GS. Pieter Cullis, đồng Chủ nhân Giải thưởng Chính VinFuture mùa 1, đánh giá cao tầm nhìn và tính toàn diện của Giải thưởng VinFuture khi công nhận nghiên cứu về nano lipid và màng sinh học của ông trong công nghệ vắc-xin mRNA - điều mà Giải Nobel năm nay đã không làm.

Tại lễ trao giải thưởng VinFuture mùa đầu tiên, cả ba nhà khoa học Katalin Kariko, Drew Weissman và Pieter Cullis đã trở thành những chủ nhân đầu tiên của Giải thưởng Chính vì đã phát triển công nghệ nghiên cứu vaccine mRNA, mở đường tạo ra các loại vaccine ngăn ngừa Covid-19 hiệu quả. Dựa trên khám phá của TS Kariko và BS Weissman cùng với việc tạo ra hạt nano lipid của GS Cullis, các công ty dược phẩm như Pfizer-BioNTech, Moderna đã sản xuất được các loại vaccine phòng chống Covid -19 hữu hiệu trong thời gian kỷ lục.

Tháng 10 năm nay, Hội đồng Nobel cũng đã quyết định trao Giải Nobel Y sinh cho hai nhà khoa học là Katalin Karikó và Drew Weissman vì những khám phá của họ giúp phát triển vaccine mRNA hiệu quả chống lại COVID-19. Tuy nhiên, Hội đồng đã không vinh danh GS Pieter Cullis cùng với hai người đồng nghiệp. GS Cullis đã có những chia sẻ về cuộc sống của ông sau hai năm nhận giải VinFuture và quan điểm của ông về quyết định của Hội đồng Nobel.

Công ty Liệu pháp Nano tích hợp và Đại học British Columbia, Canada
GS Pieter Cullis (Công ty Liệu pháp Nano tích hợp và Đại học British Columbia, Canada). Ông đã phát triển hạt nano lipid làm“phương tiện vận chuyển” mRNA. Ảnh: Paul Joseph

PV: Cuộc sống và việc nghiên cứu của ông đã diễn ra như thế nào sau 2 năm kể từ khi nhận Giải thưởng VinFuture?

GS. Pieter Cullis: VinFuture đã thay đổi rất nhiều cuộc sống của tôi. Giải thưởng thực sự góp phần giúp nghiên cứu của chúng tôi được công chúng biết đến nhiều hơn, và nhờ đó, tôi nhận được thêm các khoản tài trợ cho nghiên cứu của mình. Đây là nền tảng quan trọng để chúng tôi tập trung nghiên cứu những ứng dụng khác của hạt nano lipid trong vận chuyển mRNA và các loại liệu pháp ứng dụng axit nucleic khác giúp điều trị cho nhiều loại bệnh khác nhau.

PV: Đâu là điều ông tâm đắc nhất về Giải thưởng VinFuture?

GS. Pieter Cullis: Tôi muốn nhấn mạnh tính tiên phong của VinFuture trong việc tôn vinh những nghiên cứu đột phá và đổi mới công nghệ đi trước thời đại. Ngoài ra, Giải thưởng còn chú trọng hỗ trợ các nhà nghiên cứu, nhà sáng chế trong giai đoạn then chốt của sự nghiệp để giúp họ phát huy hết tiềm năng và giúp các nghiên cứu được ứng dụng rộng rãi hơn trong cuộc sống.

Những năm gần đây, có rất nhiều nghiên cứu khoa học, nhưng thường chưa đi đến đích để trở thành những sản phẩm thực sự có ích cho con người. Tôi đã dành cả sự nghiệp để nghiên cứu về hạt nano lipid và màng sinh học. Thật khó có thể tưởng tượng ra rằng chúng ta có thể tạo ra một loại vắc-xin mới từ đó. Nhưng cuối cùng, thì chính nhờ những nghiên cứu cơ bản này, chúng tôi đã góp phần vào sự thành công của vắc-xin mRNA. Đổi mới sáng tạo là quan trọng, nhưng nó sẽ có ý nghĩa hơn nếu thực sự giúp mang lại cuộc sống tốt hơn cho con người.

PV: Cụ thể, công nghệ nano lipid nói riêng và vắc-xin mRNA nói chung đã có những bước tiến ra sao trong thời gian qua, thưa Giáo sư?

GS. Pieter Cullis: Công nghệ nano lipid có nhiều tiềm năng chưa được khai phá và ngày càng có nhiều ứng dụng để điều trị bệnh như ung thư và các bệnh truyền nhiễm. Hiện tại, trên thế giới có nhiều liệu pháp điều trị hiệu quả sử dụng công nghệ mRNA. Trong tương lai gần, việc tiêm phòng cúm hằng năm sẽ không còn cần thiết vì khả năng cao chúng ta có thể cho ra đời loại vắc-xin giúp chống được tất cả các chủng vi-rút cúm.

Công nghệ mRNA còn đẩy nhanh sự phát triển của y học cá thể khi có thể ứng dụng trong liệu pháp tế bào miễn dịch CAR-T điều trị ung thư hay chỉnh sửa gen để giảm lượng cholesterol xấu (LDL) trong cơ thể hoặc chữa các bệnh hiếm như thiếu hụt một protein nào đó…

Chúng ta đang chứng kiến một cuộc cách mạng trong y học. Bằng cách ứng dụng sinh học phân tử và khai thác chính cơ chế của tế bào, chúng ta có thể tìm ra phương thuốc cho bất kỳ bệnh nào. Tôi nghĩ rằng khoảng 30 - 40% các liệu pháp điều trị mới ra đời trong 5 năm tới sẽ dựa trên công nghệ này.

f
GS Pieter Cullis, TS Katalin Karikó và GS Drew Weissman (từ trái qua phải) được trao Giải thưởng chính VinFuture 2021vì đã phát triển công nghệ nghiên cứu vaccine mRNA, mở đường tạo ra các loại vaccine ngăn ngừa Covid-19 hiệu quả. Ảnh: VinFuture

PV: Vắc-xin mRNA là một “trái ngọt” của hợp tác liên ngành trong nghiên cứu. Điều này cũng phù hợp với chủ đề của Giải thưởng VinFuture mùa 3 - “Chung sức toàn cầu”. Đối với Giáo sư, chủ đề này có ý nghĩa như thế nào?

GS. Pieter Cullis: Hợp tác liên ngành trong khoa học có vai trò cực kỳ quan trọng. Bản thân tôi vốn là một nhà Vật lý học, rồi tôi chuyển sang mảng Hóa sinh sau đó. Tôi đã quen với việc kết hợp kiến thức Vật lý và áp dụng nó để hiểu hơn về đặc tính của các phân tử sinh học. Với mục tiêu tạo ra một điều gì đó có ích cho con người, tôi đã tìm hiểu về một lĩnh vực rất lớn là thuốc và bào chế thuốc. Cuối cùng, để hiện thực hóa những ý tưởng đó, để đem thuốc đến được tận tay người bệnh, tôi còn tìm hiểu thêm về kinh doanh và khởi nghiệp.

Để biến ý tưởng trong phòng thí nghiệm thành một điều gì đó hữu ích cho con người, ta cần tư duy và sự hợp tác y liên ngành. Vì thế, tôi đánh giá rất cao chủ đề của VinFuture năm nay. Nó cho thấy tầm nhìn cũng như tầm vóc toàn cầu của một Giải thưởng với sứ mệnh phụng sự nhân loại.

PV: Một câu hỏi hơi riêng tư, cảm nhận của Giáo sư ra sao khi công nghệ vắc-xin mRNA được trao giải Nobel Y sinh năm nay mà chỉ có tên hai nhà nghiên cứu?

GS. Pieter Cullis: Tôi đã hy vọng giải thưởng sẽ được trao cho cả ba chúng tôi, nhưng vì một lý do nào đó Hội đồng Nobel chỉ quyết định trao giải cho công trình sửa đổi mRNA ít gây phản ứng miễn dịch mà TS. Katalin Karikó và GS. Andrew Weissman tham gia thực hiện. Phạm vi khá cụ thể và họ đã không xét đến “phương tiện vận chuyển” mRNA là hạt nano lipid, mặc dù yếu tố này cũng quan trọng không kém.

Tôi cũng không lý giải được tại sao Hội đồng Nobel lại có quyết định như vậy. Ngược lại, Hội đồng VinFuture đã có đánh giá toàn diện hơn khi công nhận vai trò của cả ba thành viên.

PV: Xin cảm ơn Giáo sư!