin cảm ơn Giáo sư!