Nam giới ngửi nước mắt của phụ nữ sẽ bớt tính hung hăng đi 40%, theo một thử nghiệm mới.
Nhà tự nhiên học vĩ đại Charles Darwin đã từng bối rối vì mục đích của việc khóc. Trong cuốn "Sự thể hiện cảm xúc ở con người và loài vật" năm 1872, ông đã tuyên bố việc sụt sùi là "vô nghĩa khi nước mắt tiết ra từ một cái lỗ cạnh mắt". Nhưng trong 150 năm kể từ đó, các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều giả thuyết về chức năng của việc khóc, từ việc phát tín hiệu về tình trạng yếu thế và bất lực, cho đến làm sạch vi khuẩn khỏi mắt.
Nghiên cứu trước đây từ Viện khoa học Weizmann, Israel, cho thấy việc
ngửi
nước mắt phụ nữ làm giảm hormone testosterone ở nam giới, nhưng chưa rõ điều này có ảnh hưởng đến hành vi không. Ở loài vật thì tác động rõ ràng hơn, ví dụ những con chuột chũi yếu thế sẽ chảy nước mắt đầm đìa để tự vệ trước những kẻ tấn công.
Trong nghiên cứu mới từ các nhà khoa học thuộc Viện Weizmann và Đại học Duke, việc ngửi nước mắt xúc động của phụ nữ được ghi nhận có thể làm giảm sự hung hăng ở nam giới. Song các nhà nghiên cứu còn cho rằng không chỉ riêng nước mắt phụ nữ mà nước mắt của tất cả mọi người đều có tác động như vậy.
Trong thí nghiệm này, nhóm nghiên cứu thu nước mắt rơi từ má 6 người phụ nữ khi xem những bộ phim buồn. Tổng số 31 người nam được đưa cho ngửi nước muối hoặc nước mắt phụ nữ. Tiếp theo, họ tham gia một trò chơi máy tính được dùng trong tâm lý học để kích động hành vi hung hăng bằng cách trừ điểm người chơi một cách không công bằng.
Kết quả là hành vi hung hãn dưới dạng trả đũa ở những người nam ngửi nước mắt phụ nữ thấp hơn 43,7% so với những người ngửi nước muối. Các xét nghiệm quét não sau đó cho thấy những người ngửi nước mắt có nhiều kết nối chức năng hơn giữa các vùng xử lý mùi và tính hung hăng, trong khi đó hoạt động của mạng lưới liên quan đến tính hung hăng giảm đi.
Các nhà nghiên cứu cho rằng thành phần trong nước mắt có tác dụng điều hòa phản ứng của não trước sự hung hăng. Vấn đề là các loài gặm nhấm có hệ thống giác quan giúp phát hiện những chất như vậy, còn ở người thì không. Trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học nhận thấy nước mắt người có thể kích hoạt 4 loại thụ thể trong tế bào thần kinh cảm ứng về mùi, và do đó có thể chúng có khả năng phản ứng với chất làm giảm sự hung hăng.
Các nhà khoa học cho rằng các chất có trong nước mắt không có nhiều tác động tới tương tác xã hội giữa người trưởng thành, nhưng có khả năng đã tiến hóa chức năng để bảo vệ trẻ em. Trẻ có khả năng giao tiếp hạn chế, chúng không thể tự bảo vệ mình nên dễ bị gây hại và cần cách để làm giảm bớt tính hung hăng của đối phương.
Các nhà nghiên cứu hi vọng có thể tìm ra thành phần hoạt chất trong nước mắt để sản xuất chất có tiềm năng làm giảm thiên hướng hung hăn. Tuy nhiên, các nhà khoa học khác chỉ ra rằng bối cảnh xã hội quanh việc khóc rất phức tạp và cần nghiên cứu kĩ hơn trước khi rút ra kết luận cuối cùng.
Nguồn: